(HNMO) - Ngày 23-4, tại Chùa Nhẫm Dương - Đệ nhất chốn tổ của thiền phái Tào Động Việt Nam diễn ra Đại lễ kỷ niệm 311 năm ngày Hóa thân của Thánh tổ - Quốc sư Đạo Nam Thông Giác Thuỷ Nguyệt...
Ông Lê Doãn Hợp - Nguyên Bộ trưởng Bộ TTTT, Chủ tịch hội đồng xác lập Kỷ lục VN trao bằng xác lập kỷ lục cho Thượng tọa Thích Thọ Lạc - Phó trưởng ban VH trung ương Giáo hội phật giáo VN |
Hoà thượng Thuỷ Nguyệt, Pháp danh Thông Giác Đạo Nam thiền sư, tu hành đến bậc Bồ Tát nhục thân. Ngài quê ở xã Thanh Triều, huyện Ngự Thiên, phủ Tiên Hưng, đạo Sơn Nam (Thái Bình ngày nay). Trải qua rất nhiều thử thách, khổ luyện, khi nhân duyên đã đủ, tâm đạo đã đầy Ngài Thủy Nguyệt được Hoà thượng Trí Giáo Nhất Cú truyền giới Cụ Túc, trao cho Tâm Pháp, ban pháp hiệu Thông Giác Đạo Nam Thiền Sư và cho về An Nam để truyền Tông phái Tào Động.Cố Đại lão Hoà thượng Kim Cương Tử cho rằng: Hoà thượng Thuỷ Nguyệt là tổ đời thứ 36 của Bắc Tông Tào Động và là Đệ nhất tổ của Nam Tông Tào Động. Sư Tổ Thuỷ Nguyệt không chỉ khai nguyên chốn tổ Nhẫm Dương, mà trụ trì chùa Hạ Long (Hải Dương), hoằng dương Phật pháp và độ tăng ở Côn Sơn, Quỳnh Lâm, Yên Tử, Đông Sơn… Cũng theo cố Đại lão Hoà thượng Kim Cương Tử thì Hoà thượng Thủy Nguyệt còn là Tổ khai sáng chùa Hoè Nhai (Hồng Phúc tự) ở phố Hàng Than, Ba Đình, Hà Nội...
Chùa Nhẫm Dương tên chữ là Thánh Quang, dân gian quen gọi là chùa Nhẫm, nằm lọt thỏm trong khu hang động núi đá vôi Nhẫm Dương thuộc xã Minh Tân, huyện Kinh Môn. Điều kỳ lạ là dường như tất cả các dãy núi đá trùng trùng điệp điệp vây quanh chùa đều có đỉnh hướng về ngọn núi Nhẫm Dương - nơi Chùa Thánh Quang tọa lạc. Chùa được xây dựng từ thời Trần (1225-1400). Chùa Nhẫm Dương khoảng gần 30 hang động lớn nhỏ tạo thành một cảnh Phật toàn bích. Đáng quan tâm là động (hang) Thánh Hoá, nơi Sư Tổ Thuỷ Nguyệt viên tịch, các nhà khảo cổ học đã phát hiện được rất nhiều di cốt hoá thạch của 27 loài động vật như: voi, tê giác, hổ, báo, nhím, lợn rừng, đười ươi (pôngô)... có niên đại cách ngày nay 3-5 vạn năm cùng nhiều di vật khảo cổ thời đại đồ đá, thời đồng thau và các pho tượng tượng Phật bằng đá có niên đại thời nhà Nguyễn. Địa tầng văn hoá ở đây dầy tới 4m vẫn đang chờ giới khảo cổ học đánh thức, khám phá. Kỳ bí nhất vẫn là hiện tượng chỗ Sư Tổ Thủy Nguyệt thiền định (kiết già) nhập cõi niết bàn phía trên đầu vẫn lưu giữ một vệt lõm sâu đúng bằng đầu người và phía dưới là một vết lõm giống như bàn chân người.
Theo truyền ngôn, khi Sư Tổ Thủy Nguyệt đắc đạo Kim Cương đã thúc đầu, đạp chân vào núi đá nhằm lưu lại thánh tích ở cõi Sa Bà, nên động có tên gọi Thánh Hoá. Tuy nhiên trong thời gian qua di tích lịch sử quốc gia này đang bị xâm hại một cách nghiêm trọng do việc nổ mìn, san ủi, khai thác đá của một số doanh nghiệp đóng trên địa bàn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.