Chuyển đổi số

Đã đến lúc kinh doanh dịch vụ 5G

Việt Nga 04/01/2024 - 07:26

Công nghệ 5G là xu hướng tất yếu của lĩnh vực thông tin di động và thực tế đã được thương mại hóa ở nhiều nước trên thế giới.

Các chuyên gia cho rằng, việc triển khai thương mại hóa 5G tại Việt Nam vào năm 2024 là phù hợp, không đi đầu nhưng cũng không quá muộn.

viettel.jpg
Kỹ sư kiểm tra các thiết bị 5G do Viettel sản xuất.

5G thúc đẩy kinh tế số

Giám đốc cấp cao tiếp thị và triển khai 5G trên toàn cầu của Huawei Technologies Hidetaka Shiraishi nhận định, nền kinh tế số đang sử dụng rất nhiều dữ liệu và 5G là một yếu tố quan trọng cho sự chuyển đổi từ kinh tế truyền thống sang nền kinh tế kỹ thuật số một cách rõ rệt hơn. Sự tăng trưởng mạnh mẽ từ các ứng dụng thành công của 5G trong một số ngành công nghiệp và những tác động tích cực của 5G đối với sự phát triển kinh tế - xã hội đã minh chứng điều này.

Tại Thái Lan, 5G là giải pháp triển khai bệnh viện thông minh ở Bangkok, với dịch vụ xe cứu thương cho phép các bác sĩ giao tiếp qua video di động trực tiếp và thực hiện chẩn đoán chính xác từ xa trong khi bệnh nhân đang được vận chuyển đến bệnh viện. 5G cũng được triển khai cung cấp giải pháp mỏ thông minh ở Indonesia, trong việc lập kế hoạch cho thời gian chạy của xe tải, giám sát mức tiêu thụ nhiên liệu và giám sát sự tỉnh táo của lái xe...

“Chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên mà dữ liệu được truyền đi không còn được đo bằng megabits mỗi giây, mà bằng gigabits mỗi giây. Điều này đã có ảnh hưởng sâu sắc đối với các ngành công nghiệp khác nhau. 5G cũng đã cho phép nhà khai thác cung cấp các dịch vụ mới nhằm vào mục tiêu khách hàng doanh nghiệp”, ông Hidetaka Shiraishi cho biết.

Với các doanh nghiệp trong nước, Giám đốc Trung tâm di động, Tổng công ty Viễn thông Viettel Nguyễn Văn Sơn cho biết, đến nay, Viettel đã thử nghiệm 5G ở hầu hết tỉnh, thành phố với hơn 1 triệu lượt trải nghiệm. Đa phần khách hàng đều cảm nhận rõ rệt tốc độ cao mà 5G mang lại. Viettel đã chuẩn bị cho 5G từ sớm. Đội ngũ nghiên cứu của Viettel cơ bản tự chủ động sản xuất được từ thiết bị vô tuyến, mạng lõi, truyền dẫn..., chỉ chờ giấy phép để triển khai trên hạ tầng Việt Nam.

Phó Trưởng ban Truyền thông, Tổng công ty Viễn thông MobiFone Lê Mai Sơn cũng thông tin, MobiFone đã triển khai thử nghiệm 5G ở thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Nha Trang và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang). Đây là cơ sở dữ liệu ban đầu để đánh giá và xây dựng các phương án mở rộng trong tương lai. MobiFone hiện có 16-17% số lượng thiết bị trên mạng dùng cho 5G.

Còn Phó Trưởng ban Công nghệ, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) Nguyễn Quốc Khánh cho biết, VNPT đã thử nghiệm 5G ở 20 tỉnh, thành phố, xuất hiện ở các sự kiện, lễ hội, phục vụ cho du lịch. Cùng với đó, VNPT tập trung phát triển công nghệ hạ tầng và triển khai các dịch vụ, sản phẩm số. Trên mạng lưới có khoảng 18% thiết bị của người dùng VNPT đã sử dụng 5G. Khi chính thức thương mại hóa 5G, VNPT sẽ triển khai các dịch vụ đến khách hàng cuối.

Thời điểm đã chín muồi

Trao đổi về việc triển khai 5G, Tổng Thư ký Hội Vô tuyến điện tử Việt Nam Đoàn Quang Hoan (nguyên Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện, Bộ Thông tin và Truyền thông) nhận định, việc chọn thời điểm để thương mại hóa 5G vào năm 2024 là phù hợp, không đi đầu và cũng không quá muộn.

Tuy nhiên, để thương mại hóa 5G, việc đầu tiên Nhà nước cần làm là cấp phép sử dụng băng tần chính thức cho các doanh nghiệp để thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ. Việc cấp phép băng tần 5G phải thực hiện bằng hình thức đấu giá tần số bảo đảm theo quy định của pháp luật.

Để đạt được mục tiêu đó, cơ quan quản lý nên quy hoạch để có từ 3 đến 4 khối tần số ở mỗi đoạn băng tần thấp, trung bình và cao cho thị trường. Việc đấu giá nên thực hiện đồng thời cho các khối trong mỗi đoạn băng tần. Như vậy, các doanh nghiệp lớn đang cạnh tranh trên thị trường sẽ có được cơ hội và điều kiện cạnh tranh bình đẳng; đồng thời tránh được việc đẩy giá tần số lên quá cao, có thể khiến nhà mạng không còn khả năng đầu tư mạng lưới sau khi thắng đấu giá tần số.

Trưởng phòng Chính sách và Quy hoạch tần số, Cục Tần số vô tuyến điện Vũ Thu Hiền cho biết, trong tháng 1-2024, Bộ Thông tin và Truyền thông công bố phương án tổ chức đấu giá băng tần để các doanh nghiệp tham gia. Bộ dự kiến đấu giá với các băng tần tầm trung (2.600MHz, 3.700-3.900MHz), kết thúc vào cuối tháng 2, đầu tháng 3-2024. Sau khi đấu giá xong, Bộ sẽ đánh giá nhu cầu của thị trường để thực hiện việc đấu giá tiếp các băng tần khác. Về quy hoạch, các băng tần khác cho 5G đã có là băng tần thấp 700MHz, băng tần cao 26GHz. Đây là những băng tần trong tương lai Việt Nam sẽ xem xét để cấp phép.

Cũng về việc đấu giá và triển khai 5G, Trưởng phòng Công nghệ dịch vụ, Cục Viễn thông Trần Tuấn Anh phân tích, hạ tầng 5G khác với hạ tầng 3G, 4G. Doanh nghiệp cung cấp 3G, 4G có thể tạo ra dịch vụ truy nhập internet, thoại để khách hàng sử dụng. Tuy nhiên, hạ tầng 5G tương đối khác, nó giống như hạ tầng mở có nhiều nhà phát triển để triển khai các ứng dụng trên hạ tầng đó. Đây mới là yếu tố quan trọng. Dù không trúng thầu (đấu giá tần số 5G), doanh nghiệp vẫn có cơ hội, vì Luật Viễn thông lần đầu tiên có quy định về khái niệm bán buôn, buộc doanh nghiệp hạ tầng mở mạng cho sự phát triển của các ứng dụng, dịch vụ, sản phẩm số. Do vậy, các doanh nghiệp không trúng thầu có thể kết hợp với doanh nghiệp trúng đấu giá tần số 5G để cung cấp dịch vụ, từ đó tạo ra ứng dụng giúp ích cho phát triển kinh tế - xã hội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đã đến lúc kinh doanh dịch vụ 5G

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.