(HNM) - Không chỉ là làng nghề gốm nổi tiếng, mang đậm màu sắc văn hóa truyền thống, từ lâu xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm) còn được du khách biết đến là địa phương có nhiều món ẩm thực đặc sắc, nhất là mâm cỗ Tết Bát Tràng, hội tụ đầy đủ sự khéo léo, tinh tế của người phụ nữ nơi đây. Các món ăn ở Bát Tràng, như: Canh măng mực, nem chim câu, su hào xào mực... mang nét rất riêng, luôn thu hút sự chú ý của du khách.
Giữ gìn ẩm thực truyền thống
Những ngày áp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, chúng tôi về xã Bát Tràng, vừa để tham quan, mua sắm các sản phẩm gốm sứ, vừa tìm hiểu về mâm cỗ Tết đặc biệt mang thương hiệu “ẩm thực Bát Tràng”. Chứng kiến các nghệ nhân văn hóa nghệ thuật ẩm thực làng nghề Việt Nam - người con của Bát Tràng thực hiện các bước sơ chế thực phẩm, chế biến các món ăn một cách cẩn thận, tỉ mỉ, thuần thục, trình bày khéo léo, đẹp mắt mới thấy hết được tình yêu nghề của các nghệ nhân dành cho ẩm thực truyền thống quê hương.
Theo các cụ cao niên làng Bát Tràng, xưa kia, người dân địa phương vừa giỏi làm nghề gốm, vừa giỏi buôn bán khắp trong vùng. Từ đó, nhiều hộ gia đình trong làng khá giả, có của ăn của để. Đời sống kinh tế khấm khá nên người dân có điều kiện để nấu nhiều món ăn ngon vào dịp lễ, Tết, cưới hỏi, giỗ… Đặc biệt, phụ nữ Bát Tràng không chỉ giỏi làm nghề, buôn bán mà còn khéo tay, nấu nướng, tạo nên các món ăn rất ngon, lạ, hấp dẫn. Vào dịp Tết cổ truyền, người dân Bát Tràng rất chú trọng làm mâm cỗ, trước là để dâng cúng tổ tiên, sau là tiếp đãi khách. Thế hệ trước truyền cho thế hệ sau, để rồi đến nay, các món ăn đặc sắc mang thương hiệu “ẩm thực Bát Tràng” vẫn được giữ gìn và phát triển.
Nói về mâm cỗ Tết truyền thống Bát Tràng, Nghệ nhân văn hóa nghệ thuật ẩm thực làng nghề Việt Nam Nguyễn Thị Lâm (77 tuổi) chia sẻ: “Mâm cỗ Tết Bát Tràng để cúng ngày 30, mùng 1, mùng 2 Tết thường được các gia đình làm 4 bát, 6 đĩa (gia đình khá giả có thể làm 6 bát, 8 đĩa hoặc nhiều hơn). Các món ăn trong mâm cỗ Tết có thể kể đến: Canh măng mực, canh bóng, chim câu hầm thuốc bắc, nem rán, su hào xào mực, gà luộc, tôm cuốn lá lốt nướng than hoa, hạnh nhân… Và mâm cỗ Tết không thể thiếu bánh chưng, chè kho Bát Tràng, rượu bách nhật”.
Trong số các món ăn mang nét riêng nhất, tạo nên thương hiệu “ẩm thực Bát Tràng” phải kể đến món canh măng mực. “Chúng tôi thường mua măng từ tỉnh Tuyên Quang về sơ chế, phơi khô để dùng quanh năm; mực mua loại trắng, to, ngon ở tỉnh Thanh Hóa (loại 6-7 con/kg). Nước dùng được làm từ xương lợn, nước luộc gà và tôm he nên ngọt thanh, tạo nên nét đặc sắc của món canh măng mực”, bà Lâm chia sẻ.
Cũng theo lời bà Lâm, 53 năm về làm dâu Bát Tràng thì cũng ngần đó năm bà học và nấu các món ăn truyền thống của làng. Khi còn trẻ, vào dịp lễ, Tết, giỗ… bà và các chị em trong gia đình cùng nhau làm cỗ truyền thống. Sau này, khi du khách gần xa biết đến các món ẩm thực của làng, gia đình bà đã nhận nấu cỗ phục vụ du khách tại nhà. “Du khách đến thưởng thức các món truyền thống của Bát Tràng, ai cũng khen ngợi và nhiều lần trở lại thưởng thức. Giờ khi tuổi cao, sức khỏe yếu, tôi đã trao truyền cho con dâu trưởng các bí quyết làm cỗ mang hương vị truyền thống, đặc biệt là các món dâng cúng tổ tiên ngày Tết, để giữ gìn và phát triển các món ẩm thực đặc sắc của địa phương”, bà Lâm cho hay.
Không chỉ có gia đình bà Lâm, ở Bát Tràng hiện có 4-5 tổ chức, cá nhân nhận làm cỗ truyền thống phục vụ du khách đến tham quan, thưởng thức ẩm thực. Nghệ nhân văn hóa nghệ thuật ẩm thực làng nghề Việt Nam Phạm Thị Hòa (63 tuổi) cho biết, ý thức được việc các món ăn truyền thống Bát Tràng ngon, là vốn quý của quê hương, để giữ gìn và phát triển, từ năm 2017, gia đình tôi đã mở cửa hàng ẩm thực, nhận đặt cỗ truyền thống phục vụ khách du lịch đến với làng nghề. Với phương châm làm cỗ phải ngon, giữ được vị truyền thống của mỗi món ăn, nên mỗi ngày gia đình tôi chỉ nhận làm tối đa 10-12 mâm cỗ. “Hầu hết các món truyền thống Bát Tràng đều phải làm rất cầu kỳ, tỉ mỉ, có món phải sơ chế trước cả chục tiếng nên chúng tôi chú trọng đến chất lượng, không quan tâm đến số lượng. Cũng vì thế mà du khách đến thưởng thức ẩm thực truyền thống Bát Tràng tại gia đình tôi ngày càng đông”, bà Hòa bộc bạch.
Gắn với du lịch làng nghề
Cũng bởi “tiếng lành đồn xa” nên những năm gần đây, ngoài tham quan, mua sắm sản phẩm gốm sứ, du khách đến với Bát Tràng còn với mục đích được thưởng thức các món ăn mang nét riêng Bát Tràng.
Chị Trần Thái Thanh, nhân viên Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ AIA Việt Nam chia sẻ: “Qua các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội, tôi đã biết về một số món ăn truyền thống của Bát Tràng. Nhân dịp về tham quan, mua sắm đồ thờ Tết Quý Mão 2023, nhóm chúng tôi đã đặt 1 mâm cỗ truyền thống Bát Tràng. Đúng như nhận xét của các du khách, cỗ Bát Tràng rất đặc biệt, ăn ngon, vị lạ, nhất là món canh bóng và canh măng mực. Chắc chắn chúng tôi sẽ còn quay lại Bát Tràng”.
Còn chị Kiều Thanh Nga (phường Phương Liên, quận Đống Đa) cho hay, mỗi khi sang tham quan Bát Tràng, chị và gia đình đều đặt 1 mâm cỗ truyền thống ở đây để thưởng thức. Các món ăn có vị rất ngon, canh măng có vị ngọt thanh, nem rán cũng có vị khác biệt, thơm ngon nên các thành viên gia đình chị đều thích.
Nói về định hướng phát triển du lịch gắn với ẩm thực Bát Tràng, Chủ tịch UBND xã Bát Tràng Phạm Huy Khôi cho biết, Bát Tràng là làng nghề truyền thống gốm sứ đặc sắc, tiêu biểu của Thủ đô và cả nước. Ngoài gìn giữ và phát triển nghề gốm sứ, người dân Bát Tràng còn gìn giữ được nhiều nét văn hóa cổ truyền, cũng như những món ẩm thực truyền thống. “Ẩm thực Bát Tràng được chế biến rất cầu kỳ, từ việc chọn nguyên liệu đến cách chế biến. Tiếng lành đồn xa, không chỉ đến Bát Tràng để tham quan, mua sắm các mặt hàng gốm sứ, du khách còn muốn đến để thưởng thức ẩm thực Bát Tràng, nhất là khách quốc tế. Hiện, xã đã có 5 người được công nhận Nghệ nhân văn hóa nghệ thuật ẩm thực làng nghề Việt Nam. Đây chính là những người mang ẩm thực Bát Tràng giới thiệu, truyền tải với du khách”, ông Phạm Huy Khôi chia sẻ.
Cũng theo ông Phạm Huy Khôi, năm 2019, Bát Tràng được công nhận là điểm du lịch của Thủ đô. Với định hướng đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với ẩm thực truyền thống Bát Tràng, xã đã xây dựng kế hoạch, vận động các hộ gia đình nghệ nhân ẩm thực chuyển đổi, cải tạo và giới thiệu các mô hình du lịch trải nghiệm đạt chuẩn; phục dựng lại các nhà cổ để nghệ nhân ẩm thực giới thiệu các món ăn truyền thống quê hương, nhất là mâm cỗ Tết Bát Tràng xưa, để du khách hiểu hơn về cuộc sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân địa phương, góp phần từng bước đưa Bát Tràng trở thành điểm du lịch tiêu biểu của Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.