Lao động - Việc làm

Cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề “đặc biệt” với công nhân, người lao động

Tiến Thành 28/07/2023 - 19:15

Chiều 28-7, tại Nhà Quốc hội (Thủ đô Hà Nội), Văn phòng Quốc hội phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức “Diễn đàn Người lao động năm 2023” với chủ đề “Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức công đoàn”.

diendan1.jpg
Quang cảnh diễn đàn.

Chủ trì diễn đàn có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang.

diendan10.jpg
Các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì diễn đàn.

Diễn đàn còn có sự tham dự của gần 50 đại biểu là các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương; đại diện lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; lãnh đạo các bộ, ngành liên quan; Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; 500 đại biểu đại diện cho liên đoàn lao động các tỉnh, thành phố, đơn vị trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

diendan3.jpg
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang phát biểu khai mạc diễn đàn.

1.589 kiến nghị của đoàn viên, người lao động

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, qua việc lấy ý kiến đoàn viên, người lao động cả nước, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ghi nhận có 1.589 kiến nghị của đoàn viên, người lao động được tổng hợp và hơn 3.000 ý kiến từ các cơ quan báo chí, các nền tảng mạng xã hội của các cấp công đoàn.

Trong đó, nhiều vấn đề rất được đoàn viên, người lao động quan tâm như: Nhà ở cho người lao động; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, việc rút bảo hiểm một lần, quyền lợi hưởng bảo hiểm xã hội, tuổi nghỉ hưu; các giải pháp bảo đảm việc làm, nâng cao thu nhập, tăng lương tối thiểu, lương cho đối tượng cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, vấn đề nâng cao tay nghề cho người lao động, chính sách đặc thù cho người lao động ngành giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ.

Đặc biệt, nhiều ý kiến phản ánh những vấn đề xã hội nhức nhối của công nhân như tình trạng nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội; những khó khăn trong khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của công nhân, trong sinh hoạt văn hóa, thể thao; khó khăn trong chăm sóc, bảo vệ trẻ em là con công nhân; việc xây dựng gia đình công nhân ấm no, tiến bộ, hạnh phúc... “Đây cũng là mối quan tâm, trăn trở của Đảng, Nhà nước, của tổ chức Công đoàn”, đồng chí Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, Đoàn Chủ tịch đã tổng hợp các ý kiến thành 45 vấn đề lớn để gửi tới Quốc hội, Chính phủ và cơ quan có thẩm quyền.

diendan9.jpg
500 đại biểu đại diện cho liên đoàn lao động các tỉnh, thành phố tham dự diễn đàn.

Phát biểu đề dẫn, gợi mở vấn đề thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có sáng kiến tổ chức diễn đàn, thiết thực kỷ niệm 94 năm thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2023).

“Tôi và các đồng chí chủ trì diễn đàn coi đây là một cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề “đặc biệt”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, đại diện cán bộ công đoàn, người lao động tập trung phát biểu, cho ý kiến vào 2 nhóm vấn đề lớn: Tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất của công nhân, viên chức và cán bộ công đoàn nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc về lao động, việc làm, sinh kế và thu nhập của người lao động; trao đổi, kiến nghị, đề xuất về hoàn thiện hệ thống pháp luật trong giai đoạn này cũng như giai đoạn tới, nhằm đáp ứng nhu cầu xây dựng hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, đồng bộ, có tính khả thi cao.

“Từ trao đổi của người lao động, đề nghị cơ quan Quốc hội, ban, bộ, ngành trực tiếp thông tin để nắm được phương án, giải pháp cho từng vấn đề, nội dung; thông qua diễn đàn, cơ quan tổ chức hữu quan sẽ có thêm thông tin trong quá trình xây dựng pháp luật”, Chủ tịch Quốc hội nói.

diendan7.jpg
Chị Đào Thị Loan, công nhân Công ty TNHH Công nghiệp Hài Mỹ (tỉnh Bình Dương) phát biểu ý kiến.

Bảo đảm tiếp cận vốn vay mua nhà ở xã hội

Tại diễn đàn, đại diện đoàn viên, người lao động cả nước đã trao đổi, thảo luận, sẻ chia rất thẳng thắn, tình cảm và trách nhiệm với lãnh đạo Quốc hội và các bộ, ngành. Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH SWCC SHOWA Việt Nam (Hà Nội) Nguyễn Minh Sơn cho biết, công nhân vui mừng, trông đợi vào gói hỗ trợ lãi suất tín dụng 120 nghìn tỷ đồng áp dụng cho cả chủ đầu tư dự án và người mua, thuê nhà ở xã hội. “Tuy nhiên, mức lãi suất 8,2%/năm vẫn là rất cao, thực tế gần như công nhân lao động chưa tiếp cận được nguồn vốn này”, ông Nguyễn Minh Sơn nói.

