Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cuộc sống mới ở “đất thép” Củ Chi

ANHTHU| 25/04/2006 08:21

Trong hai cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc, nhân dân huyện Củ Chi (TPHCM) đã kiên cường bám trụ chiến đấu, xứng đáng với danh hiệu “Đất thép thành đồng” và “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” được Đảng, Nhà nước trao tặng. Hơn 30 năm xây dựng, nhân dân Củ Chi đã vươn lên chiến thắng đói nghèo; ngày 30-8-2005, địa phương vinh dự đón nhận danh hiệu “Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới”.

Trong hai cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc, nhân dân huyện Củ Chi (TPHCM) đã kiên cường bám trụ chiến đấu, xứng đáng với danh hiệu “Đất thép thành đồng” và “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” được Đảng, Nhà nước trao tặng. Hơn 30 năm xây dựng, nhân dân Củ Chi đã vươn lên chiến thắng đói nghèo; ngày 30-8-2005, địa phương vinh dự đón nhận danh hiệu “Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới”.

Đến Củ Chi, chúng tôi cảm nhận sự nghiệp công nghiệp hóa đang trên đà phát triển. Nằm giữa màu xanh của ruộng vườn là các nhà máy, xí nghiệp xây cất bề thế; hàng ngàn công nhân với đủ loại đồng phục hối hả ra vào khu công nghiệp (KCN) Tây-Bắc Củ Chi. 31 năm sau ngày giải phóng, vùng đất này đã có nhiều thay đổi vượt bậc trên các mặt kinh tế - xã hội.

Trò chuyện với Bí thư Huyện ủy Trà Văn Quýnh, được biết: Thời chống Mỹ, Củ Chi là “gạch nối” giữa Sài Gòn với các căn cứ kháng chiến ở miền Đông Nam bộ, nên kẻ địch đã tập trung mọi phương tiện chiến tranh biến vùng đất này thành “vành đai trắng”. Song quân và dân Củ Chi vẫn bám địa đạo, sát cánh bên nhau, bền gan chiến đấu, biến “Đất thép” thành nơi tập kết các đơn vị bộ đội tiến công vào dinh lũy của kẻ thù. Lòng đất và lòng người Củ Chi ẩn chứa bao điều kỳ diệu.

Sau ngày hòa bình, Đảng bộ, nhân dân Củ Chi xây dựng quê nhà từ hoang tàn, đổ nát. Con người mang nặng vết thương, nhưng tinh thần cách mạng vẫn bùng lên mãnh liệt. Mục tiêu được xác định trong Nghị quyết Đảng Bộ lúc bấy giờ là từng bước nâng cao đời sống nhân dân bằng cách tổ chức sản xuất, xóa đói giảm nghèo (XĐGN). Việc xây dựng các công trình thủy nông được coi là khâu trọng yếu. Chính quyền huy động sức dân từng bước kiên cố hóa kênh mương dẫn nước từ sông Sài Gòn tưới hầu hết các cánh đồng khô cháy ở 21 xã, thị trấn, đã phủ màu xanh trên vùng đất chết. Nhân dân đi lên từ mô hình “2 cây, 2 con” là cây rau, hoa kiểng và chăn nuôi heo, bò, bảo đảm đời sống và còn nhiều sản phẩm cung cấp cho TP.

Từ năm 1995 huyện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Năm 1997 thành phố xây dựng KCN Tây-Bắc Củ Chi, rộng 6000ha, thu hút vốn đầu tư hơn 150 triệu USD và 3000tỷ đồng của 50 doanh nghiệp trong và ngoài nước. KCN đã hình thành các ngành sản xuất đa dạng, gồm nhiều mặt hàng chất lượng cao để tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Ngoài ra các KCN tập trung ở Tân Quy, Tân Phú Trung và nhiều cụm công nghiệp khác đang định hình. Các KCN ra đời quy tụ đông đảo công nhân nhiều miền quê đến làm việc, càng “kích cầu” các hoạt động thương mại - dịch vụ, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động tại chỗ, góp phần thúc đẩy kinh tế của huyện phát triển. Riêng năm 2005 tăng trưởng kinh tế khu vực I vượt 20%, tổng thu ngân sách toàn huyện đạt 150% kế hoạch.

Bên cạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ, huyện quan tâm đầu tư xây dựng các Hợp tác xã, tổ hợp sản xuất khai thác nguyên liệu tại chỗ, tạo việc làm cho người lao động. Điển hình là làng nghề đan lát các sản phẩm bằng tre ở xã Thái Mỹ và làm bánh tráng ở xã Phú Hòa Đông; già trẻ, gái trai đều có việc làm tăng thu nhập cho gia đình. Các hộ có tay nghề cần vốn, đều được chính quyền địa phương đáp ứng. Cựu chiến binh Lê Văn Sỹ ở Phú Hòa Đông, hơn 10 năm qua được vay vốn XĐGN mở xưởng làm bánh tráng tâm sự: “Nhờ có vốn làm ăn dư giả, nên tôi chuyển từ thủ công sang tráng bánh bằng máy nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm được thị trường ưa chuộng. Hằng ngày xưởng của tôi có 8 người làm việc luôn tay, vẫn không đủ bánh tráng cung cấp cho bạn hàng”.

Từ vùng đất thuần nông, trước năm 1990 hơn 70% số hộ nghèo đến nay đời sống nhân dân Củ Chi được cải thiện rõ rệt. Cuối năm 2003, huyện tổ chức lễ công bố “Cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chí của TP”. Đến nay hơn 80% số hộ ở Củ Chi có nhà kiên cố, mua sắm đủ các tiện nghi cần thiết. Các gia đình chính sách và người nghèo được huyện, TP vận động nhân dân quyên góp, xây tặng gần 7500 căn nhà tình nghĩa, tình thương và hỗ trợ vốn cho tất cả hộ dân “tôn ngói hóa, xóa toàn bộ nhà tre lá”. Theo đó hệ thống “điện, đường, trường, trạm”, nước sạch với phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm ngày càng hoàn thiện.

Củ Chi “Đất thép” hôm nay đã và đang là một trong những bức tranh quê hương mới ở Thành phố mang tên Bác.

Thành Viên

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cuộc sống mới ở “đất thép” Củ Chi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.