Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đàn Nam Giao xưa

ANHTHU| 12/05/2008 07:17

(HNM) - Đàn Nam Giao ở Thăng Long xưa được đắp từ thời vua Lý Anh Tông. Đại Việt Sử  ký toàn thư viết: “Giáp Tuất, năm thứ 15 (1154) tháng 9, vua ngự ra cửa nam thành Đại La xem đắp đàn Viên Khâu” (Nam Giao). Được dùng để tế trời, theo quan niệm, mọi nghi lễ đều diễn ra trên đàn đắp bằng đất, bày hương án ngoài trời chứ không có mái.

(HNM) - Đàn Nam Giao ở Thăng Long xưa được đắp từ thời vua Lý Anh Tông. Đại Việt Sửký toàn thư viết: “Giáp Tuất, năm thứ 15 (1154) tháng 9, vua ngự ra cửa nam thành Đại La xem đắp đàn Viên Khâu” (Nam Giao). Được dùng để tế trời, theo quan niệm, mọi nghi lễ đều diễn ra trên đàn đắp bằng đất, bày hương án ngoài trời chứ không có mái.

Qua nhiều triều đại kế tiếp, mãi cho đến 509 năm sau, thời Lê Trung Hưng, vua Lê Huyền Tông và chúa Trịnh Tạc mới cho dựng điện Chiêu Sự để tế trời trên nền đàn cũ vào năm 1663. Sách “Kiến văn tiểu lục” của Lê Quý Đôn chép: “Ngày làm lễ, rước hoàng đế ngự ở sân điện Chiêu Minh, sau khi đã quán tẩy, hoàng thượng mới bước lên điện dâng hương trước án, việc dâng hương và đọc chúc đều cử hành trên điện, chỉ quỳ và cúi đầu vái, còn lễ bốn lạy trước và sau khi đọc chúc đều lạy ở sân điện”.

Trong các tấm bản đồ vẽ thànhThăngLongthờiLê và Nguyễn nhưbảnđồthành Đông Kinh năm 1490, “Trung đô sơn xuyên hình thắng chi đồ” năm Cảnh Hưng thứ 31 (1770), “Trung đô nhất phủ nhị huyện chi hình”, “Thăng Long thành Phụng Thiên nhất phủ nhịhuyệnnăm Gia Long thứ 9- 1810 đều vẽ đàn Nam Giao rất rõ.

Nhìn trên tấm bản đồ vẽ thành Thăng Long thời Hồng Đức 1490, thấy vùng đất phía nam mênh mông đầm nước bao bọc suốt từ vùng đại hồ Văn Miếu - cống Lâm Khang đến gần sát đàn Nam Giao. Xem hình minh họa thì đàn Nam Giao được dựng theo lối phương đình tám mái, xung quanh là những bậc đá để nhà vua bước lên làm lễ tế trời.

Trong sách “Lịch triều hiến chương loại chí”, nhà sử học Phan Huy Chú miêu tả điện Chiêu Sự (Nam Giao) do Tây Vương Trịnh Tạc sai dựng như sau: “Huyền Tông năm Cảnh Trị thứ 1 (1663) làm điện Nam Giao... giữa là điện Chiêu Sự, cột bốn góc làm bằng đá, nền và sân bao lơn đều bằng đá cả. Rường, xà, rui, hoành đều sơn son thếp vàng, cóhai dãy hành lang tả hữu, bên ngoài là chỗ vua thay quần áo, đằng trước có ba tầng cửa quy mô chế thức rực rỡ mới mẻ. Sai triều thần là nhóm Hồ Sĩ Dương làm văn khắc bia để ghi việc ấy...

Thế rồi biển dâu biến cải. Cuối thời Lê Trung Hưng, chúa Trịnh suy tàn, vua Lê Chiêu Thống trả thù cái nợ bị đè ép, sai đốt phá hết những gì có dính dáng đến chúa Trịnh. Nhưng chắc đàn Nam Giao không bị đốt, vì ai dám đốt nơi tế trời. Dù sao, thế cuộc đổi thay cũng tác động vào. Đàn trở nên hoang phế. Sau này, gần giữa thế kỉ XIX, thời Minh Mạng,Vũ Tông Phan (1800 - 1851, đỗ tiến sĩ năm 1826) khi đến thăm di tích, trước cảnh tiêu điều đã phát sinh cảm thán. Bài thơ “Thăm đàn Nam Giao triều trước Lê” của ông có hai đoạn, đoạn đầu là:

Tiêu điều lũy cổ gió thu bay

Vời vợi dấu xưa biết ai đây

Điện vắng trơ vơ mưa nắng dãi

Bia mòn nhập nhoạng bóng chiều vây.

