Cách đây khoảng chục năm, người dân mới chỉ biết đến con đà điểu trên ti vi hoặc trong một số vườn thú. Giờ thì khác, nếu muốn người ta có thể thưởng thức món thịt, trứng đà điểu tại một số nhà hàng ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Nam Định...
Những chú đà điểu đầu tiên được sinh ra ở nước ta
Những con đà điểu đầu tiên sinh ra tại Việt Nam
Trại Nghiên cứu đà điểu Ba Vì (thuộc Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương) là cơ sở đầu tiên nuôi sinh sản và phát triển nguồn giống đà điểu ở nước ta. Đây hiện cũng là cơ sở có số lượng đà điểu lớn nhất và là nơi duy nhất cung cấp đà điểu giống của cả nước. Năm 1995, Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương được Bộ NN& PTNT giao cho ấp thử hai quả trứng đà điểu được nhập từ Ô-xtrây-li-a, kết quả nở hai con và sinh trưởng tốt. Năm 1996, Trung tâm tiến hành ấp thử nghiệm tiếp 100 quả và đã cho nở 38 con. Năm 1998, Trại Nghiên cứu đà điểu Ba Vì được thành lập và nhập 150 con đà điểu giống gốc châu Phi 3 - 4 tháng tuổi từ Ô-xtrây-li-a với giá 7,5 triệu đồng mỗi con. Khi ấy đã có nhiều ý kiến bàn ra bàn vào bởi đà điểu vốn thích nghi với khí hậu khô và nóng, trong khi khí hậu miền Bắc nước ta lại lạnh và ẩm. Tuy nhiên, đấy lại không phải là vấn đề mà đà điểu gặp phải bởi chúng có khả năng thích nghi tốt với khí hậu. Song do ban đầu nuôi chưa có kinh nghiệm, một số con đã gặp phải “sự cố”. Chuyện cười ra nước mắt khi cán bộ Trại Nghiên cứu đà điểu Ba Vì phải mời bác sĩ về bó bột chân cho đà điểu. Nguyên nhân là do chưa nắm được chế độ dinh dưỡng của vật nuôi, con đà điểu được cho ăn quá nhiều dinh dưỡng trong khi đó không gian vận động lại không có. Trọng lượng cơ thể phát triển nhanh nhưng chân một số con thiếu can-xi vì không được vận động. Một con bị gãy chân, năm con bị thoái hóa khớp. Tiền mua con giống thì đắt, anh em mới nghĩ ra phương án trên. Bó bột xong, cán bộ trạm lại phải làm giá đỡ phần thân cho con vật để chúng có thể đứng chân co chân duỗi. Sau đó, trại quyết định mở rộng qui mô chuồng trại, tạo không gian cho đà điểu chạy. Hiện chuồng trại nuôi đà điểu giống ở trại bây giờ đều có chiều dài chừng 60- 70 m.
Để phát triển đàn đà điểu trong khi giá một con giống nhập về quá cao, Trung tâm đã tìm cách nghiên cứu và hoàn thiện quy trình công nghệ nuôi, cho sinh sản, ấp trứng. Năm 1999, những con đà điểu đầu tiên từ đàn giống nhập ra đời trên vùng đất có khí hậu nhiệt đới. Tỉ lệ ấp nở ấp năm 2000 mới chỉ đạt 28,9%, năm 2004 con số này đã đạt trên 45%. Đà điểu được sinh sản của Trại có tốc độ sinh trưởng tốt (tăng khoảng 10 kg mỗi tháng), ngang với các nước có truyền thống nuôi đà điểu giết thịt như Ô-xtrây-li-a, Nam Phi... Lúc cao điểm, Trại tập trung tới cả nghìn con đà điểu giống còn hiện tại đang nuôi 200 con đà điểu sinh sản.
