Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cuộc rút lui huyền thoại

Thanh Hải - Dương Hiệp| 17/02/2014 06:23

(HNM) - Ngày này 67 năm trước (17-2-1947), những người lính Trung đoàn Thủ đô năm xưa sau khi hoàn thành nhiệm vụ kìm chân địch trong lòng Hà Nội, nhận lệnh rút quân lên chiến khu, bảo toàn lực lượng chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ.


Vậy mà những chàng trai Hà Nội đã làm được và họ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Bắt đầu từ ngõ Phất Lộc, phố Hàng Bạc qua cầu Long Biên, đi ven đê sông Hồng... Con đường huyền thoại này của những người con "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" chính là mạch nguồn chiến thắng để tạo nên khúc ca khải hoàn năm 1954.

Những kỷ niệm sống mãi

Dù đã bước vào tuổi 86, nhưng bác sĩ Bùi Huy Hùng, chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô năm xưa vẫn còn minh mẫn lắm. Biết chúng tôi đến tìm hiểu về cuộc lui quân thần kỳ, những ngày tháng chiến đấu của Trung đoàn giữa lòng Hà Nội, ông phấn khởi chuẩn bị rất nhiều sách, tài liệu và cả những kỷ vật còn lưu giữ lại được về thời kỳ gian khó nhưng hào hùng đó mang ra bày trên bàn tiếp khách. Trong căn nhà nhỏ ở phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng, ông kể: Nghĩ lại, giờ cũng không thể tin được rằng, mình đã thành công. 500 quyết tử quân tình nguyện ở lại chiến đấu (thực tế đã ở lại 1.200 người, có nhiều người trốn để được ở lại) trong tay chỉ có vũ khí thô sơ, súng đạn có rất ít mà ngăn được bước quân thù với vũ khí tối tân, được trang bị tận răng. Chỉ có lòng yêu nước, tình yêu với từng góc phố, mảnh đất này, chúng tôi mới làm được điều đó.

Phóng viên Báo Hànộimới trò chuyện với Vệ út” Phùng Đệ.


Ông kể, trận đánh đầu tiên của đơn vị diễn ra hai ngày sau buổi tuyên thệ "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" (ngày 13-1-1947), tại rạp Tố Như (rạp Chuông Vàng bây giờ). Lúc đó, khi phát hiện một chiếc xe tải của Pháp từ phía Nhà hát Lớn chạy dọc đường Trần Nhật Duật bây giờ qua phố Hàng Tre, quân ta đã nổ súng tấn công khiến 2 tên lính lê dương hoảng sợ, bỏ xe chạy qua bờ đê ẩn nấp. Nghe tiếng súng, địch cho xe tăng, xe bọc thép ra tăng cường, đồng thời bắn xối xả vào các cửa sổ dọc phố Hàng Tre, Hàng Vôi nhưng không làm quân ta nao núng. Ông Hùng lúc đó có 2 khẩu súng ngắn chiến lợi phẩm, được chỉ huy giao nằm chặn ở cửa một ngôi nhà phố Hàng Tre trông ra cột đồng hồ giữa đường, gác ngăn không cho địch tiến lại. Được lệnh cấp trên, lúc đó ông Hùng nằm yên nghe tiếng súng địch mà trong lòng sốt ruột chỉ muốn lao ngay ra ngoài chiến đấu. Sau này khi nghe kể lại được biết, một đồng đội của ông ở tầng 2 phố Hàng Tre dũng cảm lao quả bom ba càng nặng gần 10kg qua cửa sổ xuống đường, bom không nổ nhưng địch bỏ chạy tán loạn giải vây cho quân ta.

