(HNM) - Đồ án hướng đến sự phát triển, phát huy giá trị di sản lâu bền, trong đó có tính đến việc hoàn thiện không gian tổng thể của Đường Lâm...
Việc xây dựng giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị Làng cổ Đường Lâm sẽ gắn với bảo đảm hài hòa lợi ích của nhân dân. Ảnh: Thế Tuấn |
Hướng tới sự phát triển, phát huy giá trị di sản
Như Hànộimới đã thông tin trong số báo ngày 14-6, đồ án Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị làng cổ ở Đường Lâm, do Viện Bảo tồn di tích (Bộ VH,TT&DL) thực hiện đã nhận được sự đồng thuận của các nhà quản lý, nghiên cứu. Ngoài việc đánh giá hiện trạng, xác định rõ các giá trị cần được bảo tồn, đề xuất nguyên tắc bảo tồn, đồ án còn có nội dung quy hoạch xây dựng làng cổ ở Đường Lâm. Điểm đáng chú ý là đồ án giúp xác định rõ yêu cầu bảo tồn đối với vùng "lõi" di sản và khu vực phụ cận, những hạng mục tiêu biểu cần được tu bổ hoặc phục dựng.
Đồ án hướng đến sự phát triển, phát huy giá trị di sản lâu bền, trong đó có tính đến việc hoàn thiện không gian tổng thể của Đường Lâm, xây mới một số công trình phục vụ nhu cầu dân sinh và góp phần hỗ trợ công tác quảng bá di sản. Chẳng hạn, nhà trưng bày, giới thiệu văn hóa Làng cổ Đường Lâm dự kiến có diện tích 808m2, xây dựng tại vị trí UBND xã hiện nay (cạnh đình Mông Phụ); cải tạo trạm xá cũ (gần cổng làng Mông Phụ) làm BQL Dự án Làng cổ Đường Lâm; xây dựng 4 bãi đỗ xe bố trí theo các hướng tiếp cận vào làng cổ. Đường giao thông cơ bản giữ nguyên cấu trúc hiện có, nâng cấp và khôi phục theo dạng đường làng truyền thống. Cầu qua sông Tích sẽ được tôn tạo, bố trí thuyền phục vụ khách tham quan dọc sông… Theo tính toán của Viện Bảo tồn di tích, đến năm 2020, dân cư ở Đường Lâm sẽ tăng từ gần 6.000 người như hiện nay lên 7.000 người, lượng khách du lịch tăng đáng kể. Sản phẩm du lịch gồm có các tour tham quan làng cổ và di tích, tìm hiểu nông thôn, văn hóa truyền thống…
Đánh giá cao những nội dung cụ thể của đồ án, GS Trần Lâm Biền khẳng định: Ở nhiều khu phố cổ, làng cổ trên thế giới cũng như ở Việt Nam, bên cạnh khu cũ bao giờ cũng có khu mới. Làng cổ Đường Lâm không phải ngoại lệ, kế hoạch giãn dân để bảo tồn làng cổ là giải pháp phù hợp. Nếu đồ án quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị làng cổ ở Đường Lâm được thực thi, nó sẽ giúp người dân Đường Lâm vừa bảo vệ được khối di sản quý, vừa có điều kiện biến di sản thành tài sản đích thực. "Hãy nhìn vào Hội An hay Mỹ Sơn (Quảng Nam) để thấy rõ hơn giá trị toàn diện mà di sản mang lại. Tại sao một nơi heo hút như Mỹ Sơn mà khách du lịch đến nhiều thế? Câu trả lời là người dân sống xung quanh di tích Mỹ Sơn đã đồng thuận cùng các ngành chức năng bảo vệ và khai thác giá trị của di tích. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, làng cổ ở Đường Lâm đã được xếp hạng di tích quốc gia trên cơ sở đồng thuận, ủng hộ của nhân dân thì tất nhiên di tích này phải chịu sự điều chỉnh của các quy định pháp luật và sự bảo hộ của Nhà nước, chứ không phụ thuộc vào ý kiến, mong muốn chủ quan của một nhóm người. Tôi tin rằng, trên cơ sở quy hoạch bảo tồn, các cấp chính quyền sẽ cùng với nhân dân Đường Lâm tìm ra cách giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và lợi ích" - GS Trần Lâm Biền nói.
PGS, TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam đánh giá: Đường Lâm là ngôi làng tiêu biểu nhất trong số hàng vạn ngôi làng ở Việt Nam nên bảo tồn là tất yếu. Dự thảo đồ án quy hoạch được xây dựng cẩn trọng, nghiêm túc, công phu, giữ lại tối đa các cấu trúc của làng truyền thống vùng Đồng bằng Bắc bộ như vậy là tương đối hợp lý. Đặc biệt, các loại hình, sản phẩm du lịch được tính toán trong đồ án sẽ mang lại lợi ích vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị làng cổ ở Đường Lâm khi được duyệt sẽ là căn cứ để triển khai các dự án thành phần trên lộ trình bảo tồn và phát huy giá trị Làng cổ Đường Lâm phù hợp với cuộc sống đương đại. Song song với quy hoạch tổng thể, quy hoạch giãn dân đã được đưa ra lấy ý nhân dân vào tối 20-6 để từng bước hoàn thiện.
Dự thảo đồ án quy hoạch giữ lại tối đa các cấu trúc truyền thống của Làng cổ Đường Lâm. Ảnh: Như Ý |
Thay đổi cách thức quản lý để nâng cao hiệu quả
Quan tâm giải quyết nhu cầu chính đáng của người dân Đường Lâm, thị xã Sơn Tây đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng, quản lý Làng cổ Đường Lâm do Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Đặng Vũ Nhật Thăng làm Trưởng ban, thành viên là đại diện các ban, ngành, đoàn thể của thị xã, Chủ tịch UBND và Chủ tịch MTTQ xã Đường Lâm, đại diện 5 thôn và 3 dòng họ (Phan, Hà, Giang) ở Đường Lâm. Ban chỉ đạo hoạt động song song với BQL Di tích Làng cổ Đường Lâm, có chức năng tham mưu cho Thị ủy, UBND thị xã trong công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị làng cổ ở Đường Lâm. Mỗi tháng một lần, Ban chỉ đạo sẽ nghe BQL Di tích Làng cổ Đường Lâm báo cáo tình hình quản lý, bảo tồn, hướng phát triển du lịch… nhằm phát hiện kịp thời và giải quyết những việc phát sinh. "BQL Di tích Làng cổ Đường Lâm và UBND thị xã Sơn Tây đang đề xuất, tham mưu cho UBND thành phố thay đổi mức thu phí tham quan làng cổ và cách phân bổ số tiền thu được. Dự kiến 60% số tiền thu được từ việc bán vé tham quan sẽ được dùng để tái đầu tư cho làng, 40% phục vụ công tác thu phí (hiện nay là 100%). Thị xã Sơn Tây đang củng cố lại hoạt động của BQL Di tích Làng cổ Đường Lâm, xây dựng quy chế nhằm quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của BQL" - ông Phạm Hùng Sơn, Trưởng BQL Di tích Làng cổ Đường Lâm cho biết.
Hiện nay, các ngành chức năng và chính quyền thị xã Sơn Tây đang nghiên cứu xây dựng cơ chế đặc thù cho người dân sinh sống trong Làng cổ Đường Lâm; hỗ trợ tiền cấp đất giãn dân, xây dựng nhà cổ, tu bổ các công trình nhà cổ, di tích xuống cấp; hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu kinh tế, dạy nghề, tạo ra các sản phẩm du lịch dựa trên tiềm năng, lợi thế sẵn có… Trong tháng 6 và 7, MTTQ và các đoàn thể của thị xã Sơn Tây, xã Đường Lâm sẽ tổ chức nhiều đợt tập huấn, tuyên truyền cho người dân hiểu hơn về giá trị di sản.
Từ những động thái tích cực trên, có thể khẳng định Làng cổ Đường Lâm đã, đang và sẽ được quan tâm một cách sâu sắc, toàn diện. Hệ giải pháp đang được hoàn thiện không chỉ giúp thúc đẩy công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản, động viên nhân dân tham gia vào quá trình đó, mà còn bảo đảm cho người dân Đường Lâm sẽ là đối tượng đầu tiên được hưởng lợi từ di sản.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.