Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đa số chấp hành, song còn tình trạng “nửa đóng, nửa mở” để bán hàng

Nhóm phóng viên - Bảo Hân| 28/03/2020 17:01

(HNMO) - Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và thành phố Hà Nội về việc tạm dừng hoạt động tất cả cửa hàng, dịch vụ không thiết yếu đến hết ngày 15-4, người dân các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thủ đô đã tích cực hợp tác với chính quyền, chấp hành nghiêm. Tuy nhiên, trong ngày 28-3, vẫn còn tình trạng một số cửa hàng mở cửa hoặc “nửa đóng, nửa mở” để bán hàng.

 Công an phường Phạm Đình Hổ (quận Hai Bà Trưng) nhắc nhở hàng quán trên phố Hàn Thuyên dừng kinh doanh.

Chấp hành nghiêm để đẩy lùi dịch Covid-19

Ngày 28-3, trên địa bàn nội thành, người dân cơ bản đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 15/CT-TTg về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19.

Từ 5h30, công an các quận và nhiều lực lượng khác đã ra quân tuyên truyền, nhắc nhở trên loa truyền thanh cũng như tại thực địa, yêu cầu người dân thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng. Vì thế, về cơ bản, các cửa hàng ăn, cà phê, cắt tóc gội đầu… đều đã dừng hoạt động. Người dân tham gia hoạt động tập thể nơi công cộng có ý thức giữ khoảng cách với nhau đúng quy định 2m.

Trong đó, Công an quận Hoàn Kiếm phối hợp cùng các đoàn thể các phường Hàng Trống, Tràng Tiền, Lý Thái Tổ, Hàng Bạc có mặt quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm nhắc nhở người dân đi tập thể dục không tập trung đông người và nghiêm túc đeo khẩu trang. Trong quá trình này, Công an quận phối hợp cùng Trạm y tế phường Lý Thái Tổ đã mời 4 người dân đi tập thể dục không đeo khẩu trang về trụ sở Công an phường Lý Thái Tổ làm việc.

Công an quận Hoàn Kiếm tuần tra, nhắc nhở người dân.

Tại những điểm bán cà phê, hàng ăn trên phố Hàn Thuyên, khu vực hồ Thiền Quang (quận Hai Bà Trưng) được Báo Hànộimới ngày 27-3 phản ánh vẫn còn hiện tượng cửa hàng đóng chưa triệt để thì đến hôm nay đã thực hiện tốt. Trung tá Nguyễn Đức Khánh, Trưởng Công an phường Phạm Đình Hổ (quận Hai Bà Trưng) cho biết, công an phường liên tục tuần tra để giữ nghiêm kỷ cương và không có ngoại lệ.

Còn theo Trung tá Đào Thanh Tùng, Trưởng Công an phường Ngọc Hà (quận Ba Đình), trên địa bàn có khu vực hồ Hữu Tiệp, Ngọc Hà và ngõ 135 Đội Cấn là nơi tập trung đông người ngồi cà phê, ăn nhậu, câu cá, đánh cờ, tập thể dục… đã được rào chắn, gắn biển nhắc nhở không tập trung đông người để phòng dịch Covid-19.

Trên địa bàn quận Đống Đa, theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, chủ các hộ kinh doanh các mặt hàng không thiết yếu đã chấp hành nghiêm yêu cầu của thành phố, tạm dừng hoạt động để thực hiện công tác phòng, chống dịch.

Các cửa hàng trên phố Lương Đình Của (phường Kim Liên, quận Đống Đa) thực hiện nghiêm việc đóng cửa hàng để phục vụ công tác phòng, chống dịch. Ảnh: Long Hà

Không khí "phố hàng thùng" Hoàng Tích Trí (phường Kim Liên, quận Đống Đa) ngày thường rất đông đúc, nay đã chấp hành nghiêm yêu cầu đóng cửa. Ảnh: Long Hà

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Phạm Thị Diễm, do các lực lượng chức năng của quận đã triển khai vận động, tuyên truyền, yêu cầu ký cam kết tạm dừng hoạt động nên đến ngày 28-3, phần lớn các cửa hàng kinh doanh các mặt hàng không thiết yếu đã dừng hoạt động. Tại chợ Ngọc Hà, các cửa hàng thời trang đều đóng cửa. Song song, UBND quận Ba Đình cũng tập trung kiểm tra và xử phạt các trường hợp không đeo khẩu trang tại nơi công cộng.    

Tiếp tục thực hiện quy định của Thủ tướng và thành phố Hà Nội, nhiều hàng, quán kinh doanh dịch vụ không thiết yếu tại các huyện trên địa bàn thành phố cũng đã tuân thủ nghiêm việc đóng cửa, tạm dừng kinh doanh.