Chị Đào Thị Loan, công nhân Công ty TNHH Công nghiệp Hài Mỹ (tỉnh Bình Dương) mong Quốc hội sớm sửa luật để các doanh nghiệp và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có điều kiện thuận lợi, triển khai các dự án nhà ở cho công nhân, đồng thời Chính phủ và chính quyền các địa phương dành kinh phí xứng đáng cho nhiệm vụ xây dựng nhà ở cho công nhân và người có thu nhập thấp.

diendan6.jpg
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh phát biểu.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, hỗ trợ cho các chủ đầu tư và đối tượng công nhân được mua nhà ở xã hội với lãi suất ưu đãi từ 1,5-2%/năm; thời gian vay với chủ đầu tư là 3 năm và công nhân, người lao động là 5 năm. Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, việc hỗ trợ này chắc chắn giúp cho chủ đầu tư có vốn đầu tư nhiều hơn cho người lao động.

“Ngoài gói hỗ trợ 120 nghìn tỷ đồng này, chúng ta cũng đã có gói 30 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ cho chủ đầu tư có các dự án nhà ở xã hội; gói 15 nghìn tỷ đồng hỗ trợ cho người lao động mua nhà với lãi suất 4,8%. Hai gói hỗ trợ này có thể giúp người lao động tiếp cận, vay để mua nhà ở xã hội”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết thêm, vấn đề chăm lo, bảo đảm chính sách an sinh xã hội, quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, công nhân luôn được quan tâm. Vừa qua, Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), một trong những nội dung được sửa đổi quan trọng của Luật là chính sách ưu đãi hỗ trợ đầu tư để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội và lưu trú cho công nhân lao động ở khu công nghiệp.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, dự thảo luật đã đề ra nhiều chính sách hỗ trợ, như dành quỹ đất phù hợp để phát triển nhà ở xã hội; có chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng để nhiều chủ đầu tư quan tâm… Người lao động cũng được hưởng các gói hỗ trợ về lãi suất để tiếp cận được nhà ở xã hội. Đối với nhà lưu trú cho công nhân, đây được coi là thiết chế quan trọng của khu công nghiệp.

diendan8.jpg
Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Taekwang Vina (tỉnh Đồng Nai) Đinh Sỹ Phúc phát biểu.

Giữ chân người lao động gắn bó với bảo hiểm xã hội

Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Taekwang Vina (tỉnh Đồng Nai) Đinh Sỹ Phúc cho biết, qua những lần sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội gần đây, dường như quyền lợi của người lao động đang có xu hướng suy giảm. Do đó, ông Đinh Sỹ Phúc đề nghị Quốc hội nghiên cứu, ban hành các quy định để không làm suy giảm quyền lợi của người lao động, tạo sự linh hoạt, hấp dẫn, thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội và giữ chân người lao động gắn bó lâu dài với hệ thống bảo hiểm xã hội.

Chị Lương Thị Tho, công nhân Xí nghiệp Quản lý và xử lý chất thải Đình Vũ (Hải Phòng) cho biết, công nhân lao động rất lo lắng, bức xúc trước tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội của người lao động. Bên cạnh đó, chị Đặng Hồng Thêm, công nhân Công ty cổ phần Môi trường và dịch vụ đô thị Sơn La cho rằng, nguồn Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp kết dư lớn, trong khi đó chế độ trợ cấp thất nghiệp cho người lao động còn thấp so với mức lương tối thiểu.

diendan5.jpg
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu.

Về việc sửa Luật Bảo hiểm xã hội, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, trong tháng 8-2023, Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội việc sửa đổi luật. Dự thảo Luật sẽ tập trung chỉnh sửa, điều chỉnh những vấn đề bất cập, mở theo hướng phát triển bảo hiểm xã hội và tăng quyền lợi cho người lao động chứ không tập trung hạn chế quyền lợi người lao động. Đặc biệt, sẽ tập trung vào 5 nhóm giải pháp chính và 12 nội dung với một số điểm như: Hạn chế tối đa việc rút bảo hiểm xã hội một lần, vừa bảo đảm ổn định an sinh xã hội, vì bảo hiểm xã hội là một trong hai trụ cột căn bản nhất của an sinh xã hội; bảo đảm người lao động có thể không cần rút bảo hiểm xã hội một lần nhưng vẫn có chính sách khác bù lại.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng nhấn mạnh đến vấn đề khắc phục việc chậm đóng, trốn đóng và nợ đóng bảo hiểm xã hội. Cụ thể, có ba đối tượng khác nhau là chậm, trốn và nợ đóng bảo hiểm. Với hơn 200.000 lao động bị nợ đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội, ông Đào Ngọc Dung cho biết đang phối hợp với đơn vị bảo hiểm, khoanh lại để tập trung xử lý.

Với nội dung về bảo hiểm thất nghiệp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ xác định bảo hiểm xã hội là “bà đỡ” cho thị trường lao động. Hiện nay, kết dư của quỹ đang ở mức an toàn. Trước đó, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp có khoảng 100 nghìn tỷ đồng và đã được sử dụng 41 nghìn tỷ đồng trực tiếp hỗ trợ người lao động.

Bên cạnh đó, công đoàn viên, người lao động cũng phản ánh một số nội dung liên quan đến điều kiện lao động; đời sống vật chất, tinh thần của người lao động; cơ chế, chính sách cho một số ngành đặc thù…

diendan2.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận diễn đàn.

Diễn đàn đã phản ánh đúng thực tiễn

Phát biểu kết luận diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, các ý kiến của đoàn viên, người lao động đã phản ánh đúng thực tiễn tình hình đời sống, việc làm, tâm tư, tình cảm, mối quan tâm của đoàn viên, người lao động cả nước và những bất cập trong quá trình thực thi chính sách, pháp luật. Qua các phản ánh cho thấy, từ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đời sống của công nhân, viên chức, lao động đã được cải thiện đáng kể, nhưng trên thực tế, một bộ phận đoàn viên, người lao động vẫn còn nhiều khó khăn.

“Mặc dù hệ thống pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức công đoàn đã không ngừng được hoàn thiện và khá đầy đủ, song vẫn còn không ít các quy định mâu thuẫn, chồng chéo, chưa sát thực tiễn cần được nghiên cứu bổ sung trong thời gian tới. Việc thực thi pháp luật ở một số nơi chưa nghiêm, còn vi phạm, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của công nhân, người lao động; công tác giám sát của Quốc hội, các đoàn thể, nhân dân còn chưa thường xuyên, đầy đủ…”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Thay mặt lãnh đạo Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội trân trọng ghi nhận ý kiến, góp ý của đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động. Một số vấn đề đã nằm trong chương trình xây dựng luật và pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ XV; một số vấn đề chưa nằm trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các cơ quan của Quốc hội phối hợp với Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất. Chủ tịch Quốc hội cũng mong muốn diễn đàn được tổ chức thường xuyên trong thời gian tới.

Chủ tịch Quốc hội nhận định, trước yêu cầu đổi mới toàn diện và đồng bộ đất nước, hoạt động công đoàn tiếp tục có bước chuyển quan trọng. Các cấp công đoàn, nhất là Tổng Liên đoàn Lao động đã chủ động, tích cực đổi mới và nâng cao chất lượng tham gia xây dựng chính sách, pháp luật cũng như giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật liên quan đến người lao động và hoạt động công đoàn. Cùng với đó, động viên công nhân, viên chức, lao động thi đua lao động sản xuất, đồng hành với Chính phủ thực hiện “mục tiêu kép”, khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội…

“Diễn đàn được tổ chức vào thời điểm các cấp công đoàn đang tổ chức đại hội, hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023-2028. Tôi mong rằng, đại hội đề xuất những giải pháp căn cơ, toàn diện để tổ chức Công đoàn thực sự vững mạnh toàn diện; xứng đáng là tổ chức đại diện lớn nhất, trung tâm tập hợp, đoàn kết giai cấp công nhân và người lao động cả nước; góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, là lực lượng tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ phát triển nhanh và bền vững đất nước”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

diendan13.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng quà cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
diendan12.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng quà cho 20 gương mặt đoàn viên công đoàn xuất sắc.

Nhân dịp kỷ niệm 94 năm thành lập Công đoàn Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tặng quà cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; 20 gương mặt đoàn viên công đoàn xuất sắc và 30 đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức khởi động Giải Vô địch bóng đá công nhân toàn quốc, chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023-2028.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề “đặc biệt” với công nhân, người lao động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.