Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đã đến lúc Hà Nội cần bổ sung những công trình văn hóa trọng điểm

B.Hân| 22/08/2022 14:36

(HNMO) - Theo KTS Nguyễn Tấn Vạn, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cơ sở cho phát triển văn hóa, nghệ thuật chất lượng cao tại Hà Nội chưa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật. Do đó, đã đến lúc Hà Nội cần bổ sung những công trình văn hóa trọng điểm.

Mô hình nhà hát đa năng tại khu vực hồ Tây do KTS Renzo Piano thiết kế.

Cần điểm nhấn để phát triển công nghiệp văn hóa

Ngày 16-8, Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị nghiên cứu, quán triệt, học tập, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045”. Có rất nhiều giải pháp được Hà Nội đưa ra để đẩy nhanh tiến độ phát triển công nghiệp văn hóa như chuyển đổi di sản công nghiệp, di sản đô thị thành di sản văn hóa mới, phát triển sản phẩm nghề thủ công truyền thống, phát triển văn hóa chất lượng cao, trong đó ưu tiên phát triển không gian công cộng, điểm du lịch văn hóa…

Và một trong những giải pháp quan trọng là bổ sung các công trình điểm nhấn, công trình văn hóa trọng điểm để nâng tầm diện mạo văn hóa Thủ đô.

Thế giới đã có rất nhiều bài học về sức ảnh hưởng của các công trình văn hóa mang tính biểu tượng. Đó là các công trình không chỉ đại diện cho hình ảnh, thương hiệu và sự phát triển của một đất nước, mà còn là thỏi nam châm hút khách như nhà hát Con Sò Sydney tại Australia, nhà hát quốc gia Bắc Kinh của Trung Quốc hay nhà hát sầu riêng Esplanade tại Singapore. 

Theo TS.KTS Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hà Nội có nền tảng văn hóa sáng tạo và tiềm năng vô cùng to lớn. Tuy nhiên, ông thẳng thắn: “Nhìn lại suốt 40 năm qua, Hà Nội chưa được bổ sung công trình văn hóa nào quy mô lớn và có khả năng sánh vai các nước, khả năng hội nhập với quốc tế”.

Có thể thấy, đã đến lúc Hà Nội cần bổ sung công trình văn hóa trọng điểm, không chỉ là để tạo không gian văn hóa nghệ thuật cho người dân Thủ đô, mà còn là để hút khách du lịch cả trong nước và quốc tế, góp phần vào sự phát triển công nghiệp văn hóa Hà Nội.

Nhu cầu khách quan của một xã hội phát triển toàn diện

Hà Nội vừa lấy ý kiến rộng rãi về Quy hoạch trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An, với kỳ vọng sẽ xây dựng khu vực Hồ Tây thành trung tâm văn hóa nghệ thuật lớn của Thủ đô với một quần thể các công trình văn hóa như quảng trường, tuyến phố đi bộ, khu triển lãm nghệ thuật, và một nhà hát đa năng tầm cỡ tại khu vực Đầm Trị. Trước quy hoạch này, một vài ý kiến cho rằng Hà Nội nên đầu tư vào các công trình dân sinh thay vì đầu tư một công trình văn hóa.

KTS Nguyễn Tấn Vạn, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, người đã gắn bó với quá trình phát triển lâu dài của đô thị Hà Nội chia sẻ: “Nhiều người nói rằng hiện nay nước ta còn nghèo, dân còn khổ, không cần nhà hát, hãy xây thêm nhiều trường học, mở rộng đường, xây cầu mới để giảm ùn tắc,… Nói như vậy không sai nhưng chưa đủ”.

Theo ông, Hà Nội đã có kế hoạch hoàn thiện Vành đai 3, xây dựng Vành đai 4 để liên kết vùng, mở rộng hệ thống đường sắt đô thị, xây dựng cầu Trần Hưng Đạo, cầu Tứ Liên, mở rộng cầu Vĩnh Tuy, phát triển các khu nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ… Như vậy, thành phố đang tập trung chăm lo phát triển hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội một cách quyết liệt để trở thành đô thị văn minh, văn hiến, hiện đại.

Tuy vậy, trong lúc cuộc sống vật chất của người dân được cải thiện và hướng tới một Thủ đô có mức sống và chất lượng cuộc sống cao thì cơ sở cho phát triển văn hóa, nghệ thuật chất lượng cao đáp ứng nhu cầu được hưởng thụ nghệ thuật. 

KTS Nguyễn Tấn Vạn chia sẻ thêm: “Xây dựng nhà hát là thực hiện chương trình phát triển văn hóa Việt Nam hiện đại, tự chủ và hội nhập, là nhu cầu khách quan của cuộc sống, của một xã hội phát triển toàn diện”.

KTS Nguyễn Tấn Vạn.

Ưu tiên cho địa điểm được chọn lựa xây dựng nhà hát

Trước một vài ý kiến băn khoăn về việc Hà Nội chọn xây dựng nhà hát ở Đầm Trị, KTS Nguyễn Tấn Vạn nêu, nguyên tắc cơ bản của hoạt động kiến trúc là tạo dựng môi trường, cảnh quan, làm cho cảnh quan chưa có giá trị trở thành có giá trị cao, môi trường ô nhiễm trở thành không gian đáng sống, hấp dẫn cho con người. Theo đó, giải pháp nhà hát tại khu vực Đầm Trị không chỉ bảo tồn và nâng cấp hồ mà còn tạo không gian mở, các trung tâm dịch vụ cho cộng đồng, giải quyết tuyến giao thông đối ngoại, giao thông thủy, giao thông đường bộ và tạo dựng các mảng xanh cho khu vực.

KTS Nguyễn Tấn Vạn chia sẻ: “Với bất cứ đô thị nào, chọn địa điểm xây dựng Nhà hát luôn được ưu tiên. Nhà hát Sydney (Australia) tọa lạc tại Bennelong Point, một địa điểm độc tôn có thể nhìn công trình từ xa, từ nhiều phía. Nhà hát Bắc Kinh (Trung Quốc) xây dựng trên hồ tại trung tâm thành phố, cách Quảng trường Thiên An Môn và tường Tử Cấm Thành chỉ 500m do KTS người Pháp Paul Andreu thiết kế. Thành phố Hồ Chí Minh chọn mảnh đất vàng bên bờ sông Sài Gòn nhìn sang quận 1 cho Nhà hát thành phố…

Tại Hà Nội, trước đây cũng dự kiến xây dựng trên trục đô thị mới Tây Hồ Tây, song với nhiều lý do nên công trình dừng lại.

Với địa điểm Hồ Đầm Trị, Quảng An và thiết kế ý tưởng về hình thái sinh học nằm giữa hồ nước, nối liền với mặt nước Hồ Tây, cho ta một tầm nhìn quan sát ở tất cả các hướng. Với địa điểm này, công trình ít bị tác động của tiếng ồn, sự va đập của giao thông có thể ảnh hưởng đến chất lượng âm thanh, một yếu tố cơ bản của chất lượng các nhà hát”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đã đến lúc Hà Nội cần bổ sung những công trình văn hóa trọng điểm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.