Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đàm phán gia nhập WTO: Hành trình gian nan

Song Linh| 16/01/2021 11:18

(HNNN) - Cách đây 14 năm, ngày 11-1-2007, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam chính thức phê chuẩn Nghị định thư gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Việc trở thành thành viên đầy đủ của WTO đã giúp kinh tế Việt Nam có bước phát triển mạnh mẽ, ngày càng khẳng định vị thế quốc gia trên trường quốc tế. Thế nhưng, để trở thành thành viên của tổ chức thương mại lớn nhất hành tinh này, chúng ta đã trải qua một hành trình đàm phán vô cùng gian nan.

WTO là một tổ chức lớn với hầu hết thành viên đều là thành viên của Liên hợp quốc. Đây là một “sân chơi” lớn có tiếng nói, ảnh hưởng mang tính quyết định tới hoạt động kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu. Để gia nhập tổ chức này, vì thế, không hề đơn giản. Tất cả các nước sau khi có đơn xin gia nhập đều phải tiến hành các cuộc đàm phán.

Quá trình đàm phán gia nhập WTO của mỗi nước được tiến hành theo 2 giai đoạn: Giai đoạn đầu nhằm minh bạch hóa chính sách thương mại. Giai đoạn 2 là đàm phán về mở cửa thị trường. Việc đàm phán được tiến hành theo 2 phương thức song song: Đa phương và song phương. Đàm phán đa phương tập trung vào vấn đề thể chế, chính sách thương mại của nước xin gia nhập, được tiến hành tại các phiên họp của Ban Công tác về việc gia nhập WTO.  Đàm phán song phương tập trung vào vấn đề mở cửa thị trường của nước xin gia nhập, được tiến hành giữa nước xin gia nhập với từng thành viên WTO có yêu cầu đàm phán.

Đàm phán gia nhập WTO là đàm phán “một chiều”, theo ý nghĩa để được hưởng sự mở cửa thị trường áp dụng giữa các nước thành viên WTO, nước xin gia nhập chỉ có thể đàm phán về những cam kết, những ưu đãi thương mại mà nước mình sẽ dành cho các đối tác, chứ không thể đòi hỏi sự ưu đãi gì từ các bên đối tác dành riêng cho mình.

Chỉ sau khi gia nhập, với tư cách thành viên WTO, các nước mới có thể đàm phán trên cơ sở “có đi có lại” về các vấn đề được đưa ra tổ chức này. Đàm phán WTO thực chất là cuộc đấu tranh giữa các đối tác vì lợi ích kinh tế của mỗi bên, trong đó có nhiều nước tham gia đàm phán với những lợi ích rất khác nhau.

Với tính chất phức tạp đó, quá trình đàm phán của nước ta kéo dài tới 12 năm, nhưng vẫn chưa bằng Trung Quốc (15 năm) và một số quốc gia khác. Sở dĩ việc đàm phán kéo dài là có một “luật bất thành văn” ở WTO trong những năm sau này, theo đó nước nào càng vào sau càng bị ép phải có những cam kết cao hơn, nhiều lĩnh vực hơn so với các thành viên cũ.

Bên cạnh đó, nước ta đang trong quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường nên chính sách kinh tế có sự khác biệt so với các nước và so với quy định của WTO. Thêm vào đó, quy mô, tiềm năng nền kinh tế nước ta cũng không nhỏ, nên nhiều thành viên WTO muốn đàm phán để bảo vệ lợi ích cạnh tranh của nước họ.

Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại Lương Văn Tự, để gia nhập WTO, nước ta đã tiến hành hơn 200 cuộc đàm phán để các nước hiểu tình hình thực tế, công nhận Việt Nam là nước đang phát triển ở trình độ thấp và nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi. Nhiều đối tác yêu cầu đàm phán song phương, cho rằng Việt Nam là một thị trường tương lai hứa hẹn, với dân số đông, lao động trẻ, có vị trí địa lý thuận lợi cả trên bộ, trên biển, hàng không - những điều kiện quan trọng cho phát triển thương mại. Sự ổn định về chính trị cũng khiến các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm, trong khi kim ngạch xuất, nhập khẩu chưa cao. Các cuộc đàm phán luôn căng thẳng, ngay cả với những nội dung nhỏ vì các nước luôn cảnh giác cao độ với tiềm năng của nước ta. Một vấn đề quan trọng trong đàm phán là trợ cấp nông sản, bởi nước ta đất chật, người đông, điều kiện sản xuất nông nghiệp khó khăn, kỹ thuật canh tác lạc hậu nhưng lại xuất khẩu mạnh.

