Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dân lo sợ, chủ đầu tư... thờ ơ!

Đức Trường| 28/09/2012 07:19

(HNM) - 13h35 ngày 27-9, huyện Bắc Trà My lại bị rung chuyển bởi một trận động đất kéo dài khoảng 10 giây với cường độ khoảng 3,8 richter. Theo Ban Quản lý dự án (QLDA) thủy điện 3, máy đo tại đập Thủy điện Sông Tranh 2 ghi nhận được thông số 38 cm/s2, nhỏ hơn hai trận động đất ngày 3 và 23-9. Ông Hồ Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã Trà Đốc xác nhận, mặt đất rung chuyển kèm theo một tiếng nổ lớn.

Một số người dân hoảng sợ chạy ra đường, nhưng phần lớn vẫn làm việc, sinh hoạt bình thường, trẻ con vẫn đi học. Có thể sự hoang mang của người dân quanh khu vực bị ảnh hưởng động đất kích thích do Thủy điện Sông Tranh 2 gây ra sẽ dần chai lì, nhưng chắc chắn họ sẽ không thể ổn định cuộc sống khi mà chưa thể an tâm về mối nguy do những trận động đất gây ra. 

Cán bộ xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My hướng dẫn bà con cách ứng phó với động đất. Ảnh: Bắc Bằng


Cán bộ còn sợ, nói gì đến dân

Bà Hồ Thị Hiến, trú tại thôn 3A (khu tái định cư Thủy điện Sông Tranh 2), xã Trà Đốc than phiền: "Dân ở đây khổ rồi, giờ lại chuyện động đất nữa. Ở thì sợ, mà đi thì chẳng có chỗ mô để đi nữa rồi…". Tâm trạng của bà Hiến cũng giống như bao đồng bào dân tộc Cadong ở Bắc Trà My, những người đã phải di dời khỏi nơi sinh sống cũ chuyển về nơi ở mới phục vụ cho việc xây dựng Thủy điện Sông Tranh 2.

Chuyển về sống tại các khu TĐC được một thời gian, thấy không phù hợp nên có hộ đã đi tìm nơi ở mới hoặc chuyển về nơi cũ nếu còn đất. Nhưng khi hàng loạt trận động đất xảy ra làm nhà cửa bị hư hỏng, cuộc sống bất an, họ tiếp tục bỏ nhà TĐC đi nơi khác. Những người đã sinh sống ổn định hoặc không còn chỗ để đi như bà Hiến chỉ còn biết phó mặc sự sống chết cho số phận. Theo UBND huyện Bắc Trà My, những trận động đất liên tiếp đã gây ảnh hưởng nặng đến 1.096 hộ dân (6.329 nhân khẩu) thuộc 4 xã Trà Đốc, Trà Bui, Trà Giác và Trà Tân. Đến nay có 38 nhà TĐC bỏ hoang, xuống cấp; 21km đường vào các khu TĐC của các xã bị sạt lở, gây khó khăn trong việc đi lại.

Nhà dân ở Trà Đốc nứt, ở thị trấn Trà My cũng nứt. Một lãnh đạo huyện cũng phải thốt lên: "Bản thân tôi còn thấy sợ huống chi người dân. Cứ ở đây khi có động đất thì mới có thể hiểu được nỗi sợ của họ". Những ngày qua, chính quyền huyện đã cố gắng tìm nhiều cách trấn an người dân, nhưng động đất vẫn liên tiếp xảy ra thì việc này xem ra quá sức.

Ông Đặng Phong, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho rằng, Ban QLDA thủy điện 3 quá thờ ơ và vô tâm đối với người dân TĐC, thiếu sự hợp tác với huyện trong việc giải quyết những vấn đề nảy sinh sau TĐC và ảnh hưởng bởi động đất do thủy điện gây ra. Lẽ ra, sau khi xảy ra động đất, BQLDA thủy điện 3 phải cử người phối hợp cùng huyện đến khảo sát thiệt hại, đồng thời thăm hỏi động viên, chia sẻ với người dân TĐC. Thế nhưng chỉ đến khi huyện yêu cầu cơ quan này mới cử 1-2 người đi vài nhà xem xét qua loa.

Ông Vũ Đức Toàn, Phó Giám đốc Ban BQLDA thủy điện 3 lại biện minh, trước khi xây dựng các công trình TĐC, chủ đầu tư đã mời các già làng, trưởng bản họp để tham vấn và họ chọn địa điểm, sau khi thống nhất mới tiến hành xây dựng. Chủ đầu tư đã bồi thường đất sản xuất cho dân hết rồi. Thế nhưng cũng chính ông Toàn thừa nhận, đến nay chỉ mới làm được 3km đường giao thông cho bà con, số còn lại đang chờ chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực (EVN). Lập tức, Chủ tịch huyện Bắc Trà My Đặng Phong phản bác, đáng lẽ trước khi tích nước, BQLDA thủy điện 3 phải làm xong các công trình bao gồm nhà cửa, trường học, công trình nước sạch và đường giao thông… rồi mới bàn giao cho dân. Nhưng khi chưa xong Ban QLDA thủy điện 3 đã tích nước vì còn phải chạy đua tiến độ xây dựng công trình thủy điện. Hậu quả đổ hết lên đầu người dân. Theo ông Đặng Phong, để giải quyết vấn đề an dân trước mắt và lâu dài, cần có sự thống nhất từ trung ương, tỉnh và Tập đoàn Điện lực VN (EVN) về sự hỗ trợ và cơ chế đặc thù cho người dân vùng động đất, nhất là những người bị thiệt hại.

