(HNMO) - Đây là những chuyện mà phóng viên Hànộimới Online lượm lặt được sau hai ngay tham dự Đại hội với tư cách là người trong cuộc. Tất cả mới dừng ở mức…nhớ gì ghi nấy. Có chuyện vui. Có chuyện buồn. Có chuyện đáng nhớ. Cũng có chuyện cũng rất…đáng quên.
HAI NGƯỜI CAO TUỔI NHẤT
Nếu xét về tuổi tác thì nhà văn Học Phi (bố đẻ của hai nhà văn: Hồng Phi và Chu Lai) thuộc diện tiên chỉ của làng văn. Nhà văn Học Phi sinh năm 1913, năm nay đã 97 tuổi. Cụ là tác giả của nhiều vở kịch nổi tiếng, trong đó có Một đảng viên. Cụ là Tổng thư ký Hội nghệ sĩ sân khấu nhiều năm cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1976.
Trong số các nhà văn trên dưới 90 tuổi còn có Tô Hoài - tác giả sớm nổi tiếng trước Cách mạng với tác phẩm Dế mèn phiêu lưu ký.
Có lẽ vì lý do sức khoẻ nên cả hai cụ: Học Phi và Tô Hoài đều không tham dự Đại hội.
Hai người cao tuổi nhất ở đại hội lần này là nhà văn Nguyễn Viết Lãm và nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh. Nhà văn Nguyễn Viết Lãm sinh năm 1919, năm nay đã 91 tuổi, người gốc Quảng Ngãi, hiện sinh sống tại Hải Phòng. Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh sinh năm 1920, năm nay đã 90 tuổi, người gốc Quảng Bình, hiện sinh sống tại Hà Nội.
Ở tuổi cửu thập như thế mà cả hai cụ: Nguyễn Viết Lãm và Nguyễn Xuân Sanh còn có mặt ở đại hội lần này, thì quả là đáng quý, đáng trân trọng.
NHIỀU NGƯỜI LÂU RỒI KHÔNG IN SÁCH
Theo báo cáo của Ban sáng tác Hội Nhà văn khóa 7: Trong 5 năm qua (từ 2000 đến 2005), có tới 203 nhà văn (một con số rất đáng kể) không xuất bản tác phẩm nào, trong đó có một số người lâu lắm rồi không đụng chạm gì đến viết lách. Trong khi ấy lại có nhiều người viết rất khoẻ và in sách cũng rất khoẻ.
Đó là các nhà văn, nhà nghiên cứu, dịch giả: Hoài Anh, Võ Thị Xuân Hà, Thúy Toàn, Phùng Văn Khai, Lại Nguyên Ân...
Trong 5 năm qua, Hoài Anh in 16 cuốn của một bộ tuyển tập truyện lịch sử: Võ Thị Xuân Hà in 12 tập truyện ngắn và tiểu thuyết; Lại Nguyên Ân in 9 cuốn sưu tầm, nghiên cứu; Thúy Toàn in 7 cuốn thơ dịch và những chuyện quanh việc dịch thơ…Bên cạnh đó, còn có thể kế thêm nhiều người nữa như Đức Ban, Ngô Vĩnh Bình, Minh Chuyên, Lâm Thị Mỹ Dạ, Nguyễn Văn Dân, Phong Điệp, Anh Động, Hà Minh Đức, Phạm Đức, Trần Vạn Giã, Lê Giang, Hồ Thế Hà, Võ Thị Hảo, Lê Đăng Hoan, Đỗ Trung Lai, Phong Lê, Vân Long, Trần Hữu Lục, Ngô Minh, Lâm Quang Mỹ, Dương Duy Ngữ, Hồng Nhu, Nguyễn Gia Nùng, Văn Phan, Ngô Văn Phú, Inrasara…
SỐ NGƯỜI CAO TUỔI HƠI NHIỀU
Theo một thống kê thì trong số trên 900 nhà văn (không kể những nhà văn đã mất) có gần 600 người có tuổi từ trên 60 đến 97 và số người có tuổi dưới 60, dưới 50, dưới 40 chỉ chiếm quãng 1/3. Còn số nhà văn thực sự là trẻ (dưới 40 tuổi) chỉ chiếm 17/922 người.
Như vậy có thể tạm kết luận: Hội Nhà văn là “hội của những người già” hoặc là “hội của những người cao tuổi”.
Giở cuốn Nhà văn Việt Nam hiện đại (in lần thư tư, nộp lưu chiểu tháng 7 năm 2010), thì thấy có đến vài chục người ở tuổi 60, 70, thậm chí ở tuổi 82 mới trở thành hội viên Hội Nhà văn.