Tại thời điểm đàm phán, nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam đã có “số má”, thậm chí trong nhóm đứng đầu thế giới như: Gạo, cà phê, điều, chè, thủy sản… Đó là lý do nhiều nước yêu cầu đàm phán song phương với yêu cầu bỏ mọi hình thức trợ cấp nông nghiệp vì lo ngại nông sản nước ta tràn ngập thế giới, khiến sản xuất của họ gặp khó. Không dễ để thuyết phục dù bình quân một hộ dân Australia có đến 200ha đất sản xuất, còn ở nước ta chỉ là 0,3ha/hộ.

Một nghịch lý nữa là WTO quy định những nước kém phát triển là nước có thu nhập dưới 1.000 USD. Thời điểm đàm phán, thu nhập bình quân đầu người ở nước ta chưa đầy 1.000 USD/năm, nhưng lại được Liên hợp quốc công nhận là nước đang phát triển do cộng thêm các tiêu chí về y tế, văn hóa, giáo dục vào. Thương lượng, thuyết phục các bên công nhận kinh tế ở trình độ thấp để có thể có những biện pháp “bảo hộ” nông dân mà không vi phạm các quy định của WTO, đó không phải là việc đơn giản.

Thế nhưng, cũng có mặt hàng nông sản Việt Nam gặp rất nhiều bất lợi như thịt bò, thịt lợn. Nguyên nhân như đã nói, do đất chật, người đông, chăn nuôi chủ yếu là nhỏ lẻ, rất khó cạnh tranh với các nước xuất khẩu mạnh như Mỹ, Canada, Australia, New Zealand... Vì vậy, phần đấu lý càng căng thẳng để các nước thấy, hiểu khó khăn đó dẫn đến chấp thuận mức thuế đề xuất phù hợp. Có thời điểm đàm phán, mọi việc tưởng chừng rơi vào bế tắc, không còn cách giải quyết.

Tuy nhiên, phía Việt Nam đã kiên định nhấn mạnh mong muốn gia nhập WTO để ổn định, phát triển, nhưng vấn đề là phải phù hợp với Việt Nam chứ không phải theo bất cứ điều kiện nào. Với những lý lẽ, căn cứ thuyết phục, cuối cùng thì các nước tham gia đàm phán, kể cả Mỹ, cũng vui vẻ chấp thuận.

Trong phiên họp thông qua toàn bộ hồ sơ gia nhập WTO của Việt Nam, diễn ra vào tháng 10-2006, ngài Eirik Glenne, Chủ tịch Ban công tác về việc gia nhập WTO của Việt Nam đã khẳng định: “Gia nhập WTO là một quá trình gian khổ và kéo dài, đòi hỏi phải đưa ra những quyết định khó khăn. Chính phủ Việt Nam đã hoàn thành một khối lượng công việc thần kỳ, đáp ứng một cách kịp thời và mang tính xây dựng đối với những yêu cầu của các thành viên WTO”.

Còn Tổng Giám đốc WTO khi đó, ngài Pascal Lamy tỏ ý thán phục: “Việt Nam luôn nhận mình là một nước kém hơn, nhưng kỹ năng đàm phán của các bạn thật đáng khâm phục, và những ai hiểu được lịch sử dân tộc này thì chẳng lấy gì làm ngạc nhiên về điều đó”.

Các mốc quan trọng trong việc gia nhập WTO của Việt Nam

Tháng 1-1995: Việt Nam nộp đơn xin gia nhập WTO.

Tháng 8-1996: Việt Nam nộp “Bị vong lục về chính sách thương mại”

1998 - 2000: Tiến hành 4 phiên họp đa phương với Ban Công tác về Minh bạch hóa các chính sách thương mại vào tháng 7-1998, 12-1998, 7-1999, và 11-2000. Kết thúc 4 phiên họp, Ban Công tác của WTO đã công nhận Việt Nam cơ bản kết thúc quá trình minh bạch hóa chính sách và chuyển sang giai đoạn đàm phán mở cửa thị trường.

Tháng 4-2002: Tiến hành phiên họp đa phương thứ 5. Bắt đầu tiến hành đàm phán song phương.

2002 - 2006: Đàm phán và hoàn thành đàm phán song phương với một số thành viên WTO, trong đó có EU và Mỹ.

Ngày 26-10-2006: Kết thúc phiên đàm phán đa phương, toàn bộ hồ sơ gia nhập WTO của Việt Nam được thông qua.

Ngày 7-11-2006: WTO triệu tập phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng tại Geneva để chính thức kết nạp Việt Nam vào WTO.

Ngày 11-1-2007: WTO nhận được quyết định phê chuẩn chính thức của Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Kể từ đây, Việt Nam trở thành thành viên đầy đủ của WTO.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đàm phán gia nhập WTO: Hành trình gian nan

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.