(HNMO) – Một đám mây bụi núi lửa ở Chile đã trì hoãn các chuyến bay trên khắp Nam Mỹ và Australia, khiến hàng nghìn du khách bị mắc kẹt và buộc Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon phải qua đêm trên xe buýt.
Sự phun trào của núi lửa Puyehue, nằm cao trên dãy Andes, đã bước sang tuần thứ hai, phun tro bụi, phá vỡ du lịch hàng không ở một quy mô chưa từng thấy kể từ sau vụ đám mây bụi núi lửa ở Iceland làm tê liệt châu Âu hồi năm 2010.
Các sân bay Buenos Aires đã hoãn các chuyến bay nội địa và quốc tế vào đêm 12/6, lần thứ ba trong vòng 1 tuần, thúc đẩy một cuộc họp khủng hoảng ngày hôm qua nhằm đánh giá tình hình, Cục Hàng không dân dụng Argentina cho biết.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đã trở thành nhân vật cao cấp nhất bị mắc kẹt sau khi ông buộc phải di chuyển trên một xe buýt qua đêm để tới gặp các nhà lãnh đạo Argentina ngày hôm qua. Tệ hơn nữa - đó lại là ngày sinh nhật của ông.
Tất cả đã kết thúc tốt đẹp khi ông Ban, người đã đánh dấu sinh nhật lần thứ 67 của ông ngày hôm qua, đã đến thủ đô đúng giờ để gặp các nhà lãnh đạo Argentina và giành được sự ủng hộ của họ cho một nhiệm kỳ thứ hai làm tổng thư ký.
Theo các quan chức, sân bay quốc tế Carrasco của Montevideo ở nước láng giềng Uruguay cũng phải tạm ngừng hoạt động, với hơn 70 chuyến bay bị hủy bỏ và Brazil cũng đã dừng tất cả các chuyến bay đến Uruguay và Argentina.
Trung tâm khí tượng Chile cho biết, gió sẽ tiếp tục thổi tro bụi vào Argentina cho tới tận ngày mai, 15/6.
Nhà địa chấn học Chile Enrique Valdivieso nói rằng, sự phun trào có thể diễn ra trong vòng một tuần, nhưng rất khó để biết dựa trên các tiền lệ. Một vụ phun trào hồi năm 1960 đã kéo dài hai tuần, nhưng một vụ trước đó vào năm 1921 đã kéo dài 2 tháng.
Đợt phun trào ngày 4/6 là đợt gây khó khăn nhất cho các khu du lịch gần núi lửa như các khu nghỉ mát trên núi của Bariloche, nơi có sân bay đã bị đóng cửa trong suốt 1 tuần, và Villa Angostura, cách đó 30 km.
Gió mạnh đã mang đám mây tro bụi đi được nửa vòng thế giới, tới tận Australia.
Hàng nghin hành khách hàng không hôm nay đã phải đối mặt với ngày thứ ba bị chậm trễ ở Australia do đám mây bụi từ đợt phun trào của núi lửa ở Chile vẫn tiếp tục hoành hành.
Qantas và Jetstar đã dỡ bỏ một lệnh cấm trên các chuyến bay đến và đi từ Melbourne, nhưng các dịch vụ của hai hãng hàng không đến và đi tới các hòn đảo phía nam của Tasmania và New Zealand vẫn bị hoãn.
Chuyến bay đến Adelaide của Qantas, Jetstar và Tiger hôm nay cũng bị hoãn.
Hơn 110 chuyến bay Qantas đã bị hủy bỏ hôm 12/6 và 13/6, ảnh hưởng ít nhất 20.000 du khách, trong khi có đến 25.000 hành khách khác đã bị hủy chuyến bởi nhánh Jetstar của Qantas đã hủy một số chuyến bay.
Vụ phun trào năm 2010 của một ngọn núi lửa ở Iceland, Eyjafjoell, đã gây ra sự đình trệ trên không lớn nhất ở châu Âu kể từ sau Thế chiến thứ 2, ảnh hưởng đến hơn 100.000 chuyến bay và 8 triệu hành khách.
Sự phun trào của núi lửa Puyehue đã tạo thành các cột bụi cao tới 10.000 m, phủ lên các ngọn núi đẹp như tranh vẽ và các hồ dọc biên giới Chile-Argentina và khiến 3.500 người phải di tản.
Đợt phun trào lớn nhất cuối cùng của nó là vào năm 1960, tiếp sau một trận động đất cường độ 9,5 độ ritchter - trận động đất lớn kỷ lục nhất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.