(HNM) - Đã hơn một tháng trôi qua kể từ khi Qatar trở thành đối tượng trong một cuộc trừng phạt chưa từng có tiền lệ của các quốc gia láng giềng do Saudi Arabia dẫn đầu.
Các nhà phân tích cho rằng, nguyên nhân chính khiến Qatar trở thành "cái gai" trong mắt "người anh cả" Saudi Arabia là việc nước này chủ trương theo đuổi đường lối đối ngoại độc lập và nuôi tham vọng gây dựng vai trò chính trị khu vực. Vì thế, những biện pháp trừng phạt mà 4 quốc gia Arab, gồm: Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập đưa ra là muốn ép buộc chính quyền Doha quay trở lại quỹ đạo mà các nước này đang thực hiện.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (trái) thăm Kuwait nhằm giải quyết khủng hoảng ngoại giao giữa các nước Arab. |
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, Saudi Arabia và các đồng minh đang đi quá xa khiến tình trạng chia rẽ giữa các quốc gia Arab ngày càng trở nên phức tạp. Ngoài ra, việc cô lập Qatar không những không giúp Riyadh đạt được mục đích mà còn làm cho Doha có xu hướng ngả sang phía Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này phần nào được chứng minh thông qua việc ngày 11-7, Qatar đe dọa rút khỏi Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) và đưa ra tối hậu thư kèm theo nhiều điều kiện gửi tới 4 quốc gia Arab.
Theo phân tích, có nhiều lý do khiến Qatar không ngại những áp lực trừng phạt của các nước láng giềng.
Thứ nhất, nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên khổng lồ khiến Qatar trở thành một trong những nước rất giàu có với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thuộc hàng cao nhất thế giới. Kể cả khi Saudi Arabia, UAE, Bahrain và Ai Cập có đưa ra lệnh cấm về giao thông, thương mại và du lịch…, nền kinh tế của Qatar cũng không bị ảnh hưởng ngay lập tức.
Thứ hai, cho dù nhiều nước láng giềng bắt tay nhau trừng phạt Qatar, song Kuwait và Oman lại không tham gia vào việc này mặc dù cả hai nước đều là thành viên của GCC. Tương tự, Jordan tuyên bố sẽ hạ cấp nhưng không cắt đứt hẳn quan hệ ngoại giao với Qatar. Vì vậy, hiệu quả chiến dịch cấm vận của các nước Arab sẽ bị hạn chế.
Thứ ba, Qatar là đối tác quan trọng của Mỹ tại Trung Đông. Doha đã cho Washington sử dụng căn cứ không quân Al-Udeid trong chiến dịch chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Đứng trước cuộc khủng hoảng có thể ảnh hưởng tới lợi ích, chắc chắn “chú Sam” sẽ không thể thờ ơ.
Đây cũng là lý do khiến Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson thực hiện chuyến công du tới vùng Vịnh từ ngày 11-7. Nhiều quốc gia Châu Âu cũng đã kêu gọi nhanh chóng giải quyết cuộc khủng hoảng tiếp tục có chiều hướng căng thẳng này. Bên cạnh đó, bản thân Saudi Arabia cũng có những rắc rối của riêng mình.
Trong hai năm qua, Saudi Arabia và UAE tham gia vào cuộc nội chiến gây tổn thất nặng nề và chưa có dấu hiệu sớm kết thúc ở Yemen. Ngoài ra, Riyadh còn đương đầu với sự nổi dậy âm ỉ ở khu vực phía Đông nước này, nơi người Hồi giáo dòng Shiite chiếm đa số. Trong dài hạn, hậu quả của việc cô lập Qatar nhiều khả năng cũng mang đến tác động ngược cho nền kinh tế Saudi Arabia.
Tương tự như bất kỳ cuộc chiến thương mại nào, càng kéo dài, thiệt hại sẽ càng gia tăng cho cả hai phía và có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới toàn bộ khu vực. Trong khi đó, để thu hút các doanh nghiệp và tạo việc làm cho lực lượng dân số trẻ ngày càng đông, các nước vùng Vịnh cần có sự ổn định và một môi trường kinh doanh thân thiện. Nếu không, cuộc khủng hoảng sẽ tiếp tục gây ra những hệ lụy khó lường cho vùng đất vốn đã không yên ả suốt nhiều thập kỷ qua.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.