(HNM) - Vận đen vẫn chưa thôi đeo bám Bank of America (BoA), ngân hàng lớn thứ hai của Mỹ. Chính phủ Mỹ đã khởi kiện BoA vì tội lừa đảo các nhà đầu tư khi bán các trái phiếu có bảo đảm bằng tài sản thế chấp trị giá hơn 850 triệu USD hồi năm 2008, nhưng lại nói dối về chất lượng tài sản.
“Đại gia” BoA liên tục gặp kiện tụng sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. |
Trong đơn kiện gửi tòa án liên bang ở Charlotte, bang Bắc Carolina ngày 6-8, Bộ Tư pháp Mỹ nêu rõ BoA đã đánh lừa các nhà đầu tư về các nguy cơ của các tài sản thế chấp liên quan đến các khoản tín dụng cho vay, cũng như không cung cấp thông tin quan trọng về các tài sản thế chấp. Anne Tompkins, công tố viên liên bang tại Bắc Carolina cho biết: "Hoạt động chứng khoán hóa bất cẩn và mang tính lừa đảo của BoA trước khủng hoảng tài chính đã gây thiệt hại khổng lồ cho nhà đầu tư. Giờ đây, họ sẽ phải chịu trách nhiệm". Những cáo buộc tập trung vào một phiên chào bán từ năm 2008. Các nhà đầu tư gồm Ngân hàng cho vay mua nhà liên bang ở San Francisco và Ngân hàng Wachovia đã mua hơn 850 triệu USD trái phiếu bảo đảm bằng tài sản thế chấp chất lượng cao từ BoA, sau đó đã thất bại nặng nề trong cuộc khủng hoảng kinh tế bởi chất lượng các khoản vay thế chấp kém. Bộ Tư pháp Mỹ ước tính các nhà đầu tư đã thiệt hại hơn 100 triệu USD trong thương vụ này. Đến tháng 6 năm nay, đã có khoảng 23% khoản vay thế chấp liên quan không được trả đúng hạn. Theo Bộ Tư pháp, việc hơn 70% tài sản thế chấp bảo đảm cho các khoản vay đều được đưa ra bởi những người môi giới cho vay thế chấp nằm ngoài hệ thống các ngân hàng đã khiến tài sản thế chấp dễ bị tổn thương hơn. Theo đơn kiện, BoA chỉ cung cấp thông tin này cho một nhóm nhỏ các nhà đầu tư. Cùng ngày, Ủy ban Hối đoái và Chứng khoán Mỹ (SEC) cũng đâm đơn kiện BoA với cáo buộc ngân hàng đã có những hành động coi thường hậu quả và lừa đảo gây thiệt hại lớn cho các nhà đầu tư khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Đáp lại các đơn kiện trên, BoA tuyên bố sẽ kháng cáo. Người phát ngôn của BoA, Lawrence Grayson, khẳng định sẽ đưa ra các bằng chứng cho thấy những khoản thế chấp của ngân hàng đều trong tình trạng tốt và các nhà đầu tư đều có thể tiếp cận với các cơ sở dữ liệu cơ bản về các khoản vay. Bà Grayson cho biết: "Các khoản vay trong nhóm này đều hoạt động tốt hơn các khoản có tính chất tương tự được chứng khoán hóa bởi những tổ chức tín dụng khác thời đó. Chúng tôi không phải chịu trách nhiệm vì sự sụp đổ của thị trường nhà đất, khiến các khoản vay thế chấp vỡ nợ với tốc độ chưa từng có, và những chứng khoán đó bị mất giá trị". Thực tế, BoA chỉ là một trong những "ông lớn" của giới ngân hàng Mỹ bị cáo buộc sai phạm khi thực hiện các khoản cho vay thế chấp thiếu thận trọng, vốn là nguyên nhân dẫn đến "cơn sóng thần tài chính" năm 2008. Bên cạnh đó, đây là hai đơn kiện mới nhất với BoA và nối dài thêm những rắc rối mà BoA gặp phải từ sau cơn bão tài chính. Trước đó, năm 2012, ngân hàng này đã buộc phải trả hơn 45 tỷ USD để giải quyết các tranh cãi pháp lý liên quan đến vụ vỡ bong bóng nhà đất và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Chưa biết 2 đơn kiện mới nhất sẽ khiến ngân hàng lớn thứ nhì xứ Cờ hoa thiệt hại thêm bao nhiêu nhưng trước mắt thông tin về vụ kiện mới đã khiến giá cổ phiếu của BoA sụt giảm 1,1%, đóng cửa phiên giao dịch ngày 6-8 ở mức 14,64 USD/cổ phiếu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.