Y tế

Đã có 13 trường hợp mắc sốt xuất huyết tử vong tại 8 tỉnh, thành phố

Thu Trang 10/08/2023 - 20:28

Theo báo cáo của các địa phương, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 57.295 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 13 trường hợp tử vong tại 8 tỉnh, thành phố.

Ngày 10-8, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có văn bản gửi Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết, không để dịch bùng phát, lan rộng, hạn chế tối đa số mắc và tử vong.

Theo báo cáo của các địa phương, tại Việt Nam, từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước ghi nhận 57.295 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 13 trường hợp tử vong tại 8 tỉnh, thành phố: Đồng Nai (4 ca), Đắk Lắk (2 ca), Phú Yên (2 ca), Bình Phước (1 ca), Bình Thuận (1 ca), thành phố Hồ Chí Minh (1 ca), Khánh Hòa (1 ca), Kiên Giang (1 ca).

Số mắc và tử vong tuy giảm so với cùng kỳ năm 2022 nhưng có xu hướng gia tăng trong các tuần gần đây.

benh-nhi-sxh.jpg
Bệnh nhi mắc sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Nhi trung ương.

Hiện đang là thời điểm mùa dịch, dự báo số mắc hằng tuần có xu hướng gia tăng trong thời gian tới nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.

Để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, không để dịch bùng phát, lan rộng, hạn chế tối đa số mắc và tử vong, Cục Y tế dự phòng đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo giám sát chặt chẽ tình hình bệnh nhân trên địa bàn, nắm chắc các ổ dịch sốt xuất huyết hiện có và mới phát sinh, xử lý triệt để các ổ dịch ngay khi phát hiện, không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài.

Bên cạnh đó, tổ chức triển khai mạnh mẽ hơn nữa các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng (bọ gậy) phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn và duy trì hoạt động 1 tuần/lần tại các khu vực có nguy cơ cao; 2 tuần/lần tại các khu vực có chỉ số muỗi, lăng quăng/bọ gậy cao và 1 tháng/lần tại các khu vực còn lại.

Cục Y tế dự phòng đề nghị, các địa phương củng cố hệ thống cán bộ làm công tác phòng, chống côn trùng tuyến tỉnh và tuyến huyện. Tổ chức tốt việc giám sát côn trùng chủ động các tuyến để phát hiện sớm các khu vực có nguy cơ để xử lý kịp thời. Mặt khác, tổ chức tập huấn về công tác giám sát bệnh nhân, giám sát côn trùng, xử lý ổ dịch cho cán bộ y tế dự phòng. Tập huấn về phác đồ điều trị, xử lý cấp cứu bệnh nhân cho cán bộ y tế làm công tác điều trị tại tất cả các tuyến.

Đối với các cơ sở khám, chữa bệnh, Cục Y tế dự phòng đề nghị tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, đặc biệt là tại các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân, tránh tình trạng bệnh nhân không được tư vấn, cấp cứu, điều trị và chuyển tuyến kịp thời, đồng thời, có kế hoạch phân tuyến điều trị, hỗ trợ tuyến dưới, tránh tình trạng quá tải bệnh viện.

“Các địa phương phải tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết tại các điểm nóng, các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch trên địa bàn, hỗ trợ tuyến dưới trong công tác phòng, chống dịch. Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo UBND các tỉnh, thành phố bố trí, bổ sung kinh phí cho công tác phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn”, Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh.

Ngoài ra, Cục Y tế dự phòng cũng đề nghị, ngành Y tế các địa phương phối hợp chặt chẽ với Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn triển khai các hoạt động tuyên truyền để người dân hưởng ứng tích cực các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng, chủ động tham gia thu dọn vật dụng phế thải chứa nước đọng, nơi bọ gậy, muỗi phát triển, đậy kín nắp và thả cá vào bể, các dụng cụ chứa nước sinh hoạt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đã có 13 trường hợp mắc sốt xuất huyết tử vong tại 8 tỉnh, thành phố

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.