Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đại tá, Nghệ sĩ nhân dân Ứng Duy Thịnh: Cánh chim không mỏi

Bảo Ngọc| 10/06/2023 17:31

(HNMCT) - Hơn nửa thế kỷ đến với nghệ thuật múa, Đại tá, Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Ứng Duy Thịnh (nguyên Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội) đã dành tâm sức cho những tác phẩm múa về đề tài chiến tranh cách mạng. Mới đây, ông đã được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật cho 2 vở kịch múa “Đất nước”, “Ngọn lửa” và cuốn sách “Con đường dân gian đến sáng tạo múa chuyên nghiệp”.

 Đồng nghiệp, học trò chúc mừng NSND Ứng Duy Thịnh (giữa) sau buổi công diễn vở kịch múa “Trăng treo” năm 2020.

1. Sáng 19-5 vừa qua, trong buổi lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật tại Nhà hát Lớn Hà Nội, NSND Ứng Duy Thịnh xúc động chia sẻ: “Được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh nhưng tôi thấy đây chưa phải là điểm cuối cùng của hành trình phấn đấu, tôi vẫn sẽ tiếp tục sáng tạo và cống hiến”.

Đại tá Ứng Duy Thịnh đã có được giải thưởng danh giá. Có điều thú vị là trước khi đến với nghệ thuật múa, ông dự thi hát nhưng không được Trường Nghệ thuật quân đội (nay là Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội) tuyển chọn.

“Thực ra ngày đó cuộc sống khó khăn nên cứ được nhà trường chọn, học bộ môn nào cũng là hạnh phúc rồi, vì vào trong quân đội là bớt một miệng ăn cho gia đình. Từ quyết tâm vượt qua cái đói rồi thành niềm đam mê, thành cái nghiệp từ lúc nào không hay" - ông bồi hồi kể lại.

Biểu diễn và sáng tác là hai công việc song hành và bổ trợ lẫn nhau. Sáng tác là công việc cần tác giả sâu sát vào đời sống thực tế, cần sự trải nghiệm dày dặn để có chất liệu sáng tác. Và, môi trường quân đội đã cho ông điều đó.

Trong giai đoạn 1969 - 1975, ông là diễn viên trực tiếp biểu diễn phục vụ bộ đội trên các mặt trận và được sống trong thời khắc sinh tử, giữa lằn ranh của sự sống và cái chết. Ông chính là một trong những nghệ sĩ của Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị (nay là Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội) được vào Sài Gòn dàn dựng và biểu diễn chương trình nghệ thuật cách mạng đầu tiên ngay sau ngày 30-4-1975.

2. Có trải nghiệm dày dặn trong chiến trường là điều cần thiết, nhưng chất liệu đó không thể lên sân khấu nếu ông không được đào tạo bài bản về biên đạo múa tại Học viện Leningrad (Liên Xô cũ) - cơ sở để ông biến trải nghiệm cuộc sống thành tác phẩm nghệ thuật. Năm 1984, sau khi trở về nước, ông “khắc cốt ghi tâm” lời dạy của các thầy giáo, “phải sáng tác thế nào để những nhà khoa học, nhà bác học yêu thích, đồng thời những người nông dân “chân lấm tay bùn” cũng yêu thích”. Đấy dường như là “kim chỉ nam” được ông gói ghém trong hành trình sáng tạo để rồi qua tác phẩm của mình, ông luôn tìm con đường ngắn nhất để chạm đến trái tim khán giả.

Thử thách đầu tiên với ông chính là lời đề nghị của Đoàn trưởng Lương Ngọc Trác: Phải sáng tác một vở thơ múa để kỷ niệm 30 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Tuổi trẻ, mong muốn được thể hiện mình, ông đã dồn tâm sức để viết, dàn dựng vở thơ múa “Con đường ra chiến dịch”. Vở diễn có thời lượng 30 phút, lấy hình tượng cả dân tộc đồng lòng kéo pháo ra trận, thể hiện trí tuệ, lòng gan dạ, dũng cảm của quân và dân ta đã làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Đây cũng chính là vở diễn hé lộ tài năng của Ứng Duy Thịnh trên vai trò biên đạo múa.

Liên tiếp sau đó, ông đã sáng tác những tác phẩm gắn bó với đời sống quân nhân như: “Đất nước trọn niềm vui”, “Thư nhà”, “Pho tượng cổ”, “Bầu trời và lời ru”, “Bông lan trắng”... mà người xem có thể thấy được cái nhìn tinh tế của tác giả với những chi tiết rất “đời”. Thú vị là trong sáng tác, ông luôn lấy từ hình tượng có thật mà mình từng gặp, từng chứng kiến khoảnh khắc đời sống của họ để tôn vinh nét bình dị, cao cả của con người Việt Nam trong thời chiến lẫn thời bình.

