Thứ hai vừa qua, các nhà chức trách Indonesia cho biết, một đám đông cầm gậy gộc và dao rựa đã tàn sát 300 con cá sấu để trả thù sau khi một người dân địa phương bị một cá thể cá sấu giết chết.
Những hình ảnh chụp được từ hiện trường cho thấy, hàng chục con cá sấu đã chết, người dính đầy máu, nằm chồng chất lên nhau sau vụ tấn công tại một trang trại chăn nuôi ở tỉnh Papua.
Cá sấu bị giết nằm chồng lên nhau. (Nguồn: channelnewsasia.com) |
Theo Channel NewsAsia, vụ việc này diễn ra vào thứ bảy tuần trước, sau đám tang của người đàn ông 48 tuổi, thiệt mạng sau khi bị cắn chết trong lúc tìm cỏ cho gia súc ăn, theo thông tin từ phía cảnh sát và các quan chức bảo tồn.
"Một trong số các công nhân của trang trại cá sấu đã nghe thấy tiếng ai đó kêu cứu và chạy tới hiện trường, tại đây họ đã thấy một con cá sấu đang cắn xé một người", Basar Manullang, người đứng đầu cơ quan Bảo tồn Tài nguyên Tự nhiên Indonesia ở Tây Papua.
Ông cũng cho biết thêm rằng, do giận dữ trước việc trang trại được bố trí gần khu dân cư, gia đình của người đàn ông này và hàng trăm người dân địa phương khác đã tới trụ sở cảnh sát, và tại đây họ được cho biết rằng, chủ trang trại cá sấu sẽ trả tiền bồi thường.
Nhưng đám đông này không hài lòng và đã tới trang trại cá sấu, mang theo gậy gộc, dao rựa và xẻng, sau đó dùng những công cụ này để giết khoảng 292 con cá sấu, từ những con cá sấu con nhỏ bằng bàn tay tới những con trưởng thành dài 2m, các nhà chức trách cho biết.
Lực lượng cảnh sát và các quan chức bảo tồn bị áp đảo về số lượng cho biết, họ đã không thể ngăn chặn cuộc tấn công kinh khủng này.
Họ cho biết có thể sẽ có các cáo buộc hình sự. “Hiện giờ chúng tôi vẫn đang thẩm vấn các nhân chứng”, Cảnh sát trưởng quận Dewa Made Sidan Sutrahna nói.
Vụ việc đẫm máu này nêu bật những nguy hiểm khi xâm phạm vào khuôn viên của các trại chăn nuôi và cũng nêu lên những mối quan ngại về sự an toàn của các trang trại như vậy.
“Họ cần đảm bảo rằng trại nuôi có hàng rào đầy đủ và cần tăng cường trang bị an ninh bằng camera CCTV và biển báo để cảnh báo cho những người khác” về mối nguy hiểm, Dwi Nugroho Adhiasto, quản lý chương trình thuộc văn phòng Hiệp hội Bảo tồn thế giới ở Indonesia cho biết.
Quần đảo này ở Đông Nam Á, là nơi sinh sống của rất nhiều loài động vật hoang dã, trong đó có một số loài cá sấu thường xuyên tấn công và gây chết người.
Hồi tháng 3, các nhà chức trách ở Borneo đã bắn chết một con cá sấu dài 6m sau khi nó ăn thịt một công nhân làm việc trong một trang trại trồng cọ ở địa phương.
Hai năm trước, một du khách người Nga đã bị cá sấu giết chết ở quần đảo Raja Ampat, một vùng lặn biển nổi tiếng ở miền Đông Indonesia.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.