(HNMO) - Stephen Glass – từng là cây bút của tạp chí The New Republic và có các bài đăng dài kỳ - cho biết ông đã thực hiện đúng cam kết bồi thường cho các tạp chí từng xuất bản tác phẩm của mình.
(Ảnh: CBS News) |
Trong một cuộc trò chuyện với lớp đạo đức báo chí tại trường đại học Duke hôm thứ hai vừa qua (28/3), Glass tiết lộ ông đã phải bồi thường 200.000 USD cho tờ The New Republic, Rolling Stone và các nhà xuất bản khác bởi hơn 40 câu chuyện mà ông đã bịa đặt.
Tổng số tiền này tượng trưng cho tổn thất về lợi nhuận và uy tín mà những tạp chí này gặp phải.
Trước đó, vào tháng 10/2015, tờ The New York Times đưa tin Glass – người mà tạp chí Time mô tả là “nhà báo tai tiếng nhất trong lịch sử báo chí” – đã bồi thường cho tạp chí Harper 10.000 USD vì một bài viết mất uy tín. Đồng thời, Glass cũng đã lên kế hoạch để bồi thường cho các tạp chí khác.
“Tôi nên làm việc này sớm hơn. Tôi lấy nhuận bút và lại đưa tin sai sự thật” – Glass chia sẻ.
Stephen Glass đã viết rất nhiều bài báo cho tờ The New Republic vào cuối năm 1990 với nguồn tin, trích dẫn và sự kiện không có thật. Hơn một nửa những chi tiết trong các bài báo của Glass là bịa đặt và do ông tự “sáng tác”. Vụ việc chỉ kết thúc vào năm 1998 khi ông bị tờ Forbes phát giác.
Một trong những lý do khiến Glass không tiến hành việc bồi thường ngay lập tức là bởi ông đã gần như suy sụp hoàn toàn và từng có ý định tự tử.
Vào thời điểm sự dối trá trong các câu chuyện của Glass bị tạp chí Forbes phanh phui, ông đang làm việc tại The New Republic với vai trò biên tập viên và người kiểm chứng thông tin. Cùng thời điểm đó, Glass cũng theo học ngành luật của đại học Georgetown.
Tháng 1/2014, tòa án tối cao California đã tước quyền được cấp bằng luật sư của Glass với lý do ông không có đủ tư cách đạo đức và từng có nhiều hành vi “đặt quyền lợi cá nhân lên trên lợi ích của cộng đồng”.
Hiện Glass tiếp tục theo đuổi ngành luật bằng việc trở thành một trợ lý pháp lý cho công ty luật tư nhân Carpenter, Zuckerman and Rowley có trụ sở ở Beverly Hills, California.
Ông nhắc lại rằng thậm chí tới bây giờ - gần 20 năm sau khi sự nghiệp báo chí kết thúc - ông cũng không đổ lỗi cho những người đã nghi ngờ hành động của mình mà chỉ đang cố gắng thuyết phục mọi người về sự trung thực của bản thân ở thời điểm hiện tại. Glass cũng đã từ chối những hỗ trợ về tài chính từ đại học Duke cho buổi nói chuyện vào thứ hai vừa qua.
Lý giải cho hành động của mình, Glass cho rằng sự non nớt về kinh nghiệm và nhận thức khi tuổi đời còn quá trẻ khiến ông có nhiều hành vi sai trái. “Tôi chỉ là một ngoại lệ. Không nên lấy những hành động sai lầm của tôi để bôi nhọ nghề báo”.
Năm 2003, bộ phim Shattered Glass (Mảnh vỡ thủy tinh) dựa trên những tranh luận trái chiều về câu chuyện của Glass đã được công chiếu. Bản thân ông cũng đã viết một cuốn tiểu thuyết xuất bản cùng năm đó với tựa đề The Fabulist (Kẻ dối trá).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.