Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II: Công khai hoạt động, lãnh đạo toàn diện cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân

HNM| 10/01/2016 06:12

(HNM) - Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng diễn ra tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang từ ngày 11 đến 19-2-1951. Tham dự Đại hội có 158 đại biểu chính thức và 53 đại biểu dự khuyết. Đại hội đánh dấu bước phát triển mới trong quá trình lãnh đạo và trưởng thành của Đảng Cộng sản Việt Nam; từ hoạt động bí mật dưới tên gọi Hội Nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Đông Dương ra hoạt động công khai dưới tên gọi mới là Đảng Lao động Việt Nam.


Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng gồm 19 ủy viên chính thức, 10 ủy viên dự khuyết. Bộ Chính trị gồm 7 ủy viên chính thức là các đồng chí: Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Lê Duẩn, Hoàng Quốc Việt, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Chí Thanh. Đồng chí Lê Văn Lương là ủy viên dự khuyết. Đồng chí Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch Đảng và đồng chí Trường Chinh được bầu làm Tổng Bí thư.

Sau diễn văn khai mạc của đồng chí Tôn Đức Thắng, Đại hội đã nghiên cứu, thảo luận về Báo cáo chính trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Báo cáo Bàn về cách mạng Việt Nam của đồng chí Trường Chinh và các báo cáo quan trọng khác. Báo cáo chính trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu khẩu hiệu chính của ta là tiêu diệt thực dân Pháp xâm lược và đánh bại bọn can thiệp Mỹ, giành thống nhất độc lập hoàn toàn, bảo vệ hòa bình thế giới. Báo cáo xác định để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, cần phải đẩy mạnh xây dựng lực lượng vũ trang về mọi mặt, củng cố và phát triển Mặt trận dân tộc thống nhất (Mặt trận Liên Việt - Việt Minh); phát huy tinh thần yêu nước và đẩy mạnh thi đua ái quốc, triệt để giảm tô, giảm tức, tịch thu ruộng đất của thực dân và Việt gian chia cho dân cày nghèo, bảo vệ nền tảng kinh tế tài chính của ta, đấu tranh kinh tế với địch, thực hiện công bằng hợp lý về thuế khóa; tích cực giúp đỡ cuộc kháng chiến của Cao Miên (Campuchia) và Lào, tiến tới thành lập Mặt trận thống nhất Việt - Miên - Lào.

Báo cáo Bàn về cách mạng Việt Nam của đồng chí Trường Chinh đã trình bày trước Đại hội toàn bộ đường lối cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Căn cứ vào tình hình thế giới và tình hình trong nước, căn cứ vào nhiệm vụ và tính chất của cách mạng nước ta, Báo cáo Bàn về cách mạng Việt Nam vạch ra 12 chính sách của Đảng trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Đó là:

- Đẩy mạnh kháng chiến đến toàn thắng, tiêu diệt bọn đế quốc xâm lược và bè lũ tay sai, làm cho nước Việt Nam hoàn toàn độc lập và thống nhất;

- Thi hành từng bước chính sách ruộng đất, tiến tới thực hiện khẩu hiệu người cày có ruộng, xóa bỏ các hình thức bóc lột phong kiến và nửa phong kiến ở nước ta;

- Xây dựng, củng cố và phát triển chế độ dân chủ nhân dân về chính trị, kinh tế và văn hóa, chuẩn bị tiến lên giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa;

- Củng cố Mặt trận dân tộc thống nhất chống đế quốc xâm lược;

- Xây dựng và phát triển quân đội nhân dân;

- Chính sách dân tộc;

- Chính sách đối với tôn giáo;

- Chính sách đối với vùng bị địch chiếm;

- Chính sách đối với ngoại kiều;

- Chính sách đối ngoại;

- Ra sức ủng hộ cách mạng Campuchia và cách mạng Lào;

- Tích cực góp phần vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, dân chủ và độc lập dân tộc của nhân dân thế giới.

Đại hội cũng thảo luận và nhất trí thông qua Điều lệ mới của Đảng Lao động Việt Nam. Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và của nhân dân lao động Việt Nam. Đảng lấy Chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng và xây dựng Đảng theo nguyên tắc một Đảng vô sản kiểu mới, lấy tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt căn bản của Đảng; phê bình, tự phê bình là quy luật phát triển của Đảng; phục vụ nhân dân là mục tiêu hoạt động của Đảng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II: Công khai hoạt động, lãnh đạo toàn diện cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.