“Tôi đã chứng kiến bộ đội lên đường ra trận với gương mặt rạng rỡ, với niềm tin phơi phới và tôi đã tái hiện những điều đó trong “Bài ca ra trận”. Rõ ràng, điều làm nên chiến thắng của chúng ta chính là tinh thần, là niềm tin, là sự lạc quan. Hay trong “Trăng treo” đã khắc họa hình ảnh những nữ thanh niên xung phong đã dành trọn tuổi thanh xuân chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc nhưng đời sống của họ thì nhiều trắc trở, gian khó. Trong tác phẩm có những phân đoạn xúc động như các cô gái thanh niên xung phong tựa lưng vào nhau đọc lên những câu thơ đầy thương xót: “Bao giờ cho hết chiến tranh/ Em về với mẹ húp canh cua đồng/ Gái chưa chồng phụ công cha mẹ/ Em không chồng biết tính sao đây”. Thế rồi, khi trở về cuộc chiến, sức khỏe của họ không được tốt, lại không chồng, không con...” - NSND Ứng Duy Thịnh nhớ lại.

Ai từng được thưởng thức kịch múa “Đất nước” thì khó có thể quên được những chi tiết, hình ảnh thấm đẫm tình người. Theo đánh giá của giới chuyên môn, “Đất nước” không chỉ mang tính sử thi mà còn giàu chất thơ, thể hiện dáng dấp huyền thoại của con người Việt Nam trong suốt mấy cuộc chiến tranh gian khổ. Tác phẩm lấy bối cảnh từ những năm 1940, mở đầu bằng hình ảnh đôi trai gái yêu nhau rồi chiến tranh ập đến, người con trai ra trận, người con gái mòn mỏi đợi chờ. Chỉ bằng ngôn ngữ hình thể, ông đã khắc họa vẻ đẹp quê hương, vẻ đẹp anh hùng của dân tộc Việt. Tác phẩm với triết lý nhân sinh, hào hoa mà mãnh liệt, khúc triết mà gần gũi với cuộc sống đương đại.

3. Chiến tranh cách mạng là đề tài không mới nhưng qua tài biên đạo của NSND Ứng Duy Thịnh, cuộc sống nơi chiến trường hiện lên không hề khô khan; giản dị mà sinh động, hấp dẫn, thấm đẫm tình người. Chiến tranh đã đi qua gần nửa thế kỷ nhưng những hệ lụy của cuộc chiến vẫn còn đó, vẫn thôi thúc ông sáng tác nên những tác phẩm nghệ thuật chân thực. Ông bảo, trong nghệ thuật múa, đề tài này vẫn là “mảnh đất màu mỡ” để các nghệ sĩ tìm kiếm, khai thác. Ông cũng trăn trở, ở Việt Nam múa chưa được phổ cập nhưng ngôn ngữ múa có sức truyền cảm rất lớn, một khi người xem đã ấn tượng với hình ảnh nào đó thì nhớ mãi.

Hơn nửa thế kỷ cống hiến cho nghệ thuật múa, NSND Ứng Duy Thịnh vẫn mang trong mình niềm say mê bất tận đối với những điệu múa mang chiều sâu văn hóa, lịch sử dân tộc, thấm đẫm hồn núi sông. Ông tâm niệm, cuộc đời cho nhau cái đẹp bằng những điệu múa cũng là niềm hạnh phúc của người nghệ sĩ. Chính vì thế, ông đã, đang và sẽ đi tìm cái đẹp đang lẩn khuất trong cuộc sống thường nhật để sáng tác, những mong con người sẽ yêu thương nhau nhiều hơn, sống với nhau có tình, có nghĩa hơn. Cứ như thế, ông như “cánh chim không mỏi” của nghệ thuật múa nước nhà.

Đại tá, PGS.TS.NSND Ứng Duy Thịnh sinh năm 1952, tại Hà Nội. Ông từng giữ cương vị Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc quân đội, Phó Hiệu trưởng Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội. Ông là người tham gia đạo diễn nhiều sự kiện lớn của đất nước, như Lễ khai mạc SEA Games 22, Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội; viết những công trình nghiên cứu, lý luận về múa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại tá, Nghệ sĩ nhân dân Ứng Duy Thịnh: Cánh chim không mỏi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.