Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cuối năm nay, chọn mua TV thế nào

Phạm Anh| 29/11/2010 15:39

Nếu hầu bao rủng rỉnh, TV 3D là lựa chọn không tồi bởi dòng TV này luôn là cao cấp nhất của các hãng nên được trang bị nhiều tính năng nổi bật.


Giữa một "rừng" TV các thể loại, người dùng sẽ thấy băn khoăn không biết nên chọn mẫu nào, LCD, LED hay Plasma, thậm chí nếu khả năng tài chính không hạn chế, sẽ có người phân vân giữa 3D và 2D.

Dưới đây là một số gợi ý của Gizmodo về lựa chọn TV trong thời điểm cuối năm này, trong đó giải đáp phần nào câu hỏi 3D hay 2D.

TV 3D không phải là một lựa chọn tồi ở thời điểm hiện tại


TV 3D luôn là các sản phẩm có chất lượng trình diễn hình ảnh cao và tích hợp nhiều tính năng. Ảnh: Panasonic.


Mặc dù 2010 không phải là một năm thành công của TV 3D, loại TV này cũng chưa phổ biến rộng rãi, chiếm được lòng tin của người dùng, nhưng nếu có nhu cầu mua HDTV mới với chất lượng trình diễn tốt nhất, các sản phẩm 3D rất đáng lưu tâm.

Ngoài khả năng trình diễn hình ảnh nổi ba chiều, HDTV 3D luôn nằm trong dòng sản phẩm cao cấp nhất của hãng sản xuất. Do đó, nó được trang bị nhiều tính năng hiện đại và cũng cho chất lượng hình ảnh cao hơn model 2D cùng loại. Ví dụ, với tốc độ quét hình, TV 3D thường đạt mức 240 cho tới 400Hz, gấp đôi tốc độ 120Hz ở các model 2D.

Nếu dùng TV 3D, người xem vẫn thoải mái thưởng thức hình ảnh 2D nhưng ngược lại, khi sở hữu TV 2D lại không thể xem được 3D. Số lượng TV 3D giờ đã khá phong phú, giá nằm từ khoảng trung cho tới cao cấp nên có nhiều lựa chọn.

Tuy vậy, khi đã có ý định mua TV 3D thì người mua nên lưu ý đến vấn đề nhiễu hình trong khi xem hình ảnh nổi (hay còn gọi là 3D crosstalk). Do TV 3D phải phát hình ảnh riêng biệt tới từng mắt trái và phải, nên thi thoảng, người xem sẽ thấy hình ảnh bị chồng chéo, xen kẽ lẫn nhau như bị nhiễu chứ không luôn rõ nét như ở 2D. Nếu như xem 3D lâu và thường xuyên, "crosstalk" chính là nguyên nhân khiến người xem cảm thấy choáng đầu hay nhức mắt. Lưu ý rằng, ở TV Plasma 3D thì hiện tượng "crosstalk" ít xuất hiện hơn so với ở LCD.

Plasma hay LCD

Về giá bán, TV Plasma luôn rẻ hơn LCD. Ưu điểm của TV Plasma là thể hiện độ sâu đen tốt hơn, mức tương phản cao hơn cùng khả năng chiếu khung hình chuyển động cao mượt mà. Tuy vậy, so với LCD, màn hình Plasma lại gặp hiện tượng lưu giữ hình và có mức tiêu thụ điện năng cao hơn nhiều lần.

TV LCD cho hình ảnh sáng hơn Plasma, cùng thiết kế mỏng hơn và tiêu thụ điện năng tiết kiệm hơn hẳn. Nếu muốn mua kích thước 42 inch trở xuống, LCD là lựa chọn hợp lý nhất. Tuy nhiên, đối với LCD, TV màn hình đèn LED nền trực tiếp (LED backlit) có khả năng tái tạo màu tốt hơn, dải màu đen sâu hơn, độ tương phản cao hơn hẳn LCD thông thường.

Full HD không hẳn là một thông số quan trọng.

Nếu TV của không đủ lớn và khoảng cách từ màn hình cho tới người xem cũng quá lớn thì độ phân giải Full HD 1080p hay HD 720p cũng chẳng hề quan trọng. Nếu chỉ có nhu cầu mua TV dưới 40 inch, người dùng không cần quan tâm tới Full HD hay HD Ready (720p), bởi thực tế, nếu người xem ngồi cách TV từ 2 cho tới 3 mét, thì độ chi tiết ở các điểm ảnh của 720p và 1080p cũng không thể thấy rõ được bằng mắt thường.

Theo Gizmodo, để thấy rõ được độ chi tiết của từng điểm ảnh trên TV ở khoảng cách xem gần 3 mét, người xem cần có một mẫu HDTV kích thước 70 inch.

Một vài lưu ý khác

Nhà sản xuất luôn làm người mua hoa mắt bởi thông số về độ tương phản. Thực tế, độ tương phản tĩnh mới tạo ra nhiều sự khác biệt về chất lượng hình ảnh, nhưng khi quảng cáo, các hãng luôn đưa ra độ tương phản động. Bởi vậy, nếu quan tâm đến khả năng thể hiện hình ảnh sâu, có độ tương phản cao, người dùng nên trực tiếp so sánh và cảm nhận bằng mắt, xem sản phẩm nào có độ tối đen tốt hơn. Hãy bật một đoạn hình ảnh tối và xem xét từng vùng trên màn hình và đánh giá ở mức độ thể hiện chi tiết.

Khi chọn mua, hãy chú ý tới độ rộng của góc nhìn. Đầu tiên, hãy đứng chính giữa TV để có được góc nhìn và chất lượng hình ảnh tốt nhất, sau đó di chuyển sang bên trái và phải xem màu sắc thể hiện trên màn hình có bị thay đổi không. Nếu màu sắc không bị nhạt đi hoặc chuyển sang các màu khác khi thay đổi vị trí thì có nghĩa sản phẩm đấy có góc nhìn rộng và tốt. Hãy lưu ý việc kiểm tra góc nhìn đặc biệt khi chọn mua TV LCD.

Để biết liệu màn hình của mình có thực sự nét, nên kiểm tra với cả hình ảnh tĩnh và động. Đối với các khung hình tĩnh, khi thử TV người xem có thể nhìn và chú ý tới các sợi tóc trên đầu của một ai đó trên quảng cáo, hoặc thử xem dòng chữ trên áo của các vận động viên thể thao. Đó là những chi tiết dễ thử nhất ở các quảng cáo mà các hãng TV hay sử dụng tại cửa hàng. Với các hình chuyển động động nhanh, người xem có thể chú ý đến tay, chân của nhân vật trên hình xem có bị mờ hoặc nhòe không. Những điều đó sẽ giúp cho người mua có thể tự đánh giá được chất lượng hình ảnh ở mẫu TV mình quan tâm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cuối năm nay, chọn mua TV thế nào

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.