(HNM) - Xác định nguồn vốn đóng vai trò quan trọng đối với nông dân, các cấp Hội Nông dân Hà Nội đã, đang tích cực tìm nguồn, nhằm đa dạng hóa các kênh vay vốn, giúp hội viên tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Nhờ vậy, nông dân Thủ đô đã có thêm nhiều điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế, xã hội, góp phần giảm nghèo bền vững, ổn định cuộc sống.
Phát triển kinh tế từ vốn ưu đãi
Bà Đặng Thị Lý ở thôn 3 (xã Đại Yên, huyện Chương Mỹ) đã phát triển mô hình kinh tế VAC. Trong ao, nuôi cá và ba ba; trên bờ trồng nhãn, vải và chăn nuôi lợn, gà. Hiện tại, gia đình bà được vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế với tổng số tiền 70 triệu đồng. Trang trại của gia đình bà Lý hiện có thu nhập 200-300 triệu đồng/năm. Bà Lý chia sẻ: “Gia đình tôi sử dụng đồng vốn ưu đãi hiệu quả là nhờ các cấp hội nông dân thường xuyên hỗ trợ kỹ thuật và đưa ra các khuyến nghị về cách sử dụng vốn, quản lý tài chính tốt nhất để bảo đảm khả năng trả nợ”.
Nhờ được vay vốn ưu đãi mà nông dân trẻ Vũ Văn Đăng ở thôn Thượng 2 (xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức) lập nghiệp thành công trên quê hương. Trong những năm qua, anh Đăng đã được Hội Nông dân xã Phùng Xá hỗ trợ vay vốn ưu đãi qua Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với tổng số tiền lên tới hơn 100 triệu đồng… Với cơ sở dệt vải hiện tại, gia đình anh có thu nhập khoảng 30 triệu đồng mỗi tháng. Theo anh Đăng, với sự hỗ trợ của các cấp hội nông dân trong việc vay vốn tín chấp, đã giúp nông dân có được sự hỗ trợ tài chính kịp thời, đúng lúc, bảo đảm thành công trong sản xuất, kinh doanh.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Phùng Xá (huyện Mỹ Đức) Nguyễn Quang Hòe cho biết, hiện nay, nguồn vốn hỗ trợ nông dân ngày càng đa dạng, góp phần "giải cơn khát" về vốn, thúc đẩy "tam nông" phát triển. Khi có nhiều nguồn vốn để tiếp cận, nông dân có thể đa dạng hóa các hoạt động sản xuất, kinh doanh, gia tăng thu nhập. Đặc biệt, nông dân có thể sử dụng các nguồn vốn để đầu tư vào công nghệ, trang thiết bị và hệ thống kiểm soát chất lượng sản phẩm, giúp nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.
Trong khi đó, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ba Vì Nguyễn Văn Trường thông tin, hiện vốn hỗ trợ nông dân thông qua Hội đã đạt hơn 500 tỷ đồng, giúp cho hàng chục nghìn hộ dân được vay vốn, phát triển kinh tế. Điều đáng nói, Hội không chỉ hỗ trợ nông dân tiếp cận vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp, mà còn phối hợp với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để giúp thêm nhiều nông dân nghèo được tiếp cận nguồn vốn không tính lãi. Còn theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng Thiều Văn Son, Hội đã chủ động hướng dẫn, kết nối, tạo điều kiện để các hội viên tiếp cận nguồn vốn vay khác nhau phục vụ phát triển kinh tế gia đình.
Thúc đẩy "tam nông" phát triển bền vững
Hiện tại, tổng nguồn vốn hỗ trợ nông dân trên địa bàn thành phố qua các cấp Hội Nông dân là khoảng hơn 5.000 tỷ đồng.
Cụ thể, tổng dư nợ các chương trình vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội đạt hơn 3.000 tỷ đồng, cho 67.275 hộ vay; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là khoảng 1.300 tỷ đồng, cho 13.268 hộ vay; Quỹ Hỗ trợ nông dân thành phố khoảng 778 tỷ đồng... Nguồn vốn hỗ trợ nông dân trên địa bàn thành phố tăng bình quân từ 10% đến 20% mỗi năm, thực sự là nguồn lực tài chính hết sức có ý nghĩa để thúc đẩy nông nghiệp, nông dân, nông thôn phát triển bền vững.
Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên, nguồn vốn hỗ trợ nông dân hiện nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng Thiều Văn Son, nguồn vốn đóng vai trò quan trọng đối với các hộ nông dân, nên ngoài việc giúp tiếp cận vốn vay, thành phố cần nâng hạn mức vay ưu đãi cho nông dân. Còn Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ba Vì Nguyễn Văn Trường cho rằng, khi có nhiều kênh tiếp cận vốn khác nhau, nông dân sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận vốn và có thể chọn lựa nguồn vốn có lãi suất, điều kiện vay, thời hạn trả nợ phù hợp với khả năng của mình.
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội Phạm Hải Hoa cho biết, thời gian tới, các cấp Hội tiếp tục tư vấn và hướng dẫn cho nông dân về các chương trình hỗ trợ vốn từ các cơ quan chức năng và tổ chức tài chính. Đồng thời xây dựng các chính sách và quy định cho vay vốn, giảm lãi suất và tạo thuận lợi trong thủ tục hành chính cho nông dân; khuyến khích các doanh nghiệp và tổ chức tài chính đầu tư vào nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn…
“Xây dựng hệ thống thông tin và truyền thông để quảng bá các chương trình vốn hỗ trợ cho nông dân, từ đó nâng cao nhận thức và hiểu biết trong tiếp cận nguồn vốn. Tăng cường công tác kiểm tra và giám sát việc cung cấp vốn cho nông dân, bảo đảm việc sử dụng vốn đạt hiệu quả, tránh rủi ro, thất thoát”, bà Phạm Hải Hoa nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.