(HNM) - Dù vẫn còn hạn chế nhất định trong khâu quản lý, tổ chức lễ hội, song nhờ sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cơ quan chức năng từ trung ương tới các địa phương, những bức xúc tại các lễ hội lớn diễn ra trong dịp đầu xuân Giáp Ngọ 2014 đã bớt
Cùng tham gia tổ chức, giám sát
So với những năm trước, lễ hội xuân Giáp Ngọ được tổ chức quy củ, có tính tổ chức cao hơn mọi năm. Ngay trong lễ hội chùa Hương thuộc huyện Mỹ Đức (Hà Nội) thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận thời gian qua, du khách vẫn có thể nhận thấy rất nhiều điểm tiến bộ. Song song với việc công khai số điện thoại đường dây nóng, BTC lễ hội chùa Hương bố trí hàng trăm người dân xã Hương Sơn túc trực thường xuyên ở những điểm đông người qua lại nhằm nhắc nhở du khách không vứt rác bừa bãi, không giắt tiền lẻ vào tay tượng, gốc cây, không mang lễ chín, đồ mã vào chùa; đồng thời đảm nhận việc thu gom tiền lễ, tiền giọt dầu, hương hoa sau khi du khách thắp hương trên các ban thờ. Nhờ đó, hình ảnh phản cảm trong các khu nội tự ở chùa Hương hầu như không còn.
Lễ hội chùa Hương năm 2014 đã giảm tối đa những hình ảnh phản cảm như mọi năm. Ảnh: Hoàng Anh |
Tại chùa Hà thuộc phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy (Hà Nội), du khách đến lễ chùa tấp nập trong cả tháng Giêng nhưng không có hành vi trộm cắp, móc túi, mất an ninh trật tự. Ngay từ trước Tết Nguyên đán, UBND phường Dịch Vọng đã phân công trách nhiệm cụ thể cho các ngành chức năng tham gia vào khâu quản lý di tích. Lực lượng công an, dân phòng bảo đảm ứng trực tại tiền đường, nhà mẫu, theo dõi qua hệ thống camera giám sát để có thể phát hiện và xử ký kịp thời những tình huống phát sinh. Trong những ngày cao điểm, hội viên Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên phường… cùng các vãi của chùa Hà tổ chức tốt việc tiếp nhận công đức, thu gom tiền giọt dầu, phát lộc cho du khách… Trong việc tổ chức nhiều lễ hội lớn khác trên địa bàn TP Hà Nội như Hội Gióng ở đền Sóc (Sóc Sơn), lễ hội đền Hai Bà Trưng (Mê Linh), lễ hội đền Và (Sơn Tây)… vai trò của cộng đồng được các địa phương duy trì, phát huy, đem lại hiệu quả rõ ràng.
Nhằm mục đích huy động cộng đồng tham gia vào công tác tổ chức, giám sát lễ hội, cơ quan chức năng của tỉnh Ninh Bình đã cảnh cáo các chủ xe chở người ăn xin, hành khất từ nơi khác đến chùa Bái Đính "hành nghề"; đồng thời kêu gọi các chủ cửa hàng xung quanh khu vực di tích tham gia giám sát, phát hiện và phối hợp để xử lý các trường hợp ăn mày, ăn xin chèo kéo du khách. "Nhờ vậy, tình trạng ăn xin ở chùa Bái Đính cơ bản được giải quyết kịp thời, trả lại hình ảnh đẹp vốn có cho di tích" - ông Lâm Quang Nghĩa, Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Ninh Bình phản ánh. Còn tại lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh), người dân tỏ ý đồng thuận với việc xóa bỏ 41 điểm dịch vụ dọc tuyến đường vào di tích, dựng thêm 4 điểm trông giữ phương tiện miễn phí cho du khách tại chùa Trình, chùa Suối Tắm, chùa Cầm Thực và chùa Lân, góp phần giảm đáng kể tình trạng ách tắc trong những ngày cao điểm.
Sự tiến bộ trong công tác tổ chức lễ hội đầu xuân Giáp Ngọ đã được các đoàn thanh tra, kiểm tra của Bộ VH,TT&DL và các tỉnh, thành phố ghi nhận. Trong báo cáo nhanh về công tác quản lý, tổ chức lễ hội xuân Giáp Ngọ, Bộ VH,TT&DL đánh giá: "Các lễ hội có nhiều chuyển biến tích cực, an toàn, thu hút rất đông du khách về tham dự lễ hội, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho nhân dân trong dịp đầu năm mới". |
Giảm "vấn nạn" tiền lẻ
Trước vấn nạn rải tiền lẻ tràn lan tại các di tích, sự lãng phí cũng như hình ảnh phản cảm trong mùa lễ hội, bắt đầu từ xuân hội 2014, Bộ VH,TT&DL yêu cầu các địa phương hạn chế sử dụng tiền mệnh giá nhỏ trong các hoạt động văn hóa, lễ hội, tín ngưỡng; không để hình thức kinh doanh dịch vụ đổi tiền lẻ diễn ra trong khu vực di tích, khu vực lễ hội; không cài, rải tiền một cách tùy tiện; bố trí bàn công đức hợp lý... Trên thực tế, hầu hết các địa phương thực hiện tương đối tốt chủ trương đúng đắn này.
Tại Bắc Ninh, nơi có đền Bà Chúa Kho với hoạt động đổi tiền lẻ gây nhức nhối suốt nhiều năm qua, Sở VH,TT&DL tỉnh đã có văn bản yêu cầu Ban quản lý di tích đền Bà Chúa Kho đặt không quá 3 thùng công đức, chỉ đặt đĩa đựng tiền giọt dầu trên ban thờ chính... Chấp hành quy định trên, số thùng đựng tiền công đức, đĩa đựng tiền giọt dầu, dịch vụ đổi tiền lẻ khu vực đền Bà Chúa Kho đã giảm so với những năm trước. Tại chùa Bái Đính (Ninh Bình), hình ảnh được ví von là du khách "hối lộ" các vị La Hán cũng giảm đáng kể.
Tương tự, tình trạng cài, giắt, đặt, rải tiền một cách tùy tiện, đổi tiền lẻ công khai từng bước được khắc phục tại nhiều điểm di tích, lễ hội lớn trên địa bàn TP Hà Nội. Đến khu di tích đền Sóc dịp đầu xuân Giáp Ngọ, du khách không còn thấy giếng trước cửa đền Mẫu nổi "váng tiền lẻ", tay tượng "đầy tiền", thay vào đó là những hòm công đức được chạm khắc tinh xảo, vừa phù hợp với không gian linh thiêng của di tích, vừa thu hút sự chú ý của khách hành hương, giúp du khách đặt tiền công đức, tiền giọt dầu đúng nơi quy định. Trong khi đó, BTC lễ hội chùa Hương đã cấm dịch vụ đổi tiền hoạt động trong khu vực di tích và nơi đây đã không còn hiện tượng công khai mời khách đổi tiền để hưởng chênh lệch.
Những ví dụ nói trên cho thấy lễ hội xuân Giáp Ngọ không còn nhiều điều "chướng tai, gai mắt" như trước, nếp sống văn minh nơi thờ tự đang từng bước thay đổi theo hướng tích cực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.