Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cuộc "thử lửa" thứ ba

Thanh Hải| 17/04/2017 07:05

(HNM) - Tháng 5-1994, đường dây 500kV mạch 1 đưa vào vận hành. Lần lượt vào dịp 30-4 năm 2005 và 2014 mạch 2, mạch 3 (giai đoạn 1) đóng điện thành công, giải quyết tình trạng thiếu điện ở miền Bắc, miền Nam.



Nếu như mục tiêu của đường dây 500kV mạch 1 truyền tải điện từ miền Bắc vào giải quyết tình trạng thiếu điện cho miền Trung và miền Nam, mạch 2 đưa điện ngược lại từ miền Nam và miền Trung ra miền Bắc, thì đường dây 500kV mạch 3 được xây dựng để nâng cao độ dự trữ ổn định trên giao diện Bắc - Trung, khắc phục nguy cơ sự cố gây ảnh hưởng đến an toàn cung cấp điện trên các đường dây truyền tải. Ngoài ra, mạch dây này tạo mối liên kết mạnh giữa các khu vực trong hệ thống điện và góp phần giảm chi phí vận hành của hệ thống khi gia tăng truyền tải công suất của các nhà máy điện ở miền Bắc vào miền Nam...

Với chiều dài dự kiến khoảng 822km, mạch kép; đường dây 500kV mạch 3 kéo dài từ trạm 500kV Vũng Áng (Hà Tĩnh) đi Trung tâm Điện lực Quảng Trạch (Quảng Bình), trạm 500kV Dốc Sỏi (Quảng Ngãi) và điểm cuối là Trạm 500kV Pleiku 2 (Gia Lai). Đường dây đi qua 8 tỉnh, thành phố: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai và Đà Nẵng.

Mặc dù đã có kinh nghiệm từ xây dựng đường dây 500kV mạch 1 và mạch 2, nhưng mỗi giai đoạn đều có những khó khăn riêng. Ở thời điểm xây dựng đường dây mạch 1, chỉ có 4 công ty xây lắp làm trụ cột, song thời điểm này không có nhiều đường dây cấp điện áp 110kV, 220kV phải xây dựng, đến khi triển khai mạch 2 cũng vẫn chỉ có 4 đơn vị xây lắp, nhưng cùng thời gian này, các đơn vị phải dàn quân thi công hàng trăm công trình lưới điện 110kV và 220kV khắp cả nước...

Đường dây 500kV mạch 3, đoạn Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông, được gấp rút triển khai để đáp ứng nhu cầu về điện cho phát triển kinh tế - xã hội bù đắp cho một số công trình nguồn điện phía Nam chậm tiến độ. Công trình được hoàn thành trong điều kiện khó khăn về GPMB và thời tiết khắc nghiệt của Tây Nguyên đã khẳng định tài năng, trí tuệ, bản lĩnh của những người thợ điện Việt Nam và quyết định sáng suốt của Chính phủ.

Rút kinh nghiệm từ triển khai xây dựng đường dây 500kV mạch 2 và mạch 3, lãnh đạo EVN nhận thức hết các khó khăn và việc đầu tiên là tranh thủ sự đồng lòng ủng hộ của lãnh đạo, nhân dân các tỉnh có đường dây đi qua. Cụ thể là làm việc trực tiếp, ký kết hợp tác với lãnh đạo 8 tỉnh, thành phố bảo đảm cung cấp điện cho các tỉnh có đường dây đi qua, thống nhất các điều kiện để triển khai xây dựng đường dây 500kV mạch 3. Theo đó, sớm hoàn thành các thủ tục về bàn giao chi tiết tuyến, không để phát sinh nhà cửa, công trình trong hành lang tuyến đường dây đã thỏa thuận; phê duyệt đơn giá bồi thường GPMB; tạo điều kiện tối đa cho chủ đầu tư trong công tác bồi thường GPMB, đáp ứng mục tiêu tiến độ đưa dự án vào vận hành; bảo đảm đủ quỹ đất cho thực hiện dự án; cho phép thực hiện một số cơ chế để đẩy nhanh công tác bồi thường GPMB... vận chuyển vật tư, thiết bị phục vụ thi công. Nếu có hư hỏng đơn vị thi công có trách nhiệm sửa chữa để bảo đảm lưu thông và hoàn trả theo hiện trạng ban đầu sau khi hoàn thành công trình… Vì chạy song song với mạch 1 và mạch 2; nhưng những vị trí có địa hình đẹp, mạch 1 với lợi thế đi trước đã “chiếm” từ 10 năm nay và mạch 2 cũng đã phải vào sâu hơn; nên đường dây 500kV mạch 3 sẽ phải thi công ở các vị trí hiểm trở hơn rất nhiều và để bảo đảm tiến độ, cần thiết phải đơn giản hóa các thủ tục liên quan đến rừng.

Với những bất lợi nêu trên, việc thi công mạch 3 đường dây 500kV sẽ tiếp tục là cuộc “thử lửa” đối với những người thợ điện Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cuộc "thử lửa" thứ ba

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.