Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đại dịch qua trang viết của các bác sĩ

Hạ Yến| 26/02/2022 14:18

(HNMCT) - Hai năm qua, khi dịch Covid-19 làm chao đảo cả thế giới, ngành Xuất bản đã kịp thời cho ra đời nhiều đầu sách liên quan đến bệnh dịch này. Không chỉ là những đầu sách cung cấp thông tin về dịch, hướng dẫn cách phòng bệnh mà còn có nhiều tác phẩm ở thể loại hồi ký, nhật ký, ghi chép..., trong đó có những trang viết của các “chiến binh áo trắng”.

Quá khứ không thể thay đổi, nhưng người ta có thể lựa chọn cách nhớ về. Ngay khi dịch bệnh vẫn đang làm xáo trộn cuộc sống hay khi đại dịch đã đi qua, nhiều độc giả vẫn muốn được nghe nhiều hơn, đọc nhiều hơn về câu chuyện của chính những "chiến binh áo trắng" nơi tuyến đầu chống dịch. Đó là một phần lý do để một số cuốn sách của các tác giả - bác sĩ đã được ra mắt độc giả.

Tập tản văn “Sài Gòn chọn nhớ những điều thương” được NXB Trẻ giới thiệu đầu năm 2022 có sự tham gia của 25 tác giả. Ở đó, không chỉ có nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà nghiên cứu mà còn có cả những trang viết của các nhiếp ảnh gia, doanh nhân, vận động viên, đặc biệt có không ít những dòng tâm sự, chia sẻ của các bác sĩ về những ngày tháng chống dịch. Bác sĩ phẫu thuật thần kinh trẻ em Lê Quang Mỹ viết: “Đã chuẩn bị tinh thần đến vậy rồi mà khi nhận nhiệm vụ thiết lập khu cách ly tại ký túc xá Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (khi đó để cách ly F1), chúng tôi vẫn... choáng. Đoàn đến nơi vào lúc 11h, được thông báo 13h sẽ đón... hơn 1.000 người vào. Nghĩa là chỉ có hai tiếng chuẩn bị, trong tay có hai tòa nhà, 200 phòng trống, 800 - 1.000 giường. Chỉ thế. Hoàn toàn chưa có bất cứ gì để phục vụ việc ăn ở điều trị...”.

Để đến khi dịch qua rồi, thành phố đã “xanh” trở lại, kể câu chuyện cho độc giả nghe, chính bác sĩ cũng “không nhớ nổi mình và nhóm đồng nghiệp đã trải qua tuần đầu tiên đó như thế nào”. Họ từng làm thông từ 13h ngày hôm trước đến 6h sáng hôm sau, quay cuồng với công việc đến không kịp cả đăng ký phần ăn cho bộ phận hậu cần, thậm chí cũng không kịp ăn, đâu đó tìm được ít mỳ gói, ăn vội rồi làm tiếp, như bác sĩ Hồ Quốc Pháp, Bệnh viện Nhi Đồng 2 Thành phố Hồ Chí Minh kể về một nữ đồng nghiệp của mình: “Nhìn cách chị nói về con trai, tôi biết chị đang rất nhớ đứa nhỏ, nhưng tôi cũng biết chỉ chốc lát thôi, guồng quay liên tục hết việc này đến việc kia sẽ khiến chị không còn nhiều thời gian nghĩ về gia đình”.

Mức độ gian lao, thảm khốc còn được kể trong cuốn sách “Sài Gòn và đại dịch” của bác sĩ Dương Minh Tuấn, “Phía Tây thành phố” của bác sĩ Lê Minh Khôi. Đứng giữa lằn ranh mong manh của sự sống và cái chết khi ấy, bác sĩ Dương Minh Tuấn nghĩ: “Tôi chưa từng một lần viết di chúc, cũng mới chỉ đọc qua một vài bản di chúc, nên cũng chưa biết phải viết một cách đầy đủ như thế nào. Nhưng sau những ngày hoặc là cắm đầu vào công việc, hoặc là chứng kiến quá nhiều mất mát, mỗi lần ra khỏi khu điều trị, tôi luôn nghĩ trong đầu rằng mình nên viết một bản di chúc”, vì ngày mai “chẳng biết mình còn ở đây để viết tiếp những dòng này hay không”.

Đó còn là cuốn sách “Nhật ký COVID và những chuyện chưa kể" của bác sĩ Ngô Đức Hùng viết về những ngày phong tỏa tại Bệnh viện Bạch Mai - nơi bác sĩ Hùng làm việc, những ngày “chiến đấu” tại Bệnh viện Dã chiến số 2 khi Hải Dương bùng phát dịch, và tại cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nam - nơi điều trị cho hàng trăm lượt bệnh nhân Covid-19 khi làn sóng dịch thứ 4 bắt đầu.

Những “thước phim tài liệu” trên trang giấy của các bác sĩ là những nốt lắng đọng lại, để mỗi người đọc nghĩ suy về tình người, về sự chia sẻ, hy sinh cũng như biết trân trọng hơn những khoảnh khắc đáng quý trong đời. “Sau mỗi đợt dịch bệnh, trở về ngôi nhà ngồi bên cây đàn cũ. Mỗi ngày đi trên con đường quen thuộc, nhìn ngắm thiên hạ cãi nhau, yêu và sống. Được làm người bình thường mỗi cuối tuần thảnh thơi uống cốc cà phê, đọc vài trang sách, không cần công danh lịch sử ghi nhận gì. Những điều lớn lao xin dừng lại ngoài cửa, đó cũng là điều bình thường nhỏ bé mình mong muốn thực hiện với cuộc đời này” - bác sĩ Ngô Đức Hùng trải lòng. Còn bác sĩ Tăng Hà Nam Anh, Giám đốc trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, thì kể về lý do đến làm trễ của nhân viên khiến người đọc thật xúc động: “Em đang chờ hiến xong bịch máu sẽ về bệnh viện làm việc liền”. 

Đi qua những ngày dịch cao điểm, Trưởng khoa Mũi Xoang, Bệnh viện Tai Mũi Họng Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Minh Hảo Hớn nhớ lại: “Những ngày ở khu điều trị Covid, tôi càng cảm nhận ý nghĩa của cuộc sống và tình người ấm áp lan tỏa. Các y, bác sĩ, nhân viên y tế và bà con khó khăn đã luôn nhận được sự quan tâm, sẻ chia của tất cả mọi người. Có những người chưa bao giờ gặp mặt, nhưng sẵn sàng nấu hàng trăm suất cơm ngon lành, nóng hổi mỗi ngày dành tặng tuyến đầu; Có người đóng góp những ngày lương để mua khẩu trang, mua máy trợ thở, tặng cho bệnh viện để cấp cứu bệnh nhân; Có người dành số tiền tích cóp xây nhà để mua rau củ, thịt trứng hỗ trợ người nghèo tại các khu cách ly. Biết bao tấm gương thầm lặng, biết bao người đã quên bản thân mình. Chúng ta đã cùng nhau đi qua những ngày tháng khó khăn nhất và cũng đã sống những ngày đáng sống nhất trong cuộc đời mình. Đại dịch rồi sẽ qua đi, nhưng tình người sẽ còn mãi mãi”.

Không câu nệ nghệ thuật văn chương, chính cảm xúc chân thật của các bác sĩ được viết một cách giản dị, tự nhiên nhất đã làm nên sức hút cho những trang viết của họ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đại dịch qua trang viết của các bác sĩ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.