60 ngày đêm chiến đấu giữa Thủ đô, những chàng trai, cô gái Hà Nội đã rất mưu trí, khôn khéo để ngăn bước quân thù. Trên những tuyến phố được xác định địch sẽ tiến quân ra, ta đều bố trí chướng ngại vật, nhằm cản bước tiến của chúng. Tại nhiều phố quân ta đã khoan thân cây, gài mìn vào đó, sẵn sàng cho nổ khi địch tới. Các cột điện cũng được ta lợi dụng triệt để nhằm bố trí các ụ súng.

- "Chuyện đục tường, nối thông các nhà ở nội đô Hà Nội trong những ngày toàn quốc kháng chiến đã trở thành phương thức chiến đấu sáng tạo của quân ta. Vì đặc điểm kiến trúc của mỗi nhà khác nhau, nên những bức tường đục đã tạo nên ma trận với quân Pháp" - ông Phùng Đệ, một "Vệ út" năm xưa (sau này là nhà quay phim của Điện ảnh quân đội) liên tục nhấn mạnh trong câu chuyện với chúng tôi, tại căn nhà ông ở ngõ 35 Phan Đình Phùng, Hà Nội. Gọi là "Vệ út" vì những năm tháng đó, ông chỉ là cậu bé 10-13 tuổi được giao làm nhiệm vụ liên lạc. Ông Phùng Đệ kể, những năm đó, gia đình ông sống trong khu nhà lá ở bãi Phúc Tân. Cả phố đi tản cư, nhưng ông trốn ở lại cùng các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô với lý do lạc gia đình. Sau đó, ông được chỉ huy Vũ Lăng (sau này được phong hàm Thượng tướng), đồng ý và giao nhiệm vụ đi trinh sát Nhà Thủy lâm (Sở VH,TT&DL bây giờ). Nhiệm vụ đầu tiên hoàn thành xuất sắc, ông Đệ tiếp tục được giao thêm nhiều nhiệm vụ quan trọng như dẫn quân đi tái chiếm nhà Sova (đầu đường Trần Nhật Duật). Trận đánh này vô cùng cam go khi lực lượng ta chỉ còn 12 người, trong đó có 3 tay súng còn lại là vũ khí thô sơ nhưng đã hoàn toàn thắng lợi. Trong suy nghĩ của cậu bé 13 tuổi lúc đó thì những câu chuyện sống và chiến đấu trong những ngày "lũy hoa" hệt như trong phim, nhất là trận đánh nhà Sova sau này được đánh giá có ý nghĩa quan trọng, mở đường máu để Trung đoàn Thủ đô rút lui an toàn lên chiến khu.

Và cuộc lui quân thần kỳ

Cuộc chiến kìm chân địch ngày một diễn ra ác liệt. Bác sĩ Bùi Huy Hùng nhớ lại, ngày 23-1-1947, trận Sova, quân Pháp đã chiếm được nhưng ta có tiếp viện nên lập tức phản kích và chiếm lại ngay. Thế nhưng, trong trận này, tuyến đường liên lạc bí mật trong đêm dọc sông Hồng đã bị địch phát hiện và tìm cách triệt hạ. Cuối tháng 1-1947, quân Pháp đánh chiếm khu A Tứ Tổng (nay là phường Tứ Liên, quận Tây Hồ) rồi lập bốt Nội Châu chốt chặt đường rút quân của ta. Chiến sự ngày càng tiến dần đến phố Hàng Buồm, là khu phi quân sự, nơi có nhiều Hoa kiều sống. Tại phố này, ta có đặt một trạm quân y trong kho chứa hàng của nhà buôn Nam Long, do bác sĩ Thuyết phụ trách.

