Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đà Nẵng - Nơi đáng sống

Phong Vân| 11/10/2015 20:18

Hơn chục năm trở lại đây, Đà Nẵng đang chuyển mình mạnh mẽ, dần trở thành đô thị văn minh, hiện đại bậc nhất miền Trung.


Đà Nẵng thực sự bứt phá đi lên, có những bước chuyển mạnh mẽ mà ai cũng có thể thấy bằng mắt thường kể từ khi tách ra khỏi tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng vào năm 1997. Từ khi trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, một cuộc “cách mạng” trong quy hoạch và xây dựng đô thị đã biến thành phố này thành một đại công trường. Hơn 10.000 hộ dân đồng thuận giải tỏa, di dời đến nơi tái định cư mới đã góp phần giúp chính quyền thành phố hội đủ điều kiện để xây dựng một đô thị tươi mới, hiện đại và văn minh. Đành rằng đâu đó vẫn còn vài lời than phiền vì thiệt thòi nhưng ai cũng phải thừa nhận rằng Đà Nẵng đã thay da đổi thịt.


Một trong những điểm thu hút khách du lịch và cũng là niềm tự hào của cư dân nơi đây chính là Cầu quay Sông Hàn. Cây cầu này đã nối đôi bờ Đông – Tây sông Hàn và tạo bước đột phá trong việc hiện thực hóa chủ trương “Mở rộng không gian đô thị”. Kể từ khi có cầu quay, không gian đô thị của thành phố đã thay đổi hẳn. Những đám lau sậy, nhà tranh mái tôn và những con đường nhỏ hẹp bên phía bờ Đông dần nhường chỗ cho những công viên, cây xanh, những tòa nhà khang trang và những con đường to đẹp được quy hoạch và xây dựng bài bản. Đến nay, 9 cây cầu mới, hiện đại, lung linh dưới ánh đèn khi về đêm đã nối đôi bờ sông Hàn. Diện tích đô thị đã tăng lên gấp 5 lần. Từ chỗ “quay lưng” với biển, Đà Nẵng đã hướng ra biển.

Nói đến Đà Nẵng là nói đến thành phố năng động với nhiều cách làm mới khác với các đô thị lớn ở Việt Nam như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng. Riêng chương trình “5 Không”, cụ thể là “Không hộ đói; Không mù chữ; Không lang thang xin ăn; Không ma túy; Không giết người cướp của” đã biến điều “không thể” thành có thể. Sau thành công của “5 Không”, Đà Nẵng tiếp tục triển khai “3 Có”, đó là “Có nhà ở; Có việc làm; Có lối sống văn minh đô thị”. Sự thành công của “5 Không, 3 Có” đã tạo tiếng vang lớn, làm nên “thương hiệu Đà Nẵng”. Nhờ vậy, Đà Nẵng thành nơi “đất lành chim đậu”. Nhân tài khắp nơi tìm về Đà Nẵng sinh sống và cống hiến. Nhiều bà con kiều bào, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã lựa chọn Đà Nẵng để sinh cơ lập nghiệp.

Ông Shinichi Iwama, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Đà Nẵng là một trong số nhiều người như thế. Nhận thấy Đà Nẵng có vị trí rất thuận lợi, cơ sở hạ tầng hoàn thiện, môi trường đầu tư tốt nên ông đã gắn bó với thành phố này nhiều năm. “Điểm khác biệt quan trọng nhất là lãnh đạo thành phố rất cầu thị và biết quan tâm, lắng nghe nhà đầu tư”, ông Shinichi Iwama nhận định. Chính ông, dù cho chứng kiến sự đổi thay từng ngày của mảnh đất này mà vẫn còn ngạc nhiên. Ông cũng rất an tâm khi vợ con ông được sống trong môi trường trong lành, giao thông an toàn và con người thân thiện.

Ông Trần Thọ, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho rằng, một ngôi nhà được xây dựng rất đẹp, bề thế thì các thành viên trong ngôi nhà ấy cần sống vui vẻ, đầm ấm, thân thiện, hạnh phúc, xứng đáng, phù hợp với ngôi nhà ấy. Vì vậy, mỗi người Đà Nẵng trong mắt bạn bè là một người thân thiện, chân thành và hiếu khách. Đà Nẵng đủ cơ sở và tự tin để đặt ra mục tiêu: “Phấn đấu đến năm 2020 trở thành một thành phố công nghiệp, môi trường đô thị văn minh, hài hòa, thân thiện, an bình, một thành phố hấp dẫn và đáng sống”.

Những thành tựu của Đà Nẵng đạt được là nhờ sự đồng thuận của người dân và quan trọng hơn cả là tầm tư duy chiến lược cùng sự điều hành năng động, quyết đoán của các thế hệ lãnh đạo thành phố này. Trong số những lãnh đạo của Đà Nẵng, người tạo dấu ấn đặc biệt chính là ông Nguyễn Bá Thanh, cố Bí thư Thành ủy Đà Nẵng. Giờ đây, từ người chạy xe ôm, xe taxi đến những lãnh đạo hiện tại vẫn một mực bày tỏ sự tôn trọng mỗi khi nhắc đến tên ông.

Đà Nẵng, mảnh đất anh dũng, kiên cường trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Trong 40 năm hòa bình, xây dựng quê hương, người dân Đà Nẵng đang viết thêm một trang mới vào lịch sử truyền thống của quê hương mình. Dù rằng phải đến khi tách khỏi Quảng Nam, Đà Nẵng mới có điều kiện dồn sức người, sức của để phát triển đô thị được như ngày hôm nay, nhưng không vì thế có thể tách rời Đà Nẵng khỏi mối quan hệ hữu cơ từ ngàn đời với mảnh đất Quảng Nam. Không có con người Quảng Nam sẽ khó có người Đà Nẵng với những tính cách đặc trưng của dân xứ Quảng. Không có Hội An, Mỹ Sơn hay Điện Bàn thì Đà Nẵng khó có thể trở thành một điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng tầm cỡ thế giới. Điều vui mừng là người dân và lãnh đạo xứ Quảng đang xây dựng cơ sở hạ tầng để phát huy những lợi thế trên mảnh đất truyền thống đầy sức sống này. Người dân Đà Nẵng xứng đáng được bạn bè ngợi khen và có quyền tự hào về những gì mình đã và đang tạo dựng.

* Bài viết trong loạt bài phục vụ: "Tuyên truyền nâng cao năng lực truyền thông và giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Ứng phó với biến đổi khí hậu

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đà Nẵng - Nơi đáng sống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.