Đầu giờ ngày 5 – 8 – 2010 – ngày họp nội bộ, khi Chánh văn phòng Hội Nhà văn, người điều khiển chương trình Đại hội Đỗ Hàn thông báo: “Hiện BTC có nhận được một số kính lão số cao bị bỏ quên ở nhiều nơi…Ai là chủ nhân của những chiếc kính này xin mời đến nhận tại..” thì nhiều người cười ồ lên. Có người nói: Đã là kính lão, mà lại số cao, lại bị bỏ quên ở bất cứ đâu…thì đích thị là của người nhiều tuổi và có trí nhớ không được tốt như xưa nữa rồi.
MỘT NGƯỜI VẪN CHƯA NGUÔI BỨC XÚC
Cách nay mười mấy năm, có một nhà báo trẻ viết bài đăng trên Báo Hànộimới ký tên Nguyễn Thái Thăng Long. Ngày lập tức, bản báo nhận được phản ứng từ nhà thơ Thái Thăng Long. Nhà thơ Thái Thăng Long cho rằng: Ký tên ấy là không được vì trên đời này đã có Thái Thăng Long.
Trên thực tế, Thái Thăng Long cũng chỉ là bút danh. Ông tên thật là Thái Gia Trí, quê gốc Hà Nội, là người có nhiều thơ viết về Thăng Long - Hà Nội. Trong sự nghiệp sáng tác của mình, ông từng cho in 2 tập thơ có tên gọi rất Hà Nội: Hà Nội của tôi và Chiều phủ Tây Hồ.
Hôm gặp tôi ở Đại hội, khi biết tôi là người của Báo Hànộimới, câu đầu tiên, Thái Thăng Long vẫn bức xúc, hỏi:
- Thế nào, hồi này cái cậu Nguyễn Thái Thăng Lòng còn viết bài đăng trên báo ta nữa không?
Tôi trả lời ngay:
- Không. Lâu lắm rồi không thấy bài của Nguyễn Thái Thăng Long xuất hiện nữa, anh ạ. Rất có thể cậu ta không còn viết báo nữa hoặc đã không lấy bút danh ấy nữa.
Nghe tôi trả lời như vậy, nhà thơ Thái Thăng Long có vẻ đỡ bức xúc hơn.
MẤY VỊ “NỔ” QUÁ
Đó là các nhà thơ: Trần Mạnh Hảo, Bùi Minh Quốc và Dương Thuấn.
Trong ngày 5 – 8 – 2010, nhà thơ Trần Mạnh Hảo bị Đại hội phản ứng vì có cách hành xử không bình thường: Cướp diễn đàn, chồm chồm xông lên chủ tịch đoàn, có lời lẽ xúc phạm đến một nhà văn đang ngồi trên chủ tịch đoàn…
Trong ngày 5 và 6 – 8 – 2010, nhà thơ Bùi Minh Quốc có lần cướp diễn đàn, có lần nhảy ra chất vấn vô cớ chủ tịch đoàn…
Hành vi của hai nhà thơ này có lúc đã làm không khí của Đại hội nóng lên một cách không cần thiết..
Còn trong ngày 6 – 8 – 2010, trong phần “góp ý thay đổi điều lệ”, nhà thơ Dương Thuấn lại phát biểu “lạc đề”: Tuy không trúng vào Ban chấp hành nhưng tôi cũng không buồn.Văn học ta, trong đó có văn học thiểu số không kém bất cứ một nước nào trên thế giới….
Nghe lời phát biểu trên, nhiều nhà văn nhận xét: Không buồn hay rất buồn? Việc đó chẳng nên nêu ở đây. Còn tự tin hay tự ti quá, đều không hay. Nhưng tự tin theo kiểu này thì cũng hơi thái quá.
MỜI XUỐNG BẰNG CÁCH VỖ TAY
Hầu hết các tham luận lần này đều mới dừng ở những lời phát biểu rất cảm tính, rất duy cảm và không mới. Không những thế, lại còn dài dòng, vòng vo. Cũng có những tham luận hoàn toàn lạc đề. Cũng có người tham luận tranh thủ…nói cố. Cho nên hầu hết các tham luận đều được “phát” quá thời gian quy định (quy định mỗi tham luận chỉ được đọc trong 10 phút). Trong khi ấy thì Đại hội không có người cầm trịch về mặt thời gian và không có thái độ dứt khoát khi các tham luận vi phạm về thời gian. Để “ứng phó” với thực tế ấy, đã không ít lần, các đại biểu mời người tham luận rời khỏi diễn đàn (hoặc rời khỏi micrô) bằng những tràng vỗ tay. Đây là một cách mời xuống…rất lịch sự. Ban đầu, một số người không hiểu. Nhưng chỉ ngay sau đó, thì ai ai cũng hiểu.
Một nhà văn lần đầu tham dự Đại hội Hội Nhà văn, cho biết: Các nhà văn ta nhìn chung lúc nào cũng nhiệt tình, sôi nổi và thẳng thắn. Nhưng có nhiều khi vì quá say sưa, tâm huyết với lời phát biểu của mình mà quên cả thời gian, quên cả ý kiến của các nhà văn khác và quên cả…Đại hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.