Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đại hội lần thứ VII: Xây dựng Đảng bộ vững mạnh, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động

HNM| 23/10/2015 05:52

Đại hội (ĐH) Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ VII - nhiệm kỳ 1977-1980 diễn ra trong bối cảnh cách mạng chuyển sang giai đoạn mới, cả nước chuyển sang xây dựng chủ nghĩa xã hội. ĐH diễn ra hai vòng trong hai khoảng thời gian khác nhau.

Vòng 1, ĐH diễn ra từ ngày 12 đến 22-11-1976, tại Câu lạc bộ Lao động (nay là Cung Văn hóa thể thao thanh niên Hà Nội) nhằm tham gia ý kiến vào bản dự thảo Đề cương báo cáo chính trị và dự thảo sửa đổi Điều lệ Đảng trong ĐH Đảng toàn quốc lần thứ IV, nghe báo cáo về phương hướng, nhiệm vụ, kế hoạch Nhà nước năm 1977 của thành phố và cử đoàn đại biểu đi dự ĐH toàn quốc của Đảng.

Sau ĐH toàn quốc lần thứ IV của Đảng, vòng 2, ĐH Đảng bộ thành phố lần thứ VII được tổ chức từ ngày 25-5 đến 2-6-1977. ĐH đề ra phương hướng, nhiệm vụ của kế hoạch 5 năm (1976-1980) và mục tiêu chủ yếu của 2 năm 1977-1978. ĐH xác định, xây dựng Đảng bộ vững mạnh, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, tăng cường hiệu lực của hệ thống chuyên chính vô sản, tiến hành đồng thời 3 cuộc cách mạng, trong đó cách mạng khoa học kỹ thuật là then chốt. ĐH đã bầu BCH Đảng bộ nhiệm kỳ mới gồm 44 đồng chí, trong đó có 43 ủy viên chính thức và 1 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Lê Văn Lương, Ủy viên Trung ương Đảng được bầu làm Bí thư Thành ủy; các đồng chí: Trần Vĩ, Trần Sâm, Nguyễn Đông làm Phó Bí thư Thành ủy.

Sau ĐH lần thứ VII, Hà Nội mở hướng phát triển công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, công nghiệp chế biến thực phẩm, công nghiệp vật liệu xây dựng và tiểu thủ công nghiệp. Trong nhiệm kỳ này, tại kỳ họp thứ tư, tháng 12-1978, Quốc hội khóa VI đã phê chuẩn mở rộng Hà Nội, sáp nhập thêm 5 huyện, 1 thị xã của tỉnh Hà Sơn Bình (Ba Vì, Thạch Thất, Phúc Thọ, Đan Phượng, Hoài Đức, thị xã Sơn Tây), 2 huyện của tỉnh Vĩnh Phú (Mê Linh, Sóc Sơn). Đến thời điểm này, Hà Nội có 11 huyện, 1 thị xã và 4 khu phố với tổng dân số gần 2,5 triệu người. Đây là lần thứ hai Hà Nội mở rộng địa giới hành chính. Trước đó, tháng 4-1961, theo quyết nghị của Quốc hội, Hà Nội sáp nhập thêm 18 xã, 6 thôn và 1 thị trấn (Văn Điển) thuộc các huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Trì (tỉnh Hà Đông); cả huyện Gia Lâm, 14 xã khác và 1 thị trấn (Yên Viên) thuộc các huyện Từ Sơn, Tiên Du, Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh); cả huyện Đông Anh, 1 xã thuộc huyện Yên Lãng và nửa thôn thuộc huyện Kim Anh (tỉnh Vĩnh Phúc); 1 xã thuộc huyện Văn Giang (tỉnh Hưng Yên).

* Sau ĐH lần thứ VI Đảng bộ tỉnh Hà Tây, ngày 20-9-1975, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 245 về việc sáp nhập hai tỉnh Hà Tây và Hòa Bình thành tỉnh Hà Sơn Bình.

Từ ngày 21 đến 30-4-1977, Đảng bộ tỉnh Hà Sơn Bình chính thức tổ chức ĐH đại biểu. Đây là ĐH đầu tiên kể từ khi hợp nhất hai Đảng bộ tỉnh Hà Tây và tỉnh Hòa Bình và được xác định là kỳ ĐH lần thứ bảy của cả hai Đảng bộ. ĐH đề ra nhiệm vụ đến năm 1980, tập trung giải quyết tốt 6 hướng tiến công và 4 yêu cầu cơ bản về kinh tế gồm: Làm đủ ăn, tăng phần đóng góp cho Nhà nước và có dự trữ; thu đủ chi và tích lũy thêm nhiều; xuất khẩu đủ để nhập khẩu những vật tư chủ yếu (sắt, thép, xăng, dầu, phân đạm); mọi người đều có việc làm và làm việc với năng suất lao động cao. ĐH bầu BCH Đảng bộ gồm 36 ủy viên chính thức và 2 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Nguyễn Hữu Thụ được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy; Phó Bí thư là các đồng chí Minh Đức, Nguyễn Văn Hậu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đại hội lần thứ VII: Xây dựng Đảng bộ vững mạnh, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.