Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đại tướng Nguyễn Quyết: Suốt đời vì nước, vì dân

Bài và ảnh: Nguyễn Năng Lực| 15/08/2021 05:48

(HNNN) - Tháng Tám này, Đại tướng Nguyễn Quyết bước sang tuổi 100. Một thế kỷ cuộc đời, hơn 80 năm hoạt động cách mạng, Đại tướng đã góp phần làm nên lịch sử và thúc đẩy lịch sử phát triển, để lại dấu ấn trong những ngày Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, trong kháng chiến chống thực dân Pháp, kháng chiến chống Mỹ và trong sự nghiệp xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa.

Đại tướng Nguyễn Quyết đọc Báo Hànộimới.

1. Sinh ngày 20-8-1922 trong một gia đình nông dân có 10 người con ở thôn Dưỡng Phú, xã Chính Nghĩa, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên, Đại tướng Nguyễn Quyết (tên thật là Nguyễn Tiến Văn) chỉ được học đến hết bậc tiểu học. 15 tuổi, ông lên Hà Nội kiếm sống và bắt đầu hoạt động cách mạng. Năm 1939, ông được Đảng giao nhiệm vụ trở về gây dựng phong trào phản đế ở tỉnh Hưng Yên. Đầu năm 1940, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Cuối năm 1941, ông tham gia lãnh đạo phong trào phản đế ở phía nam Hưng Yên, năm 1943 là Tỉnh ủy viên. Năm 1944, ông là Thành ủy viên, tham gia Ban Cán sự xây dựng phong trào phản đế ở Hà Nội. Tháng 3-1945, ông được giao nhiệm vụ Bí thư Thành ủy Hà Nội, Ủy viên Ủy ban Quân sự cách mạng, tham gia lãnh đạo khởi nghĩa cướp chính quyền ở Thủ đô.

Những ngày gây dựng phong trào ở Hưng Yên và ở Hà Nội, người đảng viên trẻ xuất thân nông thôn đã tự học hỏi, dựa vào dân, nhờ dân che chở, bảo vệ an toàn để hoạt động. Ông được gia đình quan phủ Nam triều Nguyễn Diệp Quảng ở 96 phố Hàng Bột cho ở trong nhà, được hai cô “thiên kim tiểu thư” nhanh trí cứu thoát khỏi sự lùng sục của quân Nhật. Ông kết bạn với những thanh niên tiến bộ “tầng lớp trên”, đưa họ vào con đường hoạt động cách mạng.

Chiều 16-8-1945, nghe báo cáo hôm sau có cuộc mít tinh của Tổng hội Viên chức ủng hộ chính quyền thân Nhật ở Nhà hát Lớn Hà Nội, Bí thư Thành ủy Nguyễn Quyết quyết định giao nhiệm vụ cho ông Phạm Thái Hy, Đội phó cùng Đội Thanh niên thành Hoàng Diệu cướp diễn đàn, biến cuộc mít tinh của địch thành cuộc tuần hành thị uy của quần chúng cách mạng.

Trưa 17-8, tại làng Vạn Phúc, Hà Đông, các đồng chí Nguyễn Khang, Trần Tử Bình, đại diện Xứ ủy hội ý, quyết định: Dựa vào Chỉ thị “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, cho Hà Nội tổng khởi nghĩa, không chờ lệnh cấp trên. Ngay tối 17-8-1945, Bí thư Thành ủy Nguyễn Quyết triệu tập cuộc họp Ủy ban Quân sự ở Dịch Vọng, quyết định Hà Nội Tổng Khởi nghĩa vào ngày 19-8-1945. Và cuộc Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội đã thành công, ta chiếm Trại Bảo an binh, Phủ Khâm sai, Tòa Thị chính, Sở Cảnh sát... không tốn một viên đạn, không đổ một giọt máu, “mở đường cho Cách mạng Tháng Tám thành công trên cả nước” như đánh giá của Tổng Bí thư Trường Chinh.

2. Tại trang 119 cuốn “Thủ đô Hà Nội - Truyền thống, nguồn lực, định hướng phát triển” do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia phát hành năm 2015 có ghi: “Nếu tiếp tục chấp hành các chỉ thị trước đó của Đảng, nhất là Quân lệnh số 1 của Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc thì chắc chắn cuộc Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội và trên cả nước sẽ rất khó khăn, thậm chí không giành được thắng lợi”.

