Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII năm 2014: Sự hấp dẫn riêng có

Nhật Hà| 07/12/2014 07:37

(HNMO) - Hôm qua, 6- 12, ĐH TDTT toàn quốc lần thứ VII năm 2014 chính thức khai mạc tại Nam Định. Dù còn nhiều bàn tán về quy mô, sự đầu tư cũng như tính thực tế ĐH nhưng rõ ràng đây là sự kiện lớn với thể thao các tỉnh thành ngành với những nét hấp dẫn riêng.


Sức sống riêng

Từ đầu năm ngoái, các ĐH TDTT cấp cơ sở đã được tổ chức trong sự hào hứng, chuẩn bị nghiêm túc của các đơn vị. Dù rằng còn đó sự hình thức trong khâu tổ chức nhưng nếu dự khán những kỳ cuộc này người ta mới thấy hết vai trò của ĐH TDTT trong các đời sống thể thao, xã hội tại các địa phương. Tại Hà Nội, tất cả các xã phường đều tổ chức ĐH TDTT ở quy mô, mức độ khác nhau trong sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo thành phố. Nhiều xã, phường gặp khó khăn kinh phí, con người cuối cùng cũng đã tổ chức được ĐH TDTT sau khi lãnh đạo Sở VH, TT&DL, trong đó có Phó Giám đốc Nguyễn Đình Lân, xuống cơ sở bàn cách tháo gỡ với lãnh đạo huyện, xã sở tại. Và không thể phủ nhận rằng, những dịp ĐH TDTT thực sự là “ngày hội thể thao” tại các địa phương. Nhờ đó, các lãnh đạo quận, huyện, thành phố có dịp đánh giá cả một chu kỳ phát triển công tác TDTT cũng như chỉ ra đường hướng phát triển.

VĐV tuyên thệ sẽ thi đấu trung thực ở Đại hội lần này. Ảnh: Dân trí


Còn ở mảng thể thao thành tích cao, các cuộc đua tranh diễn ra ở quy mô toàn quốc. Đây cũng là dịp để ngành thể thao nhìn nhận lại sự phát triển, có sự đánh giá chuẩn xác trình độ thể thao Việt Nam. Bỏ qua những yếu tố thành tích “ảo” mà nhiều người vẫn đề cập đến như việc địa phương lách luật mượn VĐV cả năm trời để thi đấu tại ĐH TDTT toàn quốc hay chuyện nhường huy chương (dù chưa ai có bằng chứng), thực tế ĐH cũng có những yếu tố tích cực nhất định. Nhiều địa phương chăm chút, đầu tư cho VĐV để có thành tích tốt tại ĐH TDTT toàn quốc – sân chơi quan trọng nhất, vừa sức nhất với họ, có VĐV góp mặt ở đội tuyển quốc gia. Ngay cả những địa phương, ngành hàng đầu của Việt Nam cũng hết sức coi trọng ĐH TDTT, coi đó là nơi khẳng định vị thế của mình. Nhiều địa phương, ngành đã cho VĐV đi tập huấn nước ngoài để thi đấu tốt tại ĐH TDTT toàn quốc cũng như lấy đó làm làm bàn đạp tiến vào đội tuyển quốc gia. Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quân Đội, Đà Nẵng, Thanh Hóa – những đơn vị chịu đầu tư mạnh nhất trong làng thể thao Việt Nam, đã đưa nhiều VĐV đi tập huấn nước ngoài nhằm đạt thành tích tốt nhất tại ĐH. Môn bóng bàn, Quân Đội chấp nhận để VĐV không dự Giải vô địch Đông Nam Á 2014 nhằm có đủ thời gian tập huấn tại Trung Quốc. Ở môn quần vợt, các tay vợt Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng không hẹn mà gặp cùng tập huấn tại Thái Lan. Trước đó, các tay vợt Hà Nội còn có chuyến tập huấn tại Tây Ban Nha ở lò huấn luyện quần vợt của tay vợt nổi tiếng thế giới D.Ferrer rồi sau đó là ở Malaysia. Môn cờ vua, Hà Nội đưa VĐV đi tập huấn tại Nga và Hungary trong khi TP Hồ Chí Minh cũng đưa VĐV đi Hungarry. Môn bi sắt, Hà Nội đưa VĐV đi tập huấn Thái Lan, quốc gia mạnh nhất về môn này tại châu lục chỉ với mục đích không để đoàn TP Hồ Chí Minh vượt lên ở môn này. Môn vật, bóng bàn của Hà Nội cũng có những chuyến tập huấn tại Trung Quốc nhằ nâng cao trình độ… Những chuyến tập huấn trên đều trong quá trình chuẩn bị dài hơi nhưng rõ ràng, ĐH TDTT toàn quốc năm nay là một điểm nhấn quan trọng.