Các nhà khoa học còn đang… "bói"

Sau khi động đất liên tục xảy ra, một đoàn khảo sát của Bộ Khoa học và Công nghệ (Bộ KH&CN) do Tiến sĩ Lê Huy Minh, Phó Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu dẫn đầu đã có mặt để khảo sát, nghiên cứu về những trận động đất kích thích xung quanh Thủy điện Sông Tranh 2. Sự có mặt của đoàn khảo sát đã phần nào làm an lòng chính quyền địa phương và người dân. Sau 4 ngày kiểm tra khảo sát đoàn khảo sát khẳng định, gia tốc lớn nhất đo được ở vai trái của đập là 88,3cm/s2, chưa vượt ngưỡng gia tốc động đất thiết kế cho đập Thủy điện Sông Tranh 2 (150cm/s2), nên các trận động đất vừa qua không ảnh hưởng gì tới đập. Ngay cả trận động đất trưa 23-9 lớn hơn trận ngày 3-9 cũng vẫn chỉ bằng một nửa ngưỡng thiết kế. Tuy nhiên, TS Minh cũng lưu ý, trong tương lai, có thể sẽ xuất hiện động đất lớn hơn nữa nhưng sẽ không vượt quá 5,5 độ richter.

Được biết, Bộ KH&CN đã phê duyệt triển khai đề tài "Nghiên cứu động đất kích thích khu vực hồ chứa Thủy điện Sông Tranh". Đề tài sẽ được triển khai trong thời gian tới với việc lắp đặt 5 trạm địa chấn để theo dõi tình hình hoạt động động đất, đánh giá xu thế hoạt động động đất kích thích trong khu vực, nghiên cứu chi tiết các điều kiện địa chất và địa động lực phục vụ việc bảo đảm an toàn đập Thủy điện Sông Tranh 2. Và theo kế hoạch, Bộ KH&CN sẽ triển khai đề tài này trong… 3 năm nữa!

Thực tế ở các nước trên thế giới cho thấy, sự an toàn của đập thủy điện chính là sự an toàn của người dân. Tuy nhiên, đáng lo ngại là cho đến lúc này vẫn chưa có sự thống nhất giữa các nhà khoa học trong cả nước về mức độ an toàn của Thủy điện Sông Tranh 2. Người thì bảo an toàn. Người khác lại cảnh báo nguy cơ. Chính sự không thống nhất này đã khiến cho người dân cũng như chính quyền không thể yên tâm. Vì vậy, các nhà khoa học, các cơ quan chức năng cần tập trung nghiên cứu tìm ra câu trả lời, sau đó công khai với người dân. Tuy nhiên, trong khi chờ kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học thì người dân Bắc Trà My sẽ vẫn phải "sống chung" với động đất, trong nỗi lo sợ trước một thảm họa kép, vừa lo động đất vừa lo chất lượng công trình không bảo đảm. Có  thể thấy là các nhà khoa học vẫn đang nợ người dân một câu trả lời xác đáng.

Phải minh bạch thông tin

Trước những trận động đất liên tục trong thời gian vừa qua, huyện Bắc Trà My đã tiến hành tập huấn về kỹ năng đối phó và giảm thiểu thiệt hại do động đất gây ra cho 200 cán bộ từ cấp huyện đến xã, thôn và giáo viên các trường học trên địa bàn do các chuyên gia của Trung tâm Huấn luyện sơ cấp cứu thuộc Hội Chữ thập đỏ TP Đà Nẵng thực hiện.

Sáng 27-9, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão (PCLB) trung ương và lãnh đạo sở, ban ngành tỉnh Quảng Nam đã có buổi kiểm tra tình hình phòng chống lụt, bão tại Thủy điện Sông Tranh 2 trước mùa mưa lũ. Tại cuộc làm việc, đại diện Ban Chỉ đạo PCLB trung ương lưu ý chủ đầu tư rằng người dân sẽ chỉ an tâm khi lời nói phải đi đôi với việc làm, nhất là khi mùa bão lụt đang cận kề; đồng thời cũng cho rằng, dù không tích nước nhưng với việc hồ không có cửa xả đáy thì mực nước hồ lúc cao điểm vẫn là 161 mét, tương đương với 480-500 triệu mét khối nước. Do lượng nước trong hồ rất lớn cho nên rất cần thiết phải có phương án phòng chống lụt bão cho người dân vùng hạ du. Theo Ban Chỉ đạo PCLB trung ương, chủ đầu tư phải nghĩ đến tình huống xấu nhất của thủy điện trong mùa mưa lũ để xây dựng kịch bản ứng phó; phải minh bạch thông tin và người dân cần phải biết hiện trạng của hồ chứa để an tâm sinh sống. Đồng thời, chủ đầu tư có trách nhiệm xây dựng và cung cấp bản đồ ngập lụt khi không tích nước vào mùa mưa này và kể cả khi xảy ra vỡ đập. Trên cơ sở đó, chính quyền địa phương có thể chủ động chọn các điểm cao, chuẩn bị trang thiết bị, vật tư để ứng phó khi nước dâng cao.

Đang là mùa mưa lũ, nếu chính quyền và chủ đầu tư không có những hành động thiết thực thì người dân sẽ không thể an tâm. Mà khi tâm đã không an thì làm sao họ có thể an cư để sinh sống.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Dân lo sợ, chủ đầu tư... thờ ơ!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.