Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cuộc hòa giải khó khăn

Đình Hiệp| 30/10/2013 06:23

(HNM) - Chính trường Thái Lan mấy ngày qua lại

Việc sửa đổi dự luật ân xá là nguyên nhân gây ra nhiều cuộc biểu tình ở Thái Lan thời gian qua.


Với tên gọi "Dự luật ân xá Worachai" - mang tên Hạ nghị sỹ Worachai của đảng Vì nước Thái cầm quyền soạn thảo và đệ trình - dự luật được Hạ viện Thái Lan thông qua giai đoạn 1 vào ngày 8-8 vừa qua với số phiếu áp đảo 300/438. Theo quy định, dự luật cần được Hạ viện Thái Lan bỏ phiếu thông qua giai đoạn 2, rồi trình lên Thượng viện xem xét, sau đó Hạ viện lại bỏ phiếu thông qua giai đoạn 3. Tiếp đó, dự luật phải nhận được sự nhất trí của Tòa án Hiến pháp Thái Lan trước khi trình lên Nhà vua ký thành luật mới có hiệu lực chính thức. Mặc dù chặng đường trở thành hiện thực của dự luật còn dài nhưng ngay lập tức những vấn đề được đề nghị chỉnh sửa đã tạo ra nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.

Đảng Dân chủ đối lập là lực lượng tiên phong kêu gọi những cuộc biểu tình phản đối việc chỉnh sửa dự luật trên với lập luận rằng, bản chất của việc làm này nhằm xóa tội cho cựu Thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra - người vừa bị kết án hai năm tù - đang sống lưu vong tại nước ngoài và các chính trị gia khác. Cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva, Chủ tịch đảng Dân chủ đối lập cũng đã lên tiếng phản đối việc sửa dự luật trên khi cho đây chỉ nhằm "minh oan" cho cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra cũng như các chính trị gia khác. Một số ý kiến khác cho rằng, dự luật ân xá phải dựa trên cơ sở bình đẳng cho dù các đối tượng vi phạm ở bất cứ bên nào…

Giữa lúc những tranh cãi về chỉnh sửa dự luật ân xá chưa "hạ nhiệt", chính trường đất nước Chùa vàng lại đón nhận "cú sốc" mới khi ngày 28-10 vừa qua Tổng Chưởng lý nước này quyết định khởi tố cựu Thủ tướng A.Vejjajiva và cựu Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban với những cáo buộc giết người trong vụ trấn áp người biểu tình ở Bangkok năm 2010. Quyết định của tòa án được đưa ra sau khi Cục Điều tra đặc biệt (DSJ) của Thái Lan cáo buộc ông A.Vejjajiva cương vị Thủ tướng và ông S.Thaugsuban trên cương vị Phó Thủ tướng; đồng thời là Giám đốc Trung tâm xử lý tình trạng khẩn cấp (CRES) đã phối hợp tổ chức trấn áp những người biểu tình "áo đỏ" ngày 15-5-2010 khiến một cậu bé 14 tuổi và một lái xe thiệt mạng. Sau hơn một tháng phe "áo đỏ" chiếm giữ khu thương mại nằm giữa trung tâm thủ đô Bangkok năm 2010, quân đội Thái Lan dưới sự chỉ đạo của CRES (nay đã bị giải tán) đã tiến hành trấn áp người biểu tình. Đụng độ xảy ra làm gần 100 người chết và hơn 2.000 người khác bị thương. Đây được xem là cuộc trấn áp người biểu tình đẫm máu nhất trong nhiều thập kỷ qua của quân đội Thái Lan dưới thời cựu Thủ tướng A.Vejjajiva. Trong bối cảnh bất đồng giữa các phe phái luôn là nguyên nhân gây bất ổn, sự kiện nhà lãnh đạo một thời A.Vejjajiva phải đối mặt với tội danh giết người có thể sẽ châm ngòi cho những sự cố khó lường ở Thái Lan.

Trước sức ép ngày một lớn trong dư luận phản đối sửa dự luật ân xá, nữ Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Yingluck Shinawatra mới đây đã lên tiếng kêu gọi người dân tuân thủ Hiến pháp và pháp luật. Khẳng định Chính phủ không can thiệp vào việc soạn thảo dự luật, Thủ tướng Y.Shinawatra một lần nữa nhấn mạnh sự cần thiết phải phân định rõ quyền lực độc lập của cơ quan hành pháp và lập pháp. Theo đó, Quốc hội có nhiệm vụ xây dựng luật và trước khi trở thành luật phải được sự chấp thuận của đa số thành viên. Chính phủ dựa vào luật để điều hành, vì lợi ích của người dân và sự phát triển của đất nước.

Được đánh giá là cần thiết để hòa giải dân tộc sau nhiều năm bất ổn do bất đồng giữa các phe phái nhưng dự luật ân xá lại đang trở thành nguyên nhân gây sóng gió mới trên chính trường Thái Lan. Kể từ khi nữ Thủ tướng Y.Shinawatra lên nắm quyền sau chiến thắng áp đảo của đảng Vì nước Thái trong cuộc bầu cử Hạ viện trước thời hạn năm 2011, chính trường Thái Lan đã tương đối ổn định, với tăng trưởng GDP trong năm nay dự kiến đạt 3,7%. Dù còn không ít khó khăn, song người dân xứ Thái hẳn không mong đợi một làn sóng bất ổn mới bắt nguồn từ đạo luật ân xá.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cuộc hòa giải khó khăn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.