(HNM) - Ngày 21-1-2011, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư số 04 quy định về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, trong đó nhấn mạnh: "Các thủ tục chạm ngõ, ăn hỏi, rước dâu cần được tổ chức theo phong tục, tập quán; không phô trương hình thức, rườm rà; không nặng về đòi hỏi lễ vật. Khuyến khích dùng hình thức báo hỷ thay cho giấy mời dự lễ cưới, tiệc cưới; hạn chế tổ chức tiệc cưới linh đình, chỉ tổ chức tiệc trà, tiệc ngọt trong lễ cưới"...
Tuy nhiên, sau gần 1 năm thực hiện theo "tinh thần 04", tại nhiều địa phương, tình trạng cưới hỏi dềnh dang còn diễn ra phổ biến, và "món ăn tinh thần" ở nhiều gia đình thực sự quá lãng phí.
Cỗ cưới nhiều chắc đã... vui?
Chủ nhật vừa rồi tôi được chú em họ ở Sơn Lộc, thị xã Sơn Tây (Hà Nội) mời ăn cưới con, ngồi vào mâm cỗ, đọc thực đơn, thấy có 13 món, ngoài thịt gà, thịt bò, cá diêu hồng, chả nướng, giò, thịt hầm thuốc bắc, còn có nộm, su hào luộc, hai bát canh… Sau bữa ăn đó, tôi thấy nhiều mâm còn thừa rượu, có món còn nguyên, chưa ai đụng đũa. Còn ở quê tôi làng Vân Hội, xã Phong Vân, huyện Ba Vì, ông bác họ vừa tổ chức cưới cho con trai, riêng việc dựng rạp đã làm từ 3 ngày trước đó, mọi người đến giúp việc rửa bát, trang trí... gia đình cũng phải bày biện, tổ chức ăn, gọi là "ăn cơm mải", tốn gần chục mâm. Kết thúc đám cưới, tổng kết lại bác tôi nhẩm tính dễ đến hơn trăm mâm.
Việc thực hiện nếp sống văn hóa trong cưới hỏi ở nhiều địa phương còn nhiều lãng phí. Ảnh: Đức Nghiêm |
Đó chỉ là hai ví dụ điển hình cho việc tổ chức cỗ cưới của hai gia đình ở hai khu vực khác nhau, đều tốn hơn trăm mâm trong hai ngày. Các gia đình lý giải phải làm nhiều như thế vì người trong họ, hàng xóm thân thiết đến làm giúp từ sớm hôm bắt đầu chuẩn bị cưới đến ngày hôm sau. Tất nhiên không thể vắng mặt bạn bè của bố mẹ, các con, anh chị em trong gia đình, rồi hội đồng niên, đồng ngũ, đồng môn, đồng nghiệp… Sau đám cưới, trừ chi phí, cả hai gia đình đều bị lỗ từ 15 đến hơn 20 triệu đồng.
Không chỉ lãng phí trong cỗ bàn, nhiều cặp vợ chồng trẻ còn phải "méo mặt" vì những khoản chi khác, ví dụ như chụp ảnh cưới. Hiện việc chụp ảnh trong studio đã trở nên lỗi thời. Bình thường “đôi uyên ương” sẽ "dập dìu" đi đến những địa điểm đẹp như: Thành cổ Sơn Tây, Khu du lịch Đồng Mô, Vườn Quốc gia Ba Vì, Làng cổ Đường Lâm… Mỗi đám cưới, tiền chụp ảnh "ngốn" ít cũng phải gần chục triệu khi làm ảnh to, album và tiền lo cho buổi dã ngoại. Đó là những cặp cô dâu chú rể còn "tiết kiệm", không dám chạy theo chúng bạn, còn với những đôi muốn có "dấu ấn" để đời, đua đòi chụp ảnh theo "Thiên tình sử" của mình thì việc "đốt" mất vài chục triệu đồng tiền ảnh là cầm chắc. Hết chụp ảnh, lại phải lo đến váy cưới, bộ rẻ nhất thuê cũng mất hơn một triệu đồng, bộ khá hơn là bốn đến năm triệu đồng. Xong chuyện chụp ảnh, váy cưới là phải tính chuyện mua sắm đồ cho buồng tân hôn, lại mua tủ, giường, bàn trang điểm, chăn ga, gối đệm... cũng góp phần làm "tiêu hao sinh lực" cho các gia chủ hàng chục triệu đồng trở lên.
Hay chưa khen, dở chưa phạt
Ngày 25-1-2011, Huyện ủy Ba Vì đã ra Nghị quyết 02 về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, mừng thọ và lễ hội, trong đó quy định việc cưới chỉ tổ chức nhiều nhất là 50 mâm cỗ, mỗi mâm sáu người. Sau một năm sơ kết, có 3.197 đám cưới thì chỉ có hai đám dùng trà nước, 1.967 đám cưới tổ chức tiệc dưới 50 mâm, còn lại là trên 50 mâm và báo hỷ. Những con số trên cho thấy từ mong muốn đến thực tế bao giờ cũng có một khoảng cách khá xa. Thật xót xa khi chứng kiến cảnh những đám cưới phô trương, lãng phí, nhiều gia đình dù không khá giả nhưng vẫn cố vay mượn họ hàng, bán hết trâu bò, tổ chức hàng trăm mâm cỗ, mỗi mâm giá vài triệu đồng; rước, đón dâu bằng hàng chục chiếc ô tô và nhiều xe máy, gây tắc nghẽn giao thông. Vẫn còn tình trạng chỉ mới hơn 10 giờ sáng, cán bộ, công chức đã tìm cách rời công sở để đi ăn cưới...
Nhân chuyện cưới ở quê tôi, chợt nhớ đến những đám cưới tập thể ở một số vùng quê khác, những nơi đó thậm chí còn nghèo hơn ở Sơn Tây, Ba Vì... rất nhiều dù dân trí chưa cao, nhưng người dân đã thực hiện chủ trương tiết kiệm, chống lãng phí rất tốt, không có chuyện cưới xin, ma chay ăn uống linh đình. Vào ngày lành tháng tốt, nhiều cặp uyên ương cùng tập trung tại nhà văn hóa xã, tổ chức một đám cưới tập thể với chè nước, bánh kẹo. Những tân lang, tân nương sánh vai nhau cùng nhận lời chúc phúc của các bên gia đình, bạn bè và trước sự chứng kiến của tất cả mọi người trong làng. Để tổ chức đám cưới như thế, lãnh đạo xã đã hỗ trợ một nửa kinh phí, phần còn lại các gia đình cô dâu chú rể đóng góp. Tổ chức xong lễ cưới ở nhà văn hóa, hai họ tập trung về gia đình chú rể dự liên hoan gặp mặt bằng một bữa cơm thân mật. Mô hình cưới tập thể như thế được lớp trẻ trong nhiều xã hưởng ứng tích cực, đơn giản là vì cưới tập thể không chỉ vui, ấm cúng mà sau khi cưới, các đôi vợ chồng trẻ còn dành dụm được ít vốn liếng lo cho cuộc sống tương lai, không phải lo đầu tắt, mặt tối, còng lưng ra làm để trả nợ.
Dù đã có Thông tư 04, nhưng việc tổ chức thực hiện cưới theo nếp sống văn hóa, thực hành tiết kiệm ở mỗi địa phương một khác. Vì chưa có chế tài, nên khó có thể biểu dương những nơi làm tốt và cũng không thể phạt các gia đình tổ chức cưới lãng phí. Thậm chí, một số nơi những gia đình tổ chức đám cưới xa hoa, kéo dài nhiều ngày, đến cuối năm vẫn được công nhận là gia đình văn hóa. Rõ ràng là tinh thần của Thông tư 04 vẫn chưa "ăn" sâu được vào đời sống nhân dân. Để tổ chức cưới theo nếp sống văn hóa mới đạt được hiệu quả thiết thực, thiết nghĩ trong thời gian tới chúng ta cần làm tốt hơn công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động nâng cao nhận thức, hình thành thói quen trong đời sống nhân dân. Thông qua các hình thức tọa đàm, trao đổi phù hợp, thiết thực; nghiên cứu xây dựng những mô hình cưới theo nếp sống mới cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.