(HNM) - Dù đặt vấn đề khác nhau, cách diễn đạt khác nhau nhưng tất cả tham luận của nghệ sỹ tại Đại hội Hội Điện ảnh Việt Nam vừa kết thúc đều thống nhất đánh giá điện ảnh Việt Nam ì ạch trong nhiều năm qua có nguyên nhân yếu kém của chính điện ảnh. Song nguyên nhân khách quan mới là điều đáng nói…
1. Lịch sử Việt Nam mấy nghìn năm với vô số đề tài hay từ lâu đã lay động con tim của các nhà làm phim trong nước. Phim lịch sử không chỉ có tác dụng giáo dục công dân, nhất là thế hệ trẻ, mà còn thu hút khán giả bởi những câu chuyện rất hấp dẫn. Thế nhưng, mấy chục năm qua hình như chỉ có hai phim về đề tài này là Đêm hội Long Trì của đạo diễn Hải Ninh và mới đây nhất là Tây Sơn hào kiệt của nhà sản xuất Lý Huỳnh. Nguyên nhân là làm phim lịch sử phải đầu tư kinh phí rất lớn và phải có trường quay, song trường quay quy mô thì hiện vẫn là dự án nằm trên giấy còn kinh phí thì theo ông Lê Ngọc Minh, Cục phó Cục Điện ảnh, mấy năm gần đây, mỗi năm Nhà nước chỉ bao cấp 15 tỷ đồng cho các hãng phim nhà nước. Với số tiền ấy, các hãng không dám mơ làm phim lịch sử.
2. Trong khi 3 hãng phim quốc doanh và gần 20 hãng phim tư nhân chỉ sản xuất được khoảng 12 phim/năm thì tính riêng năm 2009, số phim nhập của nước ngoài lên tới con số 150. Hầu hết là phim Mỹ với kinh phí đầu tư từ vài chục triệu đến vài trăm triệu USD, gồm phim hài, hành động, tâm lý tình cảm… trong đó có cả những phim "bom tấn" của Hollywood. Đành rằng khi gia nhập WTO, Việt Nam cam kết mở cửa cho phim nước ngoài theo lộ trình, song chúng ta lại không tạo dựng điểm tựa khiến điện ảnh trong nước đứng chưa vững, sao có thể đấu được với "người khổng lồ" Hollywood?
3. Theo con số từ Cục Điện ảnh, cả nước hiện chỉ có 40% trong 63 tỉnh, thành phố có rạp chiếu phim. Tuy nhiên, tất cả cũng chỉ có 91 rạp và số rạp hiện đại đáp ứng các tiêu chuẩn về âm thanh, hình ảnh và có dịch vụ kèm theo chỉ đếm trên đầu ngón tay. Các chủ rạp vì muốn doanh thu cao nên chỉ thích chiếu phim nước ngoài. Với phim trong nước, họ xếp giờ nào, ngày nào nhà sản xuất cũng phải chấp nhận và nếu bị xếp lịch chiếu vào đầu tuần thì… lèo tèo người xem. Chưa hết, tỷ lệ ăn chia thiếu công bằng, dù hãng bỏ vốn sản xuất nhưng nhà rạp đòi hưởng 50%. Đại diện một hãng phim tư nhân lớn cho biết: "Tiếng là doanh thu cao nhưng hòa vốn là may vì tiền rạp quá lớn".
4. Nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ lãi suất cho các dự án phim. Các hãng tư nhân phải tự lo vốn trong khi sản phẩm của họ có ý nghĩa đối với xã hội bởi tính giáo dục và tuyên truyền. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng chưa có chính sách miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp khi đầu tư vào điện ảnh. Điều đó dẫn đến các doanh nghiệp không dám bỏ tiền và vì thế mỗi năm chỉ sản xuất được 12 phim.
Nếu Nhà nước không có chính sách hỗ trợ thì ngành điện ảnh sẽ vẫn dài dài khó khăn và các rạp vẫn chỉ chiếu phim nước ngoài… Như thế làm sao văn hóa dân tộc có chỗ đứng, nói gì đến phát triển?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.