Sự cạnh tranh tích cực

Sẽ không ngoa nếu cho rằng sức ép với các VĐV dự ĐH TDTT toàn quốc còn nặng nề hơn cả khi thi đấu ở các ĐH thể thao quốc tế. Bởi thành bại của họ sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ, trực tiếp đến bộ mặt của thể thao các địa phương. Nhưng sức ép như vậy đã tạo nên sự đua tranh lành mạnh. Tất nhiên, sẽ có đơn vị tìm “lối tắt” nhưng không vì thế mà phủ nhận hết sự hấp dẫn của các cuộc tranh tài tại ĐH.

Dễ nhận thấy nhất là cuộc đấu giữa VĐV thuộc tam giác Hà Nội – TP Hồ Chí Minh – Quân Đội. Dù rằng trước ĐH này, nếu dựa theo quy đổi về HCV ĐH từ các HCV, HCB, HCĐ ASIAD hay HCV SEA Games 27 thì đoàn Hà Nội gần như chắc chắn giành ngôi nhất toàn đoàn. Thế nhưng cả 3 đơn vị này cũng đều muốn những đối thủ cạnh tranh của mình phải tâm phục khẩu phục. Hà Nội muốn nhất toàn đoàn dựa trên số huy chương thực tế tại ĐH, không muốn mang tiếng là giành ngôi nhất toàn đoàn nhờ số HCV quy đổi trên. Thế nên, các HLV, VĐV Hà Nội đều tự ngầm hiểu rằng chuyện vượt qua các VĐV TP Hồ Chí Minh, Quân Đội là nhiệm vụ tối quan trọng . Còn cả TP Hồ Chí Minh lẫn Quân Đội đều muốn cho thấy có thế mạnh riêng và nếu Hà Nội có nhất toàn đoàn cũng chỉ là do hơn về số HCV quy đổi kia. Trong những môn đấu của ĐH diễn ra trước lễ khai mạc như bóng đá nữ, xe đạp, bắn súng, quần vợt, vật, bóng bàn, cầu lông, Judo, bi sắt… sự cạnh tranh gay gắt, quyết liệt giữa những đoàn trên là rõ hơn cả.

Trong những cuộc đấu diễn ra trước ĐH này cũng có nhiều chuyện căng như dây đàn vì sức ép thành tích. Môn vật gây tai tiếng với liên tiếp hai vụ VĐV tấn công trọng tài, rồi HLV và trọng tài “tung chân vào nhau”. Môn bóng bàn có những tranh cãi nảy lửa về nhân sự đến nỗi phải gần hai ngày mới có thể tố chức bốc thăm. Nhưng đó không phải là bộ mặt của ĐH TDTT toàn quốc bởi sự cạnh tranh của những trung tâm TDTT mạnh đã mang đến sự hấp dẫn riêng cho ĐH, nhất là khi các môn thi được tổ chức liên tiếp chứ không bị dàn trải trong cả năm như ở kỳ trước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII năm 2014: Sự hấp dẫn riêng có

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.