Dự án đầu tư xây dựng công trình thủy điện Lai Châu đã được Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt với tổng mức đầu tư của Dự án sau thuế là khoảng 35.700 tỷ đồng.
Thủ tướng Chính phủ giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư xây dựng công trình thủy điện Lai Châu; đường giao thông tránh ngập tỉnh lộ 127 và đường tránh ngập đoạn Mường Tè - Pắc Ma; lập Quy hoạch tổng thể bồi thường di dân, tái định cư.
Nhà máy thủy điện Lai Châu có 3 tổ máy với tổng công suất là 1200 MW, điện lượng trung bình nhiều năm là 4.670,8 triệu kWh. Sau khi hoàn thành, nhà máy đấu nối với hệ thống điện quốc gia, cấp điện áp 500 kV vào trạm PiToong (tỉnh Sơn La); cấp điện áp 110 kV cho mạch kép Tuần Giáo - thủy điện Lai Châu.
Nhà máy sẽ được khởi công xây dựng vào cuối năm 2010, phát điện tổ máy số 1 vào năm 2016 và hoàn thành công trình vào năm 2017.
Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu được giao làm chủ đầu tư dự án bồi thường di dân, tái định cư Dự án thủy điện Lai Châu. Dự án sẽ bồi thường di dân, tái định cư cho 1.331 hộ/5.867 người bị ảnh hưởng trực tiếp thuộc địa bàn 8 xã và 1 thị trấn; 617 hộ/3.873 người bị ảnh hưởng gián tiếp thuộc địa bàn của 3 xã.
Việc quy hoạch tổng thể bồi thường di dân, tái định cư cho Dự án thủy điện Lai Châu gồm 35 điểm tái định cư trên địa bàn huyện Mường Tè, với khả năng dung nạp 1.706 hộ/7.805 người, được Thủ tướng phê duyệt trong một dự án riêng.
Nguồn vốn đầu tư cho dự án gồm vốn tự có của Tập đoàn Điện lực Việt Nam chiếm 20%, ngoài ra các nguồn vốn vay khác như vay thương mại trong nước, vay thương mại nước ngoài, vay tín dụng ưu đãi đầu tư.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.