(HNM) - Công cuộc "cưỡng lại tạo hóa" của nhiều người thành công, song cũng không ít kẻ khóc hận một đời. Lý do không phải tại tay nghề bác sĩ thấp mà bởi chính họ trót tin theo những phương pháp phẫu thuật thẩm mỹ… không giống đâu, mà bác sĩ cũng chẳng kém phần liều lĩnh và chộp giật. Kết quả là có người tử vong tức thì, hoặc một thời gian ngắn sau đó, có người cả đời chung sống với "tai nạn" gặp phải trên hành trình nỗ lực cải biến ngoại hình.
Ngây thơ hay bất cẩn?
Ít ngày trước, dư luận được phen xôn xao về thông tin một ca đang được Bệnh viện Xanh Pôn "xử lý hậu quả" do tự ý bơm silicôn với mục đích làm ngực to ra. Chị này còn rất trẻ, tìm đến bác sĩ trong tình trạng nhiều chỗ trên cơ thể bị nổi u, cục. Trước đó, nghe lời tư vấn của... bạn, chị bỏ tiền làm đẹp bằng cách... tiêm silicôn. Cái đẹp đến ngay tức thì - như bạn bè bình phẩm, nhưng nhanh chóng sau đó, khổ đau cũng xuất hiện.
Thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ tại một cơ sở y tế tư nhân. |
Tuy nhiên, nạn nhân này còn giữ được... tính mạng. Mới đây, một phụ nữ đã tử vong, cũng do bơm... silicôn. Bị nhiễm trùng, chị này không thể qua khỏi. Một thanh niên khác cũng qua đời khi mới ngoài hai mươi, bởi tự mua silicôn lỏng về bơm vào mông để có vòng ba hài hòa với cơ thể. TS Nguyễn Huy Thọ, Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật hàm mặt và tạo hình (Bệnh viện TƯ Quân đội 108) cho hay: Gặp những trường hợp trên, những bệnh viện lớn cũng bất lực. Trước đây, thời gian sau năm 1975, nhiều người vào miền Nam để bơm. Những năm 1993, 1994 chúng tôi phải giải quyết hậu quả nhiều. Sau đó, tình trạng này lắng dần. Tự nhiên gần đây, lại rộ lên thành "phong trào" và chúng tôi... lại có những ca mới phải xử lý. Những người muốn, sẽ, đang tìm đến phẫu thuật thẩm mỹ phải lưu ý khi độn, nâng, "làm nở nang", tuyệt đối không được bơm trực tiếp silicôn (mà phải sử dụng túi - có túi độn sẵn, theo cỡ khác nhau). Trên thực tế, "phương pháp" phẫu thuật thẩm mỹ bằng cách bơm trực tiếp đã bị cấm hoàn toàn. Ngành y quốc tế cấm chứ không phải riêng Việt Nam cấm. Còn nhớ, ít ngày trước, trên mạng rộ lên chuyện có một con trăn, trong lúc biểu diễn, nổi hứng "khợp" vào "trái đào tiên" của cô diễn viên. Kết cục, một ngày sau, con trăn lăn quay ra chết và nguyên nhân được các bác sĩ thú y kết luận là nhiễm silicôn.
Hiện Khoa Phẫu thuật hàm mặt và tạo hình (Bệnh viện trung ương Quân đội 108) đang có một số ca phải cho "bay" cả ngực hoặc một phần vì chất đóng vón, tạo u. Bác sĩ Thọ trăn trở: Đến nay, chúng tôi không lấy được triệt để các chất đó. Bệnh nhân sẽ cực kỳ đau khổ. Hiện chưa có chất nào có thể bơm trực tiếp vào cơ thể người với mục đích làm đẹp. Dù một số hãng "chào" có một số chất nước... "bơm tốt" song đang vẫn trong quá trình nghiên cứu, khả năng thực hiện đến đâu còn phải tính. Một lần nữa TS Nguyễn Huy Thọ nhấn mạnh: Tuyệt đối không bơm! Silicôn lỏng hoặc chất không rõ nguồn gốc thì chớ có bơm vào. Bơm vào là chết đấy!
Những ca không may kể trên tự rước lấy... xấu vào thân, bởi ngây thơ, bất cẩn hay quyết tâm làm đẹp bằng mọi giá?
Đánh đổi
Từng tiếp nhận nhiều ca đến xin làm đẹp cho giống với thần tượng, theo TS Nguyễn Huy Thọ, mỗi người có đặc thù riêng. Phẫu thuật có thể làm lại một số chỉ tiêu, có thể gần giống, có thể giúp bệnh nhân xinh đẹp hơn… song không thể biến người cụ thể thành thần tượng. Thông thường, bác sĩ chỉ nên nhặt ra vài nét để khuyên bảo bệnh nhân cái gì làm được, cái gì không, hướng họ đến cái đẹp và hiệu quả thực tế.