Sự đánh giá đó dựa trên thực tế lịch sử. Lúc đó, quân Nhật ở Hà Nội có 1 vạn lính được trang bị hiện đại, thiện chiến, đã điều 2 xe tăng và rất nhiều lính bao vây Trại Bảo an binh, ra tối hậu thư buộc Việt Minh đầu hàng. Ta đã sáng tạo, vận dụng biện pháp “ngoại giao quân sự” với hậu thuẫn là khí thế ngút trời của quần chúng cách mạng, cử đoàn đại diện Việt Minh do đồng chí Lê Trọng Nghĩa, Ủy viên Ủy ban Quân sự và Cố vấn Trần Đình Long dẫn đầu, trực tiếp đàm phán với tướng Tsuchihashi - Tổng Tư lệnh kiêm Toàn quyền Nhật tại Đông Dương - ngay tại Tổng hành dinh quân đội Nhật (nay là 33 Phạm Ngũ Lão). Phía Nhật đồng ý án binh bất động, không can thiệp vào công việc nội bộ của người Việt Nam, đổi lại, họ được Việt Minh bảo đảm an toàn, không bị tấn công để chờ ngày về nước.

Kết quả đàm phán với Nhật mang ý nghĩa quyết định cho thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội, bởi phe Việt Minh đã không chỉ tránh được cuộc đối đầu trực tiếp với lực lượng vũ trang của Nhật mà còn dập tắt mọi hy vọng của các lực lượng chính trị khác vào khả năng đảo ngược tình thế tại Hà Nội vào thời điểm đó.

Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Quyết gia nhập đội quân Nam tiến, vào Liên khu V, lần lượt được giao những cương vị lãnh đạo Liên khu V. Trong kháng chiến chống Pháp, Liên khu V đã lập nhiều chiến công vang dội, đánh bại cuộc hành quân Atlante của Pháp, phối hợp chia lửa với chiến trường Điện Biên Phủ. Liên khu V cũng là địa phương duy nhất trong cả nước có vùng giải phóng do chính quyền nhân dân quản lý Trong thời gian lãnh đạo Quân khu 3, Đại tướng nắm chắc tình hình, quyết đoán, sáng tạo. Năm 1972, ông cùng Bộ Tư lệnh Quân khu tổ chức cho nhân dân Hải Phòng sơ tán triệt để trước khi máy bay B-52 Mỹ đánh phá, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Đại tướng còn có tầm nhìn chiến lược về phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế biển đảo. Năm 1976, khi là Chính ủy Quân khu 3, ông đã phát động phong trào “Vươn ra Biển Đông, làm giàu, đánh thắng”...

3. Tháng 5-1989, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam Nguyễn Quyết được Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh giao nhiệm vụ làm Trưởng đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam dự Hội nghị Bí thư Trung ương các Đảng Cộng sản và Công nhân các nước xã hội chủ nghĩa về công tác tổ chức, xây dựng Đảng tại La Havana, thủ đô nước Cộng hòa Cuba trong 2 ngày 6 và 7-6-1989. Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam gồm 3 người, ngoài Đại tướng có Trợ lý Trần Can và Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản Nguyễn Phú Trọng. Đại tướng đã có bài phát biểu quan trọng, nêu bật 6 nguyên tắc cơ bản để chỉ đạo công cuộc Đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam, khẳng định sự cần thiết tăng cường sức mạnh và hiệu lực của chuyên chính vô sản.

Tại hội nghị này, lần đầu tiên Đảng ta vạch rõ nguy cơ “thù trong” có thể dẫn đến tình trạng tự suy thoái trong Đảng Cộng sản và nguy cơ tan rã của hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa. Muốn chống “thù trong”, Đảng phải giáo dục, rèn luyện đảng viên ở tất cả các cấp, từ trung ương tới cơ sở, từ người lãnh đạo cấp chiến lược đến đảng viên thường. Lịch sử đã chứng minh tính đúng đắn của những lời cảnh báo đó. 2 năm sau, ngày 26-12-1991, Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết (Liên Xô) đã chính thức chấm dứt tồn tại. Hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu lần lượt sụp đổ. Trong nước xuất hiện xu hướng đòi đa nguyên, đa đảng. Bí thư Trung ương Đảng Nguyễn Quyết đã kiên quyết chống lại xu hướng này.

Từ kinh nghiệm thực tiễn của bản thân, Đại tướng khẳng định nguyên lý: Cách mạng Việt Nam do Đảng lãnh đạo phải dựa vào quần chúng, sức mạnh của cách mạng là ở nhân dân. “Không có quần chúng kém, chỉ có lãnh đạo tồi. Người lãnh đạo, nhất là ở cấp chiến lược càng phải biết dựa vào quần chúng, phải biết sửa sai, chống tả khuynh, chống hữu khuynh để giành thắng lợi. Ta vẫn quen nói, Đảng muôn năm, lãnh tụ muôn năm, nhưng nếu có sai lầm mà không sửa thì muôn năm thế nào được”. Ông đã được trao tặng Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng và Huân chương Sao Vàng cao quý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại tướng Nguyễn Quyết: Suốt đời vì nước, vì dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.