(HNM) - Chú cừu Shrek ở New Zealand tiếp tục nổi tiếng hơn sau cái chết của mình, khi trở thành nguyên nhân gây ra một cuộc "cạnh tranh" quyết liệt giữa các bảo tàng nước này, nhằm giành quyền trưng bày tiêu bản của Shrek. Thậm chí, cuộc cạnh tranh được đánh giá có thể khiến Shrek trở thành biểu tượng mới của New Zealand, vốn từng thuộc về chú ngựa đua Phar Lap từ những năm 1930.
Cách đây 7 năm, Shrek bất ngờ được cả thế giới biết đến khi được tìm thấy trong một hang động ở South Island sau 6 năm lẩn trốn để tránh các đợt xén lông. Ban đầu các nông dân chăn nuôi cừu tìm thấy Shrek còn tưởng rằng mình phát hiện ra một loài sinh vật mới. Vì lúc đó trên người Shrek là bộ lông khổng lồ nặng tới 27kg - đủ để làm 20 chiếc áo len rộng cho nam giới. Hai tay kéo lành nghề nhất New Zealand đã phải mất tới nửa giờ để xén bộ lông cừu lớn nhất thế giới này cho cuộc bán đấu giá nhằm quyên tiền cho các tổ chức từ thiện của trẻ em.
Sau này, hình ảnh của Shrek đã đi vào nhiều tác phẩm truyện tranh, nhiều bộ phim hoạt hình dành cho thiếu nhi. Còn trong trái tim thầy trò Trường Tarras, miền Trung Otago, Shrek có một vị trí vô cùng đặc biệt. Việc phát hiện ra chú đã trở thành nguồn cảm hứng để Tarras phát động cuộc thi viết về loài thú lông len. Cuốn sách tập hợp tác phẩm của các em nhỏ đã được bán với số lượng lên tới 500.000 bản và Tarras trở thành trường học có thu nhập cao nhất trong năm. Từ chỗ phải đối mặt với khả năng đóng cửa, ban lãnh đạo nhà trường đã có đủ kinh phí để cải thiện điều kiện giảng dạy và học tập.
Không chỉ như vậy, theo tổ chức Cure Kids, trong nhiều năm qua, Shrek đã giúp gây quỹ hơn 150.000 USD cho các tổ chức từ thiện, nhằm góp tiền giúp nghiên cứu những căn bệnh đe dọa tới tính mạng. Với thành tích này, Shrek đã vinh dự được "diện kiến" Thủ tướng Helen Clark.
Khi Shrek qua đời do già yếu vào tuần trước, nhiều độc giả trên mạng internet dồn dập gửi lời chia buồn đến chủ trang trại. Các tờ báo trong nước cũng đã dành trang nhất đưa tin về sự kiện này. Đài truyền hình đã phát nhiều bản tin, thu hút khoảng 4,3 triệu khán giả. Một cuộc chạy đua nhằm giành quyền trưng bày tiêu bản của chú cừu 16 tuổi này cũng đang diễn ra khá quyết liệt giữa các bảo tàng ở New Zealand. Hai đối thủ nhiều khả năng được trao cơ hội này nhất là Bảo tàng quốc gia Te Papa đặt tại thủ đô Wellington và Bảo tàng Otago nằm gần trang trại nơi Shrek từng được chăn nuôi. Giám đốc Bảo tàng Otago, ông Clare Wilson tuyên bố bảo tàng này coi chú cừu Shrek là biểu tượng của Otago và tin rằng Shrek sẽ cảm thấy "thoải mái" với việc được trưng bày tại nơi sinh ra.
Sự nhiệt tình của các bảo tàng khiến ông John Perriam - chủ của Shrek vô cùng bối rối trong việc quyết định điểm đến cuối cùng của Shrek. Hiện tại, ông Perriam đang lên kế hoạch đặt một bức tượng con cừu bằng đồng tại thị trấn địa phương và cho rằng những gì Shrek đã làm được sẽ còn mãi trong lòng người dân New Zealand.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.