Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đà Nẵng ứng dụng chuyển đổi số để phục hồi du lịch

Trung Nhân| 03/06/2022 12:24

(HNMO) - Chuyển đổi số đang là xu hướng tất yếu trong các ngành kinh tế, khi thói quen tiêu dùng của con người đang diễn ra ngày càng sôi động trên môi trường số. Tại thành phố Đà Nẵng, ngành Du lịch đang nỗ lực chuyển đổi số, ứng dụng các công nghệ mới để tiếp cận và chăm sóc khách hàng, nhằm tăng tốc độ phục hồi sau dịch Covid-19.

Giao diện của ứng dụng du lịch thực tế ảo VR360 "Một chạm tới Đà Nẵng".

Thích ứng với thời đại số

Đầu tháng 6-2022, anh Phạm Ngọc Lân (ngụ tại quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội) cùng cơ quan đi du lịch tại thành phố Đà Nẵng. “Tôi đã đến Đà Nẵng nhiều lần, nhưng luôn thấy cái mới mỗi khi trở lại. Lần này, tôi đã trải nghiệm ứng dụng thực tế ảo trên điện thoại di động để tìm hiểu, lựa chọn các điểm tham quan, mua sắm mới mà tôi chưa từng biết, như cây đa ngàn năm tuổi trên núi Sơn Trà, để lên kế hoạch khám phá”, anh Lân chia sẻ.

Ứng dụng mà anh Lân nói đến là ứng dụng thực tế ảo VR360 “Một chạm đến Đà Nẵng”, một trong những sản phẩm chuyển đổi số của Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng, được giới thiệu từ cuối năm 2021. Ứng dụng giúp du khách có thể trải nghiệm, khám phá Đà Nẵng với thuyết minh tự động 2 ngôn ngữ Anh - Việt, hình ảnh 360 độ.

 Khách du lịch đang dần quay trở lại Đà Nẵng sau dịch bệnh.

Theo ông Tán Văn Vương, Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng, Sở đã có nhiều hoạt động chuyển đổi số như: Triển khai nhiều đợt xúc tiến, tổ chức Hội chợ du lịch trực tuyến, ứng dụng trải nghiệm scan 3D tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm... Sở Du lịch đang phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung - Big Data về du lịch, nhằm chia sẻ thông tin giữa chính quyền với doanh nghiệp, và giữa các doanh nghiệp với nhau.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng Cao Trí Dũng, một số doanh nghiệp du lịch tại thành phố vẫn chưa tận dụng được các giải pháp, tiện ích, chiến dịch truyền thông chung của thành phố; chưa thật sự đầu tư mạnh cho chuyển đổi số (có thể do chi phí, hiệu quả kinh doanh, nguồn nhân lực...), chưa tiếp cận các giải pháp mới, chưa có đơn vị tư vấn chuyển đổi số chuyên nghiệp trong lĩnh vực du lịch...

“Xu hướng tìm kiếm thông tin của người dùng toàn cầu đã chuyển từ tìm trên máy tính sang tìm trên điện thoại thông minh, nhưng nhiều trang web du lịch vẫn chưa có phiên bản mobile”, ông Dũng nhận xét.

Chính quyền và doanh nghiệp chung tay

Cũng theo ông Cao Trí Dũng, công cuộc chuyển đổi số trong các doanh nghiệp du lịch khó có thể thực hiện nếu thiếu đi vai trò hỗ trợ của chính quyền thành phố. Đà Nẵng cần đẩy mạnh việc xây dựng Big Data ngành du lịch, khi sở hữu càng nhiều dữ liệu thì càng có lợi thế cạnh tranh, giúp doanh nghiệp tìm được hướng đi đúng đắn. Hiệp hội Du lịch cũng đề xuất thành phố hỗ trợ thực hiện thí điểm một số ứng dụng chuyển đổi số tại các khách sạn, công ty lữ hành và điểm tham quan. Khi thấy rõ được hiệu quả tại các đơn vị thí điểm, các doanh nghiệp du lịch khác sẽ tham gia tích cực và đồng bộ hơn.

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Quỳnh, Tổng Giám đốc Furama Resort Đà Nẵng kiến nghị thành phố Đà Nẵng tiếp tục tài trợ các chương trình chuyển đổi số của doanh nghiệp du lịch - dịch vụ như các chương trình hội nghị ảo, triển lãm ảo, quảng bá kích cầu tiêu dùng, thương mại... Thành phố cũng nên tài trợ các chương trình start-up của doanh nghiệp mới, hoặc tài trợ để doanh nghiệp phát triển thêm một mảng mới như: Mô hình bếp đám mây; dịch vụ cung cấp các món ăn theo concept mới; các trung tâm tư vấn về các ngành nghề phụ trợ; cũng như các công ty kinh doanh thương mại điện tử du lịch…

 Du khách trải nghiệm công nghệ thực tế ảo khi truy cập ứng dụng VR360 “Một chạm tới Đà Nẵng".

Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng, việc đẩy mạnh chuyển đổi số là chủ trương chung, thành phố đã có Đề án Chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và đang triển khai quyết liệt. Riêng trong lĩnh vực du lịch, chuyển đổi số là một trong những giải pháp trọng tâm, cơ bản để phục hồi và phát triển bền vững trong thời gian tới. Để làm được điều này cần sự tương tác, hỗ trợ lẫn nhau giữa chính quyền và doanh nghiệp.

“Nếu doanh nghiệp chủ động đổi mới, phát triển công nghệ, nắm bắt xu hướng, còn chính quyền từng bước hoàn thiện xây dựng chính quyền số và tiếp tục tạo ra các cơ chế, nền tảng để hỗ trợ tốt nhất cho phát triển du lịch, tôi tin công cuộc số hóa phục vụ phát triển du lịch sẽ sớm đạt kết quả tốt”, ông Nguyễn Văn Quảng nhận định.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đà Nẵng ứng dụng chuyển đổi số để phục hồi du lịch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.