Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đà Nẵng phấn đấu kinh tế số đạt 20% GRDP vào năm 2025

Xuân Sơn| 26/05/2023 19:23

(HNMO) - Tối 26-5, Hội thảo Chuyển đổi số với chủ đề “Dữ liệu số - Thách thức và định hướng” do UBND thành phố Đà Nẵng kết thúc sau nửa ngày thảo luận sôi nổi. Theo đó, thành phố xác định chuyển đổi số là “động lực”, "chìa khóa quan trọng" trong phát triển thời gian tới.

Quang cảnh hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, ông Lương Nguyễn Minh Triết, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng tiếp cận chuyển đổi số theo 3 trục: Hạ tầng, dữ liệu, thông minh; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để đánh giá hiệu quả.

Định hướng của Đà Nẵng xác định chuyển đổi số là “động lực” trong phát triển thành phố, là “chìa khoá” quan trọng để triển khai và thực hiện mục tiêu của Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. 

Đà Nẵng đã có Trung tâm dữ liệu để sẵn sàng triển khai ứng dụng của chính quyền từ năm 2012; có mạng cáp quang kết nối các cơ quan Đảng, Nhà nước; hệ thống wifi chuyên dụng, công cộng, miễn phí từ năm 2014. Có 8 trạm thí điểm LoRa wireless, hơn 50 trạm phát sóng 5G khu vực trung tâm. Có 4.239 hộ nghèo và 1.264 hộ cận nghèo được đăng ký hỗ trợ điện thoại thông minh từ Chương trình dịch vụ viễn thông công ích. 

Ông Lương Nguyễn Minh Triết phát biểu tại hội thảo.

Đà Nẵng cũng đã có hệ sinh thái ứng dụng công dân số với nhiều tiện ích. Tỷ trọng kinh tế số trong năm 2022 đạt 17,36% GRDP. Tỷ lệ trung bình 2,3 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân, đứng thứ 2 cả nước sau thành phố Hồ Chí Minh và gấp 3 lần tỷ lệ trung bình cả nước (0,7).  

Theo lộ trình phát triển chuyển đổi số, Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm tối thiểu 20% GRDP và đến năm 2030 là 30% GRDP. Nhân lực công nghệ thông tin đạt 47.500 người, chiếm 7,7% tổng lực lượng lao động toàn thành phố, cao hơn so với tỷ lệ trung bình 2,2% của cả nước. 

Về những khó khăn, vướng mắc, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng Trần Ngọc Thạch cho biết, hiện cơ chế, chính sách, khung pháp lý về chuyển đổi số chưa thay đổi kịp theo thực tiễn. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư còn thiếu nhiều thông tin, dữ liệu, chưa bảo đảm để địa phương khai thác, sử dụng trong cung cấp dịch vụ công. 

Ông Nguyễn Phú Tiến phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Chuyển đổi số quốc gia Nguyễn Phú Tiến khuyến nghị Đà Nẵng cần triển khai các nội dung quản trị, khai thác, chia sẻ dữ liệu theo Nghị định số 47/2020/NĐ-CP, thực hiện chuyển đổi số tổng thể và toàn diện trên cả ba trụ cột ở tất cả các cấp, gồm: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. 

Kết luận hội thảo, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng nhấn mạnh chuyển đổi số là vấn đề mới, khó, phức tạp. Hiện nay cũng chưa có mô hình kiểu mẫu, điển hình và có điều kiện, hoàn cảnh tương tự để Đà Nẵng học tập, tham khảo.

“Tuy nhiên, không vì khó mà không làm, không vì phức tạp mà làm chậm tiến độ và kéo lùi quá trình phát triển của thành phố. Đà Nẵng sẽ nghiên cứu tiếp thu những thành tựu, kinh nghiệm quốc tế; vận dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện đặc thù, thực tiễn của địa phương. Thành phố phấn đấu đưa Trung tâm giám sát điều hành thành phố thông minh vào hoạt động trong tháng 6-2023 để phục vụ chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu số”, ông Lê Trung Chinh nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đà Nẵng phấn đấu kinh tế số đạt 20% GRDP vào năm 2025

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.