(HNM) - Ở Hà Nội, chật chội, bí bách, nhà nào được hai mặt ngõ (hay nếu là hai mặt đường) thì... thôi rồi là thiên đường vì vừa được hưởng cái thoáng, lại vừa khối cái lợi. Nhưng chửa biết chừng.
Bác hàng xóm tôi, nhà có thế... thoáng. Ngõ ô tô đậu cửa, hẻm hông nhà rộng 3m. Cả ngõ đều cán bộ, ai cũng đi tối ngày. Khổ cái, xe rác thường đi thu lúc 3h chiều, ít người ở nhà mà đổ giờ đấy được. Nếu hết giờ làm việc thì đã muộn, chẳng còn xe rác nào đi thu. Để đối phó với tình cảnh này, ban đầu một người nghĩ ra cách: Sáng sớm đem túi rác ra hông nhà cái bác "có thế thoáng". Một người làm, người khác thấy... hay, thế là không ai bảo ai...
Đúng là chửa biết chừng. Chỗ nhà bác hàng xóm giờ bị biến thành một nơi tập kết rác nho nhỏ của khu. Người dân, thôi thì họ làm thế cũng vì... tiện.
Đấy là chuyện trong một cái ngõ, đến chuyện ở ngoài đường, chuyện của thành phố: đất đá, phế thải xây dựng đổ trộm... đang hoành hành trên nhiều đường phố ở Hà Nội. Có hàng loạt "điểm nóng" như đường mới ven Hồ Tây, ven sông Tô Lịch, Láng - Hòa Lạc... Không phải các chủ hộ xây dựng, nhà thầu... không biết quy định cấm đổ phế thải bừa bãi của thành phố nhưng nếu ký hợp đồng xử lý thì theo họ là "nhiêu khê và phức tạp", "mất thời giờ"... Không gì bằng cửu vạn, không gì bằng các tay lái xe tải chuyên chở đất đá, phế thải... bởi "làm việc" với những đối tượng này thì vừa nhanh, vừa rẻ.
Nếu như người dân chọn hàng xóm làm "điểm đến của rác" thì các đơn vị xây dựng chọn phương án "tùy nghi di tản". Họ làm thế không chỉ tiện mà còn bởi lợi. Cơ quan chức năng thì bất lực.
Ôi cái tiện, cái lợi của một số người! Làm thế nào để giám sát và xử lý họ đây?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.