(HNM) - Cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Fukushima của Nhật Bản và dư âm khủng khiếp của thảm họa Cherbobyl (Ukraine) cách đây 25 năm đang buộc thế giới phải xem xét một cách kỹ lưỡng chiến lược phát triển một cách an toàn dạng năng lượng này trong tương lai.
Đây cũng là chủ đề của hai hội nghị quốc tế vừa đồng thời được tổ chức tại Mátxcơva (Nga) và Paris (Pháp).
Các kỹ sư Nhật Bản vẫn phải vật lộn để khắc phục thảm họa hạt nhân tại Fukushima. |
Hai hội nghị diễn ra đúng vào thời điểm cuộc tranh luận về việc dừng hay tiếp tục sử dụng năng lượng nguyên tử được tiếp thêm sức nóng bởi tuyên bố "khai tử" các nhà máy điện hạt nhân của Chính phủ Đức cách đây ít ngày. Những lý lẽ đầy thuyết phục được cả hai bên quan điểm đưa ra cho thấy đây sẽ là một "cuộc chiến" dài tập, còn lâu mới tới hồi kết.
Lý do chính khiến năng lượng hạt nhân được ủng hộ bất chấp những thảm họa kinh hoàng có thể xảy ra là vì nó thỏa mãn hai nhóm lợi ích rất khác nhau. Thứ nhất, điện hạt nhân có thể đem lại nguồn năng lượng ổn định - chiếm tới 14% điện năng trên thế giới trong suốt 14 năm qua. Ở những quốc gia đông dân và có nền kinh tế tăng trưởng nóng như Ấn Độ và Trung Quốc, nguồn cung cấp năng lượng này đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Theo tính toán của Cơ quan Năng lượng nguyên tử thế giới (IEA), tới năm 2050, nhu cầu sử dụng điện của thế giới sẽ tăng gấp 3 lần so với hiện tại. Mức nhu cầu ghê gớm đó không thể được đáp ứng đủ bằng các nguồn năng lượng sạch như gió, mặt trời. Thứ hai, lò phản ứng hạt nhân thực sự không phát thải khí hiệu ứng nhà kính, kiềm chế được mối nguy hiểm nóng lên toàn cầu và thay đổi khí hậu. So với lượng thải khổng lồ của năng lượng hóa thạch vào khí quyển, lượng chất thải hạt nhân nhỏ được quản lý tốt có thể cất giữ mà không gây hại cho con người và môi trường.
Không phủ nhận những thành tựu mà năng lượng hạt nhân mang lại cho con người, song nhóm ý kiến phản đối cho rằng, hậu quả của những rủi ro mà ngành năng lượng này mang lại cho con người là quá lớn. So với thảm họa tại Nhà máy Điện hạt nhân Chernobyl, mức độ nghiêm trọng của sự cố hạt nhân tại Nhà máy Điện nguyên tử Fukushima số 1 đang diễn ra có thể chưa bằng, nhưng Nhật Bản vẫn phải chờ hàng thập kỷ nữa mới có thể khép lại cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất tại nước này kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ II. Nếu cộng đồng thế giới không thể đưa ra những biện pháp xử lý an toàn hạt nhân quyết liệt và nghiêm túc thì dù hiện đại đến mức nào, thảm họa tương tự như Chernobyl và Fukushima cũng có thể xảy ra. Vì trong số 440 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động trên thế giới, có nhiều trường hợp thuộc thế hệ thứ nhất nằm trong nhóm nguy cơ cao như Kozloduy (Bulgaria), Metsamor (Armenia)... Hiện tại, một quan ngại nữa được đưa ra là, ngoài những yếu tố như con người, thiên tai, lò phản ứng hạt nhân hoàn toàn có khả năng trở thành mục tiêu của các vụ tấn công khủng bố.
Trong khi đó, rủi ro về năng lượng có nguồn gốc tự nhiên sẽ chỉ đưa lại những thiệt hại không đáng kể. Bên cạnh đó, để xây dựng, vận hành lò phản ứng hạt nhân, các quốc gia cần một khoản chi phí vô cùng lớn nếu so với việc phát triển nguồn năng lượng từ sức gió, mặt trời. Đơn cử như Đức, mặc dù cái giá của việc từ bỏ năng lượng hạt nhân để phát triển năng lượng sạch rất cao, có thể từ 30 đến 200 tỷ euro, nhưng chi phí cho các lò phản ứng hạt nhân còn lớn hơn nếu nhìn sang nước láng giềng. Theo Công ty Điện lực Pháp - quốc gia theo đuổi chiến lược phát triển năng lượng hạt nhân - nước này sẽ phải đầu tư khoảng từ 40 đến 50 tỷ euro để kéo dài tuổi thọ của các lò phản ứng. Vì vậy, Berlin hoàn toàn có lý khi kỳ vọng trở thành quốc gia tiên phong trong xây dựng và xuất khẩu những mô hình năng lượng mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.