Trứng đà điểu khi được chế tác như thế này có giá từ 200- 350.000đ
Khí hậu miền Trung, miền Nam đặc biệt thích hợp cho đà điểu sinh trưởng. Ưu điểm của nuôi đà điểu là con vật nuôi dễ ăn, cả thức ăn tinh lẫn thức ăn xanh. Đà điểu là con vật nuôi mang lại thu nhập không nhỏ và không phải bỏ bất cứ thứ gì: Thịt để chế biến món ăn, lông làm chổi cách điện, da phục vụ thời trang và trứng để làm đồ mỹ nghệ. Thịt đà điểu có mùi vị, màu sắc giống như thịt bò song lại ít hàm lượng cholesteron hơn và có thể chế biến khá đa dạng. Trước đây, trong suốt một thời gian dài, lông đà điểu được nhiều hoàng gia châu Âu nhập về để gắn trên mũ của các sĩ quan và làm vật trang điểm cho các quý bà. Còn giờ, lông đà điểu là nguyên liệu quan trọng làm chổi cách điện phục vụ công nghiệp điện tử. Da đà điểu quý và có giá trị hơn cả da cá sấu, mỗi bộ có thể bán với giá 400 USD. Tuy nhiên, đà điểu không phải là con “xoá đói giảm nghèo” bởi đồng vốn đầu tư ban đầu khá lớn, khoảng 5 triệu đồng một cặp giống hoặc 2,5 triệu đồng một con nuôi thịt, chưa kể chi phí chuồng trại, thức ăn, thuốc thú y.
Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ nuôi đà điểu, đến nay đã có nhiều trang trại, công ty nuôi đà điểu thương phẩm. Tính ra đàn đà điểu cả nước có qui mô vào khoảng 4000 con. ở miền Bắc, nhiều hộ đã chăn nuôi đà điểu đạt trọng lượng 1 tạ/ con 10- 11 tháng tuổi. Nơi nuôi nhiều nhất là Thái Bình, Hà Nội (50 con), ít nhất là Hà Tây (7 con). ở miền Trung và miền Nam nhiều hộ chăn nuôi đà điểu đã tập trung cung cấp thịt cho TP HCM và tự thuộc da phục vụ sản xuất giày, cặp, ví... Một vài công ty đã đầu tư chuồng trại, dây chuyền nuôi đà điểu thương phẩm với qui mô lớn. Công ty Khánh Việt (Khánh Hoà) là một ví dụ. Công ty này đầu tư 600 tỷ đồng cho dự án phát triển đàn đà điểu ven biển miền Trung với qui mô 6000- 7000 con. Dự án bao gồm nhà máy chế biến thức ăn, nhà máy thuộc da và nhà máy chế biến thực phẩm.
Thực phẩm thay thế thịt bò
Người châu Âu coi thịt đà điểu là thực phẩm thay thế thịt bò bởi hàm lượng cholesteron trong thịt thấp mà giá trị dinh dưỡng, đạm lại cao. Đặc biệt, khi dịch bò điên xuất hiện thịt đà điểu càng có giá. Tuy nhiên, ở nước ta thì khác vì ngay con đà điểu còn lạ lẫm với người dân. Nuôi đà điểu càng là chuyện lạ hơn nói gì tới chuyện đi nhà hàng thưởng thức món thịt đà điểu. Song thịt đà điểu đã và đang có trong thực đơn của nhiều khách sạn, nhà hàng ở Hà Nội, TP HCM, Nam Định... Thịt đà điểu có thể chế biến thành các món: Rán, nướng, lẩu... Giá một kilôgam thịt đà điểu ở Hà Nội là 200 - 220 nghìn đồng và ở TP HCM là 270 - 290 nghìn đồng. Nhưng khi thịt đà điểu được bày ra trên đĩa trong nhà hàng thì thực khách coi chừng, hoá đơn thanh toán có thể lên tới cả triệu bạc (mỗi kilôgam). Vì thế, với đại bộ phận người tiêu dùng, rẻ như thịt đà điểu vẫn là thứ “sơn hào hải vị”.
Tuy nhiên, chẳng sớm thì muộn con đà điểu cũng sẽ trở nên quen thuộc. Chẳng cần đến vườn thú ngắm đà điểu làm gì. Nếu muốn, nhiều người đã có thể thưởng thức món thịt đà điểu.
HNM
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.