(HNMO) – Các bác sĩ Việt Nam đã có hơn 80 ngày ròng rã chiến đấu với “tử thần” Covid-19 để giành giật mạng sống cho bệnh nhân số 91. Sự hồi phục thần kỳ chưa từng có trong y văn thế giới này được viết nên bởi những con người Việt Nam nhỏ bé, bình dị.
Điều kỳ diệu chưa có tiền lệ
Viên phi công người Anh 43 tuổi, được người dân Việt Nam biết đến với tên gọi bệnh nhân 91, đã trải qua hành trình đặc biệt kéo dài gần 3 tháng, từ lúc phổi đông đặc, nằm bất động trên giường bệnh, sự sống hoàn toàn phụ thuộc vào máy móc, cho đến khi có thể ngồi dậy, đung đưa chân tay, giao tiếp với các nhân viên y tế và tự mở mật khẩu máy tính, điện thoại. Có thể nói, đây là một điều kỳ diệu chưa có tiền lệ.
Chúng ta cùng nhìn lại hành trình này: Ngày 16-3, bệnh nhân 91 có mặt tại thành phố Hồ Chí Minh sau khi kết thúc chuyến bay thường nhật VN507 tuyến Hà Nội – thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 17-3, bệnh nhân có biểu hiện ho, sốt.
Ngày 18-3, ông được đưa vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh với kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19. Một tuần sau đó, sức khỏe bệnh nhân diễn biến xấu trầm trọng. Ngày 25-3, các bác sĩ phải cho bệnh nhân 91 thở ô xy qua mặt nạ.
Những tin xấu liên tiếp đến những ngày sau đó: Ngày 5-4, bệnh nhân 91 phải dùng máy thở xâm lấn. Ngày 6-4, bị suy hô hấp nặng, phải dùng ECMO (máy hỗ trợ tim, phổi). Những ngày sau đó, bệnh nhân 91 bất động trên giường bệnh, sự sống hoàn toàn phụ thuộc vào máy móc.
Những cuộc họp chuyên môn xuyên Việt bất kể thời gian diễn ra liên tục. Các phác đồ điều trị mới được đưa ra theo từng diễn biến sức khỏe của bệnh nhân. Ngày 12-5, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 tổ chức họp chuyên môn, bàn chuyện ghép phổi cho bệnh nhân 91.
Chỉ sau vài ngày, có gần 60 người Việt Nam tình nguyện hiến phổi cho viên phi công người Anh.
Ngày 13-5, kết quả chụp CT phổi cho thấy: Phổi xơ hóa, đông đặc, chỉ còn 10% hoạt động. Phác đồ điều trị mới được đưa ra song song với việc chuẩn bị mọi mặt cho ca ghép phổi.
Bất ngờ, ngày 18-5, kết quả chụp CT lần 2 cho thấy phổi của bệnh nhân 91 đã hồi phục 10-20%. Ngày 20-5, kết quả xét nghiệm cho thấy vi rút SARS-CoV-2 đã không còn tồn tại trong cơ thể bệnh nhân 91. Bệnh nhân âm tính với vi rút từ ngày 10-5 đến nay.
Ngày 22-5, bệnh nhân 91 được chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy. Mọi diễn biến nhanh “chóng mặt”: Ngày 23-5, các bác sĩ quyết định ngưng lọc máu. Ngày 27-5, bệnh nhân đã có thể cử động các ngón tay. Ngày 29-5, bệnh nhân đã có thể cử động đầu, cổ.
Ngày 3-6, các bác sĩ quyết định ngưng chạy ECMO hỗ trợ bệnh nhân 91. Ngày 5-6, kết quả chụp CT cho thấy phổi của bệnh nhân đã hồi phục đến 60%, bệnh nhân đã có thể cử động tay. Ngày 7-6, bệnh nhân không còn vi khuẩn gây viêm phổi.
Và ngày 8-6, điều kỳ diệu hiển diện: Bệnh nhân 91 đã có thể ngồi dậy, đung đưa chân theo y lệnh của bác sĩ; tự mở khóa điện thoại, máy tính bảng và giao tiếp bình thường với các bác sĩ.
Theo dõi sát quá trình các bác sĩ Việt Nam điều trị cho bệnh nhân 91, ông Ian Gibbsons, Tổng Lãnh sự Anh tại thành phố Hồ Chí Minh đã viết trong thư cảm ơn gửi đến Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong: “Mong Ngài Chủ tịch chuyển lời cảm ơn của chúng tôi tới các bác sĩ đã dành những điều kiện tốt nhất để điều trị cho công dân Anh. Chúng tôi không thể đòi hỏi điều gì tốt đẹp hơn được nữa…”.
Những người làm nên điều kỳ diệu
Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh nhớ lại: Bệnh nhân 91 là bệnh nhân mắc Covid-19 trong tình trạng nặng, nguy kịch duy nhất tại Việt Nam. Nam phi công này có yếu tố béo phì, bị phản ứng miễn dịch dữ dội, rối loạn đông máu nặng.
“Nhiều thời điểm, bệnh nhân 91 nguy kịch. Các y, bác sĩ thay nhau trực 24/24h, sử dụng nhiều thuốc đặc trị và kỹ thuật chữa bệnh lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam để nỗ lực cứu sống bệnh nhân”, bác sĩ Nguyễn Thanh Phong cho biết.
Sau hơn 2 tháng điều trị tích cực, các bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới đã làm được điều phi thường là điều trị thành công Covid-19 cho bệnh nhân 91; phổi không còn vi khuẩn gây viêm phổi. Bệnh nhân được chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy thành phố Hồ Chí Minh.
Tiếp nối những thành công của các đồng nghiệp, ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân 91, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã xác định nhiệm vụ: Bằng mọi cách phải cứu sống bệnh nhân này.
Chiều 11-6, bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, sau một tuần cai ECMO và áp dụng phác đồ điều trị hiệu quả, sức khỏe bệnh nhân 91 đã tốt lên từng ngày.
Trong 2 ngày qua, bệnh nhân được tập bỏ máy thở ngắt quãng; thời gian bỏ máy thở đang tăng dần, bệnh nhân không còn sốt, thở chậm hơn với lượng ô xy cung cấp chỉ 3 lít/phút.
Bệnh nhân hiện tại tỉnh táo hoàn toàn; vận động hai chi trên dần hồi phục về mức bình thường. Đặc biệt, bệnh nhân có thể cầm bút viết lên bảng và sử dụng được điện thoại. Sức cơ hai chân cũng cải thiện 3/5 từ mức 1/5 của 1 tuần trước đó.
“Bệnh nhân 91 đã có thể ngồi được trên xe lăn với sự trợ giúp của nhân viên y tế để phơi nắng mỗi sáng”, bác sĩ Nguyễn Tri Thức cho biết.
Có thể nói, sự hồi phục kỳ diệu của bệnh nhân 91 là kết quả của những nỗ lực không mệt mỏi của đội ngũ chuyên gia y tế Việt Nam, gồm các chuyên gia đầu ngành của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Chợ Rẫy, của Tiểu ban Điều trị - Bộ Y tế.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Phó trưởng Tiểu ban điều trị, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 nói: “Đây là một nỗ lực phi thường. Chúng ta đã có những lúc bi quan, nhưng đến hôm nay, những tiến triển kỳ diệu của bệnh nhân như một lời động viên, khích lệ các thầy thuốc, các chuyên gia tiếp tục cố gắng, cống hiến sức lực để điều trị cho bệnh nhân một cách tốt nhất”.
Một số hình ảnh về bệnh nhân 91:
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.