Được gia đình đưa đến khoa Nhi (BV Bạch Mai) cấp cứu trong tình trạng khó thở, mỏi chân tay. Ngay lập tức bệnh nhi được bác sĩ kiểm tra nhưng trong quá trình khám bệnh, đột nhiên bệnh nhân ngừng tuần hoàn, bất tỉnh…
Đến giờ, khi con đã tỉnh táo, ngồi dậy được, nói chuyện bình thường, chị Hương - mẹ bệnh nhi Bùi Anh Tùng (14 tuổi, Vũ Trọng Phụng, Hà Nội) vẫn không khỏi bủn rủn chân tay khi nhớ lại khoảnh khắc con đột nhiên ngừng tim, các bác sĩ tập trung cấp cứu suốt 3 giờ đồng hồ.
“Chứng kiến cảnh bác sĩ ép tim đến 30 phút, người ướt đẫm mồ hôi, người mẹ như tôi chỉ biết đứng chết lặng, òa khóc, nghĩ mình mất con thật rồi. Vì tôi cũng đã từng chứng kiến chồng ra đi ngay trước mắt mình như thế, mặc các bác sĩ nỗ lực cấp cứu nhưng tim đã không đập trở lại.
Thế mà may mắn thay, sự nỗ lực, tận tình của các bác sĩ đã giúp tim con đập trở lại. Nếu không, tôi đã mất con, với chứng bệnh giống hệt người chồng đã mất từ năm 2005. Chỉ sau một hai ngày người mệt mỏi như cảm cúm đã trụy tim, vĩnh viễn rời xa cõi đời”, chị Hương rơm rớm nước mắt chia sẻ.
Chị Hương kể, trước thời điểm nhập viện 1 ngày, Tùng có dấu hiệu mỏi chân tay, mệt mỏi. Từng có chồng tử vong vì căn bệnh này năm 2005 (hạ ka li máu), nên ngay khi con có dấu hiệu, dù sợ hãi, nhưng cũng vì chủ quan “dấu hiệu giống bố”, bị lần đầu tiên... nên chị chỉ mua kali về cho con uống, rồi theo dõi. Tuy nhiên, dù uống kali rồi tình trạng không cải thiện được nhiều bé vẫn mỏi mệt, khó thở nên sáng 30/7 chị quyết định nghỉ làm, đưa con đi khám bệnh. “Thấy con mệt nhưng mình vẫn bình tĩnh cho con ăn xong bát phở rồi uống một viên kali thì con kêu khó thở, mình vội gọi xe đưa con đến viện. Vừa vào viện, bác sĩ đang khám thì đột nhiên con ngừng tim. Rụng rời cả chân tay, cứ nghĩ chắc không kịp rồi, chắc con sẽ bỏ mình đi”.
Bệnh nhi Bùi Anh Tùng may mắn được cấp cứu kịp thời khi bỗng nhiên ngừng tim lúc đang khám chữa bệnh. Ảnh: Tú Anh |
"Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng mệt yếu, có khó thở, rối loạn nhịp tim, nôn khan, đi ngoài phân lỏng. Bệnh nhi được đưa vào phòng khám, nghe mẹ kể gia đình có tiền sử hạ kali máu, bác sĩ sau khi thăm khám ban đầu, vừa ghi xong chỉ định siêu âm tim, điện tâm đồ và làm các xét nghiệm để chẩn đoán, tiếp tục đánh giá và theo dõi cháu thì đột ngột bệnh nhi nằm bất tỉnh, tím tái, ngừng tuần hoàn", BS Trương Văn Quý, Khoa Nhi, BV Bạch Mai cho biết.
Theo BS Nguyễn Thành Nam, Phó trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai), ngay khi bệnh nhi có hiện tượng ngừng tuần hoàn, mạch, huyết áp không đo được, các bác sĩ tại phòng cấp cứu Nhi đã kịp thời tổ chức cấp cứu ngừng tuần hoàn nhanh nên đã cứu được cháu bé. Bác sĩ đã phải ép tim, bóp bóng liên tục trong vòng 30 phút tim bé mới đập trở lại. Suốt 3 tiếng đồng hồ (từ 10h sáng đến khoảng 1h chiều, các bác sĩ mới giữ được tính mạng của bé.
“Với sự phối hợp chặt chẽ, kỹ thuật thành thạo, chính xác cùng với việc xử trí bình tĩnh, kíp cấp cứu đã không những cứu được trẻ mà còn có thể đảm bảo chất lượng cuộc sống bình thường như trước khi bị bệnh. Qua việc cấp cứu này chúng tôi nhấn mạnh vai trò của cấp cứu ngừng tuần tuần cơ bản, kỹ thuật này có thể được phổ biến rộng rãi trong cộng đồng, nhà trường, mẫu giáo giúp mọi người có thể cấp cứu ban đầu khi có tình huống không may xảy ra để có thể cứu sống được nhiều người bệnh và trẻ em hơn. Hơn nữa, còn có thể bước đầu duy trì được não không bị tổn thương đến khi có những biện pháp can thiệp chuyên sâu hơn để xử trí nguyên nhân cụ thể”, BS Nam cho biết.
Theo mẹ bệnh nhi Tùng, lúc đưa con vào viện, chị không nghĩ con sẽ bị trụy tim bởi đây mới là lần đầu khởi bệnh. Không như chồng chị trước đó, lần đó anh trở bệnh cũng như bao lần trở bệnh khác, người mỏi mệt, như kiểu đau nhức người do thời tiết. Cũng nghĩ rồi sau 2 - 3 hôm bệnh sẽ tự hết như mọi lần, nên gia đình không đưa đi khám. Nhưng lần này, không chỉ đơn thuần là “bệnh thời tiết”, chồng chị Hương càng lúc càng mỏi mệt, đến mức không nhấc được tay, chân ngày càng tăng lên. Khi gia đình đưa vào BV cấp cứu thì đã muộn, bố Tùng đã tử vong vì trụy tim do hạ kali máu.
BS Nam cho biết, hiện tình trạng bệnh nhi đã ổn định, tỉnh táo. Được cấp cứu kịp thời bệnh nhi cũng không có hiện tượng thiếu ôxy não, trẻ tiếp xúc, giao tiếp với mọi người như bình thường. Tuy nhiên hiện bệnh nhi vẫn cần được làm thêm một số xét nghiệm để tìm nguyên nhân hạ kali máu là bệnh lý di truyền hay bệnh nội tiết.
BS Nam cũng cảnh báo, với trường hợp trẻ em bỗng nhiên có biểu hiện mệt mỏi, khó thở, yếu chân tay... đặc biệt lại có tiền sử gia đình như bệnh nhi trên cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để được khám, phát hiện bệnh kịp thời. Như trường hợp bệnh nhi này, chỉ chậm một vài phút, bệnh nhi ngừng tuần hoàn ngoài viện, không được hỗ trợ cấp cứu kịp thời nguy cơ tử vong là rất cao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.