(Bản dịch của Vũ Thế Khôi)

Theo tư liệu thì trong “Lỗ Am di cảo tập”, trước bài thơ, Vũ Tông Phan có lời chú về vùng đất này như sau: “Đàn Nam Giao này tại ô cầu Dền phía nam thành Thăng Long, là nơi tế trời của các triều Lý, Trần, hậu Lê, sau đến nhà Lê Trung Hưng. Vào mùa thu năm Quý Mão hiệu Cảnh Trị(1663) Tây Vương Trịnh Tạc dựng điện Chiêu Sự ở đây, nay chỉ còn chính điện cột kèo vẫn như mới, nhung hiên mái mất đến nửa. Trước chính điện có con Ly nằm giữa gai góc, chim sẻ làm tổ. Bên ngoài là ruộng lúa, kê bao quanh. Trâu, dê thả rông trên nền điện, xa xa còn thấy một tấm bia đávỡ nằm trơ trọi, xóm thôn chen lẫn, cảm khái làm bài thơ...”.

Như vậy là vào giữa thế kỷXIX, đàn Nam Giao Thăng Long tuy đã hư hại nhiều nhưng vẫn còn dáng hình. Đàn nằm giữa một vùng đất xung quanh có xóm làng với những ruộng lúa, kê, đám gia súc thả rông lên cả sân điện chứng tỏ không có ai chăm sóc, trông nom. Hoàng hôn buông xuống, chiều thu ảm đạm, cảnh cũ người xưa cô tịch tiêu điều, làm sao nhà thơ không nảy sinh tâm trạng hoài cổ, nuối tiếc...

Đến thời Pháp xâm lược nước ta, trên tấm bản đồ Hà Nội vẽ năm 1873, năm thành Hà Nội bị đánh lần thứ nhất, vẫn thấy có mặt di tích này, ghi là “Lê Nam giáo đàn”. Cuộc bình chiếm Bắc Kỳ kết thúc, Hà Nội trong tay người Pháp, khu đất có đàn Nam Giao được cấp cho một công ty xây dựng nhà máy diêm. Từ năm 1892, khi nhà máy này đi vào sản xuất, đàn Nam Giao mới mất hẳn dấu tích.

Hòa bình lập lại, chính quyền mới xây dựng ở đây nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, tồn tại từ ấy cho đến những năm gần sát ngày nay. Đây chính là ngã năm chợ Đuổi cũ giao giữa các phố Bà Triệu, Lê Đại Hành, Đoàn Trần Nghiệp, Thái Phiên, Phạm Ngọc Thạch, giờ sừng sững tòa nhà Vincom City Towers gồm siêu thị, các văn phòng giao dịch thương mại. Phía sau, bên phải có tòa nhà nhỏ hơn của Công ty Yamaha.

Tiến tới kỉ niệm 1000 năm Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long, thành phố có ý đồ tái hiện đàn Nam Giao, công trình có giá trị lịch sử. Hiện naymảnh đất được các phố Bùi Thị Xuân, Thái Phiên, Đoàn Trần Nghiệp, Mai Hắc Đế bao quanh đang ở trong quá trình khảo sát để xây dựng, đất đá ngổn ngang bề bộn như một công trường. Có người cho rằng địa điểm này không phải là nơi có đàn cũ, vì không thấy hiện vật gì. Theo chúng tôi, có chỗ cần biện luận rằngthời chúa Trịnh Tạc xây cách nay hơn 500 năm, đàn chỉ đắp bằng đất, tường bao quanh cũng bằng đất. Trước đó, các thời Lý, Trần, hậu Lê không hề xây dựng. Vật liệu bền chắc, kiểu vĩnh cửu như gạch đá, gỗ tốt... do đó không thể tìm thấy. Nếu có những vật liệu trên thì trải bao binh hỏa, chúng cũng có thể bị đào cậy lên, lấy đi làm công trình khác. Dù sao, đây không phải cung điện cho vua chúa ở như khu Hoàng thành, mà chỉ để “Xuân Thu nhị kỳ” các vị đến tế trời. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Uẩn, đến năm 1926, tấm bia ghi chép về đàn Nam Giao vẫn nằm lăn lóc ngoài bãi cỏ của nhà máy diêm, rồi được đưa về trường Viễn Đông Bác Cổ - Bảo tàng Lịch sử Việt Nam ngày nay. Điều ấy cũng là một bằng chứng cho thấy chính đây là chỗ dựng đàn Nam Giao xưa.

Ngày nay, đi siêu thị Vimcom, đến giao dịch, làm ăn ở tòa nhà này, mấy ai biết được một thuở, các ông vua nhiều triều đại đã về đây tế trời, cầu cho Đại Việt non sông bền vững, thái hòa vạn đại. Hẳn là những lúc ấy, nam thành Thăng Long phảicờ phướn rợp trời, tán vàng lọng tía võng kiệu nguy nga, cạnh đó gươm giáo sáng lòa, quân binh nghiêm chỉnh bên ngựa voi. Những thời khắc đáng để biết đến, ghi lại, bằng môt công trình kiến trúc xứng đáng...

Văn Sáu

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đàn Nam Giao xưa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.