Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đã có 30 địa phương ghi nhận bệnh nhân mắc bệnh tay chân miệng

Đức Trung| 10/06/2011 06:58

(HNM) - Ngày 9-6, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ Nguyễn Trần Hiển cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận 6.112 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng (TCM) tại 30 địa phương, trong đó có 17 trường hợp tử vong.

Bệnh nhân tập trung chủ yếu tại khu vực miền Nam với 96,6%. Miền Bắc ghi nhận 14 trường hợp mắc TCM tại 6 tỉnh, chưa có trường hợp nào tử vong.

Bệnh TCM thường gặp ở trẻ nhỏ. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, đau miệng; loét miệng với vết loét đỏ hay phỏng nước ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi; phát ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông. Bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp và dẫn tới tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử lý kịp thời. Những tác nhân gây bệnh chủ yếu là các vi rút gây bệnh đường ruột ở người, đặc biệt là vi rút Coxsackievirus A16 (CA16) và vi rút enterovirus 71 (EV71). Các chủng vi rút EV 71 lưu hành chủ yếu ở cả 2 miền Bắc và Nam trước năm 2011 là vi rút EV71 (C1, C4 và C5).

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), vi rút EV71 thường gây bệnh nặng hơn so với các loại khác, nhưng hiện chưa có bằng chứng vi rút EV71 biến chủng và cũng chưa biết mối liên quan giữa các yếu tố như tuổi, giới, vị trí cảm thụ của vi rút... với mức độ nặng của bệnh. Do đó, WHO khuyến cáo: cần phải theo dõi giám sát chặt chẽ sự biến đổi của vi rút và tiến hành các nghiên cứu sâu, toàn diện hơn để hiểu rõ các yếu tố làm cho bệnh nặng, từ đó có cơ sở phát triển vắc xin phòng bệnh.

Trước tình hình Hà Nội đã xuất hiện rải rác một vài ca mắc TCM nhưng không có tử vong trong tuần qua, ngày 9-6, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe, Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã, các bệnh viện trực thuộc tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh. Sở yêu cầu các đơn vị chủ động giám sát, kịp thời phát hiện ca bệnh để khoanh vùng, xử lý triệt để không cho bệnh lây lan; đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền những kiến thức phòng bệnh trong cộng đồng dân cư dưới mọi hình thức như loa phát thanh, tờ rơi; khuyến cáo các trường học khi có từ 2 trẻ trở lên trong một lớp bị mắc bệnh trong vòng 7 ngày thì cho cả lớp nghỉ học 10 ngày kể từ ngày khởi bệnh của ca cuối cùng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đã có 30 địa phương ghi nhận bệnh nhân mắc bệnh tay chân miệng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.