Phẫu thuật thẩm mỹ không phải là trò chơi, không thể tùy hứng hay thỏa mãn những cơn bốc đồng. Trước hết, trong nhiều trường hợp, phẫu thuật thẩm mỹ là sự đánh đổi. Chẳng hạn, với người bị sa trễ ngực. Ngực sa trễ ít còn có thể đặt lại, nếu sa trễ nhiều thì buộc phải mổ. Khi đó, người làm đẹp sẽ có nhiều đường sẹo trên ngực (ít nhất 3 đường sẹo). Tùy người mà sẹo to hay nhỏ và họ phải chấp nhận điều đó. Rõ ràng, đây là đánh đổi lớn. Hoặc với người nhiều mỡ bụng, hút mỡ được chỉ định nếu nếp mỡ dày, căng. Còn nếu da bụng chùng, nhăn nhúm thì nên phẫu thuật. Nhưng căng lại cũng có đường sẹo rất dài, phải đặt lại rốn… Sau đó, khi mặc quần áo, họ nom có thể đẹp song cởi ra thì… Cũng là đánh đổi! Cũng có thể kể đến phẫu thuật thu nhỏ đầu mũi. Các bác sĩ hoàn toàn thực hiện được song bệnh nhân sẽ phải mang... nhiều sẹo, ông Thọ chia sẻ. Tuy nhiên, chưa hết...
Rủi ro
Hẳn nhiều người còn nhớ cái chóp mũi đầy bất ưng của ca sĩ quá cố Micheal Jackson. Chỉ cần sơ suất, nó rất dễ di dời khỏi khuôn mặt. Tại Hàn Quốc, một trong những cái tên nổi tiếng trong giới giải trí và nổi tiếng cả bởi những bất hạnh sau thẩm mỹ là nữ ca sĩ Han Mi Ok. Sau gần 20 lần phẫu thuật thẩm mỹ, gương mặt vốn rất xinh đẹp của cô đã biến dạng khủng khiếp. Và một trong những "phương pháp" mà cô tìm đến trước đó là tiêm silicôn để chiếc cằm trở nên đầy đặn hơn.
Phẫu thuật thẩm mỹ có tỉ lệ rủi ro nhất định. Tại nước ngoài, giá mỗi ca phẫu thuật thường rất đắt do không được bảo hiểm. Trên thực tế, rủi ro, biến chứng trong và sau phẫu thuật thẩm mỹ là điều bình thường, bởi đã là phẫu thuật thì có rủi ro. Lý do có nhiều: bởi phương tiện, chất gây vô cảm... Các biến chứng sớm có thể xảy ra như chảy máu, tụ máu, nhiễm trùng… Ngay với phẫu thuật làm một bộ phận cơ thể chị em trở nên đầy đặn hơn bằng cách đưa mỡ tự thân (của bản thân bệnh nhân) vào rất an toàn song không phải đạt tỉ lệ 100%. Các biến chứng xa là sẹo ngoài ý muốn. Do bác sĩ rạch không hợp lý, do cơ địa bệnh nhân, sẹo mổ bị biến thành sẹo lồi. Nhiều bác sĩ muốn mổ thường kiểm tra bệnh nhân có những sẹo gì trên người, song khổ chỗ không phải cứ sẹo không lồi chỗ này thì không bị lồi chỗ khác. Nhiều ca căng da mặt nhưng vùng trước tai, thái dương có sẹo lồi thì khổ quá. Khổ bác sĩ, khổ cả bệnh nhân. Cơ địa bệnh nhân không ai đoán trước được, bác sĩ Thọ kể. Cũng theo ông, bác sĩ có kinh nghiệm sẽ từ chối một số bệnh nhân có nhu cầu phẫu thuật thẩm mỹ.
Một loại biến chứng xa nữa là chất liệu đưa vào như túi ngực có thể bị co thắt bao. Dù bác sĩ phẫu thuật giỏi đến mấy song biến chứng co thắt bao vẫn vào khoảng dưới 10% trên thế giới bởi nhiều yếu tố như trình độ của bác sĩ, do cơ thể dị ứng…
Làm đẹp là rất cần thiết, nhất là đối với phái đẹp. Tuy nhiên, làm thế nào và làm ở đâu lại là chuyện khác. Lời khuyên của các chuyên gia thẩm mỹ đối với các chị em trước khi bước vào một cuộc "đại phẫu thuật" hay chỉ là thủ thuật chỉnh sửa, "trùng tu" lại những khiếm khuyết của tạo hóa, cần thận trọng, tìm đến những nơi có uy tín để được tư vấn kỹ lưỡng, trước khi đưa ra quyết định.
Theo TS Nguyễn Huy Thọ, về phẫu thuật thẩm mỹ, không có loại nào phải tránh, vấn đề là thực hiện ở đâu. Các bệnh viện lớn, có uy tín, có thể triển khai hầu hết kỹ thuật đề cập trong bài. Đồng thời, ông cũng khuyên người dân, phẫu thuật thẩm mỹ là mổ xẻ, là tác động đến cơ thể như gây mê, chảy máu… do đó cần phải được thực hiện chính quy như bệnh viện. Tại các beauty salon, chỉ nên làm đẹp bằng cách tác động đến da, cơ bắp… Người dân không nên tin cơ sở nào vừa làm đẹp vừa phẫu thuật. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.