Thời cơ đã đến với Trung đoàn Thủ đô khi ngày 16-2-1947, theo đề nghị của lãnh sự quán Trung Quốc, ta và Pháp đồng ý tạm ngừng bắn một ngày (18-2-1947) để Hoa kiều phố Hàng Buồm đi tản cư công khai ra khỏi Hà Nội. Ngày 17-2-1947, nhằm tạo thế bất ngờ, ta quyết định rút quân ngay trong đêm, phải vượt sông Hồng để tránh bốt Nội Châu khu A Tứ Tổng. Rút toàn bộ lực lượng ngay trong đêm, vượt qua rất nhiều tai mắt của địch là một việc cực kỳ gian khó, vậy mà ta đã làm được. "Vệ út" Phùng Đệ, thuộc đơn vị cuối cùng của Tiểu đoàn 103, rút khỏi Hà Nội nhớ lại: Quyết định lui quân được đưa ra nhanh chóng và giữ bí mật đến phút chót. Chỉ trong vòng 1 tiếng, từ khi có lệnh của cấp trên, Ban Chỉ huy Trung đội tự vệ xã Tứ Liên đã huy động được 44 thuyền gỗ để làm nhiệm vụ đặc biệt.

Đêm 17-2-1947, từ ngõ Phất Lộc, Phùng Đệ lặng lẽ cùng những chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô băng qua con đê, đi trong sương mù dày đặc qua cầu Long Biên ngay dưới ánh đèn gác của kẻ thù. Đoàn quân ấy, lặng lẽ đi trong đêm, tay mỗi người cầm chặt vào một sợi dây tết bằng vải để anh em không lạc nhau. Trên vai mỗi người lúc đó, vẹn nguyên tấm băng in đậm dòng chữ TĐTĐ (Trung đoàn Thủ đô) như vẹn một lời thề sắt son "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh". Đêm cuối cùng tạm xa Thủ đô, nhiều chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi đã để lại lời thề nguyền "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" trên khắp các nẻo đường, ngõ phố.

Trong hồi ức của những người còn sống như bác sĩ Bùi Huy Hùng, "Vệ út" Phùng Đệ hôm nay và sử liệu còn ghi: Sáng 18-2-1947, Hoa kiều phố Hàng Buồm mới phát hiện trạm quân y của ta đã rút hết và còn viết lên tường: Hẹn ngày trở về giải phóng Thủ đô. Thế là Hoa kiều không tản cư nữa mà chọn giải pháp ở lại cho an toàn. Quân Pháp chờ mãi không thấy Hoa kiều tản cư, lúc đó mới biết quân ta đã rút và vội tổ chức truy kích. Từ Gia Lâm, địch đưa xe tăng thọc sâu lên Cơ Xá trên bờ Bắc sông Hồng không thấy quân ta nên quay về. Từ bến Phà Đen, Pháp huy động chiến thuyền ngược sông tìm quân ta. Đến khoảng 8h30 gặp 5, 6 thuyền cập bến bờ Nam, địch điên cuồng bắn xối xả nhưng quá muộn. Quân ta đã lên bờ an toàn và tổ chức phản công khiến giặc hậm hực rút lui. Chưa dừng lại ở đó, khi chiếm được Liên khu I, từ 5h sáng ngày 19-2-1947, khi trời còn tối đen, quân Pháp đã tấn công cả đường thủy lẫn đường bộ vào khu B Tứ Tổng ở bãi giữa sông Hồng. Trận này, giặc Pháp đã gây tội ác bắn chết 27 người, bắt đi 70 người, đốt trụi 196 ngôi nhà, phá sập đình Vạn, đình Xuyên, phá nát 44 thuyền… Trong trận này tiểu đội du kích Nguyễn Ngọc Nại đã chiến đấu anh dũng và hi sinh, về sau nhân dân vẫn lấy ngày này làm ngày "giỗ trận".

67 năm đã qua, trong tâm tưởng của các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô năm xưa, cũng như thế hệ trẻ hôm nay luôn khắc sâu công lao to lớn của những người anh hùng đã ngã xuống cho nền độc lập, tự chủ của đất nước. Chính họ đã góp một phần to lớn ghi dấu vào khúc khải hoàn, mở ra 5 cửa ô bát ngát cờ hoa, hân hoan đón đại quân trở về giải phóng Thủ đô 7 năm sau đó.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cuộc rút lui huyền thoại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.