Thế giới

Cuộc xung đột ở Gaza tấn công các nền kinh tế Arab, có thể cắt giảm GDP 2,3%

Kim Phượng 14/12/2023 - 16:57

Reuters ngày 14-12 dẫn nghiên cứu của Liên hợp quốc vừa công bố cho thấy, thiệt hại kinh tế do cuộc xung đột Israel-Hamas ở Gaza tác động đến các nước láng giềng Arab là Lebanon, Ai Cập và Jordan, gây tổn thất ít nhất 10 tỷ USD trong năm nay và đẩy hơn 230.000 người vào cảnh nghèo đói.

arab.jpg
Các cửa hàng đã đóng cửa để hưởng ứng lời kêu gọi toàn cầu về một cuộc đình công đoàn kết với Gaza và người dân Palestine, tại trại tị nạn Burj al-Barajneh ở Beirut, Lebanon ngày 11-12-2023. Ảnh: Reuters

Chiến tranh xảy ra khi các quốc gia láng giềng Arab phải đối mặt với áp lực tài chính, tốc độ tăng trưởng chậm và tỷ lệ thất nghiệp cao, đồng thời, cản trở các khoản đầu tư cũng như ảnh hưởng đến tiêu dùng và thương mại. Lebanon đang trong một cuộc khủng hoảng kinh tế sâu sắc.

Nghiên cứu do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc thực hiện đánh giá chi phí mà cuộc xung đột gây ra đối với 3 quốc gia, về tổn thất GDP có thể lên tới 10,3 tỷ USD hoặc 2,3% và có thể tăng gấp đôi nếu kéo dài thêm 6 tháng nữa.

Abdallah Al Dardari, Trợ lý Tổng Thư ký Liên hợp quốc và Giám đốc Văn phòng khu vực các quốc gia Arab (RBAS) của UNDP nói với Reuters: “Đây là một tác động lớn. Cuộc khủng hoảng là một quả bom trong tình hình khu vực vốn đã mong manh. Nó làm xói mòn tâm lý với nỗi lo sợ về những gì có thể xảy ra và mọi việc sẽ đi đến đâu”.

Kể từ cuộc tấn công hôm 7-10, quân đội Israel đã bao vây dải Gaza và liên tục tấn công cả trên không và trên bộ khiến khu vực này bị tàn phá nghiêm trọng, hơn 18.000 người đã thiệt mạng, trong khi hàng nghìn người khác bị mất tích trong đống đổ nát. Theo ông Abdallah Al Dardari, quy mô tàn phá ở Gaza trong thời gian ngắn như vậy là chưa từng có kể từ Thế chiến thứ hai.

“Mất 45-50% tổng số nhà ở trong một tháng giao tranh. Chúng tôi chưa bao giờ thấy điều gì khủng khiếp như thế này”, ông Abdallah Al Dardari nêu rõ.

Gần 80% dân số Gaza phải di dời trong một thời gian ngắn đã làm lu mờ cuộc xung đột kéo dài hơn một thập kỷ ở Syria, vốn gây ra cuộc khủng hoảng tị nạn lớn nhất thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cuộc xung đột ở Gaza tấn công các nền kinh tế Arab, có thể cắt giảm GDP 2,3%

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.