Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đã xử lý được “điểm nghẽn” vốn ưu đãi

Bạch Thanh| 03/11/2014 06:32

(HNM) - Để thoát nghèo bền vững, người nông dân rất cần vốn để đầu tư mở rộng sản xuất. Với hai chương trình ưu đãi cho vay hộ cận nghèo và giải quyết việc làm từ hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội, phải chăng hướng để người nông dân nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống đã có ?

Vốn ưu đãi tạo thay đổi lớn

Chỉ có vẻn vẹn hơn sào ruộng, vợ chồng chị Nguyễn Thị Duyên (thôn Thượng, xã Thượng Lâm, huyện Mỹ Đức) phải chật vật kiếm sống. Chồng chạy xe công nông, làm thợ xây; vợ thì ngoài việc đồng áng còn tranh thủ kiếm thêm thu nhập từ quán nước mía gần chợ xã. Cuối năm 2013, gia đình chị quyết định chuyển nhà từ xóm ra đồng, dồn điền đổi thửa, gom tiền đào ao nuôi cá. Thiếu vốn, chị tìm hiểu qua hội phụ nữ, tiếp cận nguồn vốn vay dành cho hộ cận nghèo. Với số tiền 25 triệu vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Mỹ Đức, chị đã mua được một con bò sinh sản để vừa phục vụ cày cấy, vừa nhân đàn. Cơ hội thoát nghèo của gia đình chị đang dần mở…

Người nông dân được vay vốn để đầu tư mở rộng sản xuất sẽ thoát nghèo bền vững. Ảnh: Sơn Tùng


Đến thăm trang trại, đúng ra là khu chuyển đổi của gia đình chị Nguyễn Thị Khanh (thôn Quảng Hội, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn) chúng tôi được nghe kể về hành trình chinh phục vùng đất khó và chặng đường vươn lên thoát nghèo của gia đình: Gia đình chị có gần 1 mẫu, còn hơn 1 mẫu là đất khai hoang. Gần chục năm qua, chị được Ngân hàng CSXH "tiếp sức" - lần đầu tiên được vay 20 triệu đồng theo diện hộ nghèo để đào ao thả cá, nuôi vịt. Có được đồng lãi nào, ngoài phần trả nợ, chị lại dành dụm để tiếp tục mở rộng quy mô hoạt động. Gia đình chị từ diện hộ nghèo đã "xuống" diện cận nghèo và hy vọng sẽ thoát diện cận nghèo trong năm tới.

Gần 1.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi

Theo Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH Việt Nam Bùi Quang Vinh: Mặc dù kết quả giảm nghèo cả nước và từng địa phương cơ bản đạt mục tiêu đề ra, song chưa đồng đều, chưa vững chắc; tỷ lệ hộ tái nghèo, phát sinh nghèo còn cao. Hạn mức cho vay giải quyết việc làm vẫn thấp, mới đạt 20 triệu đồng/lao động. Nếu các hộ vừa mới thoát nghèo mà rút ngay vốn sẽ rất dễ tái nghèo.

Tại Hà Nội, mỗi năm có tới trên 10.000 hộ thoát nghèo, năm 2014 dự kiến sẽ có khoảng 14.000 hộ thoát nghèo. Để công tác giảm nghèo bền vững và công tác đổi mới chính sách trợ giúp xã hội đạt kết quả thiết thực, đại diện các sở Lao động, Thương binh & Xã hội, Tài chính trong buổi làm việc với Ngân hàng CSXH Hà Nội mới đây đã đưa ra một số kiến nghị: Trước hết, xây dựng quy chế phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các sở, ngành, các cấp chính quyền, đoàn thể từ trên xuống địa phương, trong đó quy định rõ chức năng, nhiệm vụ từng ngành, từng cấp chính quyền, đoàn thể; rà soát, đánh giá lại hệ thống chính sách trợ giúp xã hội hiện hành nhằm sửa đổi, hoàn thiện các chính sách giảm nghèo, hướng tới thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững; đồng thời, mở rộng chính sách hỗ trợ đối với hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo như kéo dài thời gian hưởng thụ các chính sách ưu đãi, phân loại đối tượng để có các chính sách hỗ trợ phù hợp, tiến tới xóa dần chính sách cho không, chuyển sang cơ chế hỗ trợ trực tiếp cho sản xuất, đầu tư, ứng dụng khoa học, công nghệ… Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thành phố vẫn quan tâm dành gần 1.000 tỷ đồng để cho vay ưu đãi; riêng trong tháng 10 tiếp tục bổ sung ngân sách 110 tỷ đồng để cho vay giải quyết việc làm đối với các hộ khó khăn về vốn ở khu vực nông thôn thông qua Ngân hàng Chính sách.

Để đưa tín dụng ưu đãi về nông thôn hiệu quả hơn nữa, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng: Thời gian tới, Ngân hàng CSXH thành phố cần cơ cấu lại nguồn vốn theo hướng tăng cho vay giải quyết việc làm, cận nghèo, giảm dần cho vay hộ nghèo. Để các hộ khó khăn có nhu cầu mở rộng sản xuất, dễ dàng tiếp cận nguồn vốn ưu đãi mà không gây áp lực cho chính sách về hộ nghèo đối với các địa phương, các địa phương phải nắm rõ nhu cầu vốn của nông dân để rót đúng thời điểm, tránh tình trạng khi người dân cần thì không có vốn, khi đồng vốn có thì lại không cần. Năm 2015, thành phố nhất trí chủ trương huy động nguồn vốn từ Ngân hàng Thương mại, sau đó ngân sách TP cấp bù lãi suất. Đây sẽ được coi là hướng giải quyết nút thắt quan trọng để giải quyết vấn đề thiếu vốn ưu đãi cho hai chương trình này, bởi thành phố hiện mới chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu cho vay giải quyết việc làm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đã xử lý được “điểm nghẽn” vốn ưu đãi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.