Tại xã Đốc Tín (huyện Mỹ Đức), toàn bộ 15 cửa hàng dịch vụ, ăn uống trên địa bàn đều đã đóng cửa từ ngày 26-3. Ông Nguyễn Tiến Hải, chủ cửa hàng kinh doanh ăn uống tại thôn Đốc Tín cho biết: “Ngay từ chiều 26-3, tôi đã đóng cửa hàng và tổng vệ sinh toàn bộ quán ăn. Tôi nghĩ đóng cửa là chủ trương đúng đắn để phòng, chống dịch nên tôi ủng hộ và sẽ chấp hành cho đến khi chính quyền cho phép mở cửa lại”.

Theo Phó Chủ tịch xã Đốc Tín Đỗ Văn Hiếu, hiện xã vẫn duy trì 2 đội kiểm tra thường xuyên việc chấp hành của các hộ kinh doanh, nếu có trường hợp vi phạm sẽ tiến hành xử lý nghiêm để răn đe.

Các gian hàng quần áo, cửa hàng dịch vụ tại chợ Tó, huyện Đông Anh đều đóng cửa.

Tại huyện Đông Anh, việc đóng các cửa hàng dịch vụ, ăn uống được thực hiện khá nghiêm túc. Toàn xã Kim Chung có gần 400 cửa hàng kinh doanh, dịch vụ đã đóng cửa từ ngày 26-3. Ông Nguyễn Văn Tuân, chủ nhà hàng ăn uống H2T ở thôn Hậu Dưỡng, xã Kim Chung chia sẻ: “Từ ngày 24-3, tôi đã dọn dẹp nhà hàng và dừng buôn bán. Tôi tình nguyện dành cả 5 tầng của nhà hàng để làm khu cách ly nếu chính quyền xã, huyện, thành phố cần”.

Ngoài sự vào cuộc của các xã, theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Nguyễn Văn Thiềng, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và UBND thành phố, từ ngày 26-3, phòng phối hợp với các đơn vị chức năng thường xuyên kiểm tra hoạt động tại 25 chợ lớn, nhỏ trên địa bàn huyện. Tất cả cửa hàng kinh doanh dịch vụ, ăn uống… đều đóng cửa theo đúng quy định; chỉ còn các cửa hàng nhu yếu phẩm duy trì hoạt động bình thường, bảo đảm cung ứng thực phẩm cho người dân.

Nhiều cửa hàng chấp hành tạm thời đóng cửa.

Tại địa bàn thị trấn Yên Viên (huyện Gia Lâm), hơn 100 quán bia hơi, trà chanh, cà phê, quán nước vỉa hè và khoảng 40 nhà hàng ăn uống, cơm, phở bình dân đều đã đóng cửa từ ngày 27-3.

Chủ tịch UBND thị trấn Yên Viên Nguyễn Xuân Cương cho biết: Trước đó, cán bộ tổ dân phố trên địa bàn thị trấn phối hợp với lực lượng cảnh sát khu vực, đội dân phòng, trạm y tế đến từng hàng, quán, vào từng hộ dân để tuyên truyền, vận động, nhắc nhở việc thực hiện nghiêm chỉ đạo của thành phố, nên từ ngày 27-3, các cửa hàng đều đóng cửa. Thị trấn cũng thành lập Tổ công tác cơ động thường xuyên kiểm tra địa bàn trong 2 ngày nay. Thực tế cho thấy, 100% cửa hàng kinh doanh ăn uống, giải khát, dịch vụ đều tuân thủ nghiêm việc đóng cửa chống dịch Covid-19.

Tại dọc đê sông Hồng từ xã Liên Trung đến xã Hồng Hà (huyện Đan Phượng), các cửa hàng kinh doanh cà phê, giải khát, ăn uống, siêu thị điện máy... cũng đóng cửa. Anh Lê Quang Lâm, chủ tiệm “Trà chanh nhiệt đới” tại ngã ba Tiên Tân (xã Hồng Hà) cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và thành phố, tiệm trà của gia đình đã đóng cửa nhiều ngày nay.

Một tiệm trà chanh ở xã Hồng Hà (huyện Đan Phượng) đóng cửa, ngừng kinh doanh.

“Chúng tôi nghỉ bán hàng, biết rằng sẽ không có thu nhập trong một thời gian, nhưng nghiêm túc chấp hành và ủng hộ việc làm của Nhà nước. Chúng tôi mong dịch Covid-19 nhanh chóng được đẩy lùi để cuộc sống người dân được trở lại bình thường”, anh Lâm cho biết.

Vẫn còn tình trạng “nửa đóng, nửa mở”

Bên cạnh những cửa hàng thực hiện nghiêm túc, vẫn còn nhiều cơ sở kinh doanh chưa chấp hành nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng.

Tại phố Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng), nhiều cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng, trang trí nội thất, phụ kiện điện thoại… vẫn bán hàng bình thường, cùng với đó là một số cửa hàng để cửa “nửa đóng, nửa mở” để bán hàng.

Cửa hàng kính ở phố Trương Định vẫn hoạt động.

Tại phố Quỳnh Mai (quận Hai Bà Trưng), dù gần ngay UBND phường nhưng nhiều cửa hàng kinh doanh giày dép, quần áo, làm tóc… vẫn mở bán như không có yêu cầu đóng cửa.

Tương tự, trên địa bàn quận Hoàng Mai, trưa 28-3, quanh khu vực gần trụ sở UBND phường Tân Mai vẫn còn cửa hàng cắt tóc phục vụ khách. Đặc biệt, cửa hàng bánh mì tấp nập người mua. Các khách hàng dù có đeo khẩu trang nhưng không bảo đảm khoảng cách an toàn là 2m. Dọc tuyến phố Trương Định còn khá nhiều cửa hàng kinh doanh: Kính, vàng bạc, sửa xe… mở bán.

Một số hàng ăn ở phố Tân Mai vẫn có nhiều khách tới mua.

Đáng chú ý, trong khi nhiều cửa hàng tạm đóng cửa để chống dịch thì tình trạng xe bán hàng rong dưới lòng đường vẫn ngang nhiên diễn ra tại các phố Trương Định, Nguyễn Hữu Thọ (quận Hoàng Mai).

Hàng rong bán ngay dưới lòng đường.

Tại phố Trạm (quận Long Biên), một số cửa hàng cắt tóc, bán vật liệu xây dựng cũng vẫn mở cửa… Trong khi đó, tại Trung tâm thương mại Aeon Mall Long Biên, dù loa truyền thanh liên tục nhắc người dân giữ khoảng cách 2m với người khác khi đi mua hàng, thanh toán nhưng hầu hết mọi người chưa thực hiện.

Cửa hàng cắt tóc ở phố Tân Mai vẫn phục vụ khách.

Theo Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Quang Hiếu, quận đã thành lập 7 đoàn kiểm tra và ngay trong ngày 28-3 đã đi kiểm tra, nhắc nhở các hộ kinh doanh các mặt hàng không thiết yếu đóng cửa để phòng, chống dịch.

“Trước mắt, quận tập trung vận động các cơ sở chấp hành nghiêm túc, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để người dân thực hiện việc đeo khẩu trang nơi công cộng”, ông Nguyễn Quang Hiếu cho hay.

Một cửa hàng bán giày, dép ở phố Quỳnh Mai mở cửa.

Trong ngày 28-3, các quận: Cầu Giấy, Tây Hồ, Hà Đông… cũng mới chỉ dừng ở việc nhắc nhở chủ các cửa hàng thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương và thành phố Hà Nội, nhắc nhở người dân đeo khẩu trang khi ra đường.

Hàng ăn, quán cà phê chuyển sang bán hàng trực tuyến

Trước yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và thành phố Hà Nội về việc đóng cửa, tạm dừng hoạt động của các cửa hàng kinh doanh dịch vụ không thiết yếu, một số cửa hàng đã chuyển sang bán hàng trực tuyến, giao hàng cho khách, vừa bảo đảm vẫn có doanh thu, vừa đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Ngày 28-3, tại cửa hàng bánh cuốn Phủ Lý trên phố Đào Duy Từ (quận Hoàn Kiếm), bếp vẫn đỏ lửa để chuẩn bị các suất ăn phục vụ khách. Tuy nhiên, có điểm khác biệt là cửa hàng không phục vụ khách đến ăn trực tiếp mà chỉ bán cho những khách hàng đặt qua dịch vụ giao nhận đồ ăn. 

Chủ cửa hàng ăn này cho biết, khoảng 1 tháng trở lại đây, do lo ngại dịch bệnh, lượng khách đến cửa hàng giảm mạnh. Sau khi sử dụng dịch vụ bán hàng trực tuyến, khách hàng của quán nhanh chóng tăng trở lại.

Theo quan sát, những người vận chuyển đồ ăn của cửa hàng đều có ý thức phòng dịch. Ngoài đeo khẩu trang, không ít người giao hàng đeo cả găng tay.

Cùng với quán ăn, một số hệ thống cà phê đã đóng cửa nhưng vẫn phục vụ khách qua hình thức đặt hàng online. Hệ thống AHA Cafe tại Hà Nội đóng cửa từ ngày 27-3, chuyển sang bán hàng online qua dịch vụ Now, GrabFood và ứng dụng riêng. 

Tương tự, hiện hệ thống Coffee House tại Hà Nội cũng đã đóng cửa nhưng khách hàng vẫn có thể uống cà phê được chuyển đến tận nhà sau khi đặt mua qua website hoặc ứng dụng của hệ thống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đa số chấp hành, song còn tình trạng “nửa đóng, nửa mở” để bán hàng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.