Nông thôn mới

Đan Phượng nâng “chất” xã nông thôn mới kiểu mẫu

Nguyễn Mai 04/10/2024 - 07:46

Cùng với Thanh Trì, Đan Phượng là một trong hai huyện đầu tiên của thành phố Hà Nội có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Dù đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu cấp xã, nhưng huyện Đan Phượng vẫn chưa có xã nào đạt chuẩn nông thôn mới toàn diện 8/8 tiêu chí. Do đó, huyện đang nỗ lực nâng cao chất lượng các tiêu chí, tiến tới xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu toàn diện.

dan-phuong.jpg
Đường giao thông khang trang tại xã nông thôn mới kiểu mẫu Hạ Mỗ (huyện Đan Phượng).

Chưa có xã nào đạt toàn diện 8 tiêu chí

Chủ tịch UBND xã Hạ Mỗ Bùi Tất Thêm thông tin, Hạ Mỗ có truyền thống hiếu học, nơi sản sinh ra các bậc hiền tài của đất nước, như: Thiền sư Trí Bảo, Thái úy Tô Hiến Thành, Hoàng giáp Đỗ Trí Trung… Với bề dày lịch sử văn hóa, ngay từ thế kỷ thứ VI, Hạ Mỗ là kinh đô của nhà nước Vạn Xuân. Hiện đình Vạn Xuân, chùa Hải Giác và đền Văn Hiến đã được xếp hạng Di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia.

Trên nền tảng tiềm năng và lợi thế, Đảng bộ xã Hạ Mỗ đã ban hành nghị quyết về phát triển du lịch trên địa bàn. Năm 2020, Hạ Mỗ được công nhận là điểm du lịch của thành phố. Triển khai xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, xã tự chọn 3 lĩnh vực: Y tế, giáo dục và đào tạo, du lịch. Đến hết năm 2023, xã đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới với các lĩnh vực trên.

Còn xã Thọ An đã chọn xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trên 2 lĩnh vực: Y tế, giáo dục và đào tạo. Từ năm 2010 đến hết năm 2023 (thời điểm hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu), xã đã huy động được hơn 310 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu. Đến nay, xã có hệ thống hạ tầng khang trang, đặc biệt trường học công lập 3 cấp đều đạt chuẩn quốc gia, trong đó có trường tiểu học và trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng Nguyễn Viết Đạt cho biết, đến thời điểm này, 100% số xã của huyện đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Một số kết quả tiêu biểu của huyện trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, như: Có 54/55 trường đạt chuẩn quốc gia (1 trường mới thành lập nên chưa đạt chuẩn), 39/55 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2; 100% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 95,09%... Tuy nhiên, tất cả các xã mới đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu từ 2 đến 4 lĩnh vực, chưa có xã nào đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu trên cả 8 lĩnh vực: An ninh trật tự, môi trường, sản xuất, y tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, du lịch, chuyển đổi số.

Nâng cao chất lượng tiêu chí

Huyện Đan Phượng xác định tiếp tục nâng cao chất lượng tất cả các tiêu chí ở các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng thông tin, trong 9 tháng của năm 2024, huyện hoàn thành thêm 40 dự án thuộc các lĩnh vực giáo dục, kinh tế, văn hóa, môi trường, y tế… Tổng số vốn huy động cho xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu từ năm 2021 đến quý III-2024 là hơn 4.183 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước và huy động ngoài ngân sách. Trong đó, riêng 9 tháng của năm 2024 đã huy động hơn 1.222 tỷ đồng. Các dự án được được bố trí vốn đầy đủ, không gây nợ đọng xây dựng cơ bản.

Bên cạnh xây dựng cơ bản, huyện Đan Phượng cũng tập trung cho công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Trong 9 tháng qua, huyện giải quyết việc làm mới cho 4.275 lao động tại các xã, thị trấn, tổ chức 155 phiên giao dịch việc làm. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Chỉ thị số 22 của Huyện ủy trong việc cưới, việc tang. Toàn huyện có 97% hộ gia đình đăng ký danh hiệu “Gia đình văn hóa”; 8 xã đăng ký danh hiệu “Xã tiêu biểu”, 129/129 làng, cụm dân cư, tổ dân phố đăng ký danh hiệu “Làng, cụm dân cư văn hóa, tổ dân phố văn hóa”; tỷ lệ hỏa táng toàn huyện đạt 75,04%.

Xây dựng nếp sống thanh lịch, văn minh, huyện tổ chức và duy trì cuộc thi “Giữ gìn thôn, tổ dân phố sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, thông minh” được nhân dân đồng thuận. Huyện không còn hộ nghèo, tỷ lệ nghèo đa chiều toàn huyện chỉ còn 0,67%...

Du lịch được xác định là lĩnh vực trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Huyện Đan Phượng tăng cường quảng bá, tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật tại điểm đến du lịch xã Hạ Mỗ và khu sinh thái Đan Phượng. Trong 9 tháng của năm 2024, hai điểm đến du lịch này đã đón 23.600 lượt khách. Huyện cũng tổ chức trưng bày và giới thiệu sản phẩm văn hóa - ẩm thực - du lịch với 5 gian hàng, 4 đêm giao lưu văn nghệ; các trò chơi dân gian truyền thống; triển lãm ảnh “Đan Phượng - Truyền thống - Hội nhập và phát triển lần thứ II”, thu hút hàng nghìn người tham gia.

Đối với lĩnh vực chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, huyện Đan Phượng duy trì mô hình thôn thông minh, đã thành lập 16 tổ công nghệ số, 129 tổ công nghệ cộng đồng thôn, cụm dân cư, tổ dân phố với tổng số 1.015 thành viên, 101 mô hình thôn thông minh với 101 nhà văn hóa có lắp đặt wifi miễn phí; lắp đặt 2.731 camera an ninh và 1.884 đèn năng lượng mặt trời… Huyện triển khai mở rộng hạ tầng mạng diện rộng của thành phố (mạng WAN) đến 16 xã, thị trấn, tích hợp mạng WAN của thành phố…

Huyện Đan Phượng cũng quan tâm đầu tư cho các tiêu chí giúp huyện nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, tiến tới xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu toàn diện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; đồng thời giúp huyện cán đích các mục tiêu để trở thành đô thị trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đan Phượng nâng “chất” xã nông thôn mới kiểu mẫu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.