(HNM) - Nhân 40 năm Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (17/2/1979 - 17/2/2019), ngày 23-2, tại Berlin (Đức), các cựu chiến binh Việt Nam từng trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu bảo vệ biên giới đã tổ chức cuộc gặp mặt để ôn lại năm tháng hào hùng và tri ân những người đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc.
Mở đầu chương trình, các cựu chiến binh đã dành một phút mặc niệm cho đồng chí, đồng đội đã anh dũng hy sinh để bảo vệ từng tấc đất biên cương. Trong bầu không khí xúc động tất cả đã cùng nhau hát vang bài "Chiến đấu vì độc lập tự do” của cố nhạc sĩ Phạm Tuyên. Ký ức về những ngày cùng chung chiến hào lần lượt ùa về.
Tham tán Đại sứ quán Việt Nam tại Đức Phạm Văn Mích, người từng tham gia chiến đấu ở mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang kể lại những câu chuyện về sự chiến đấu kiên cường và nhiều tấm gương anh dũng hy sinh của các chiến sĩ để bám trụ trên các cao điểm vẫn thường được gọi là "lò vôi thế kỷ" hay "cối xay thịt". Do tính chất khốc liệt của cuộc chiến, quá trình vận chuyển lương thực tiếp tế cho tuyến đầu vô cùng khó khăn. Thiếu nước, suốt nhiều tháng ròng, chiến sĩ ta hầu như không được tắm, không thay quần áo, tóc bết đất dài đến ngang vai. Cùng tham gia chiến đấu ở mặt trận Vị Xuyên với ông Phạm Văn Mích, ông Nguyễn Văn Tám nghẹn ngào nhớ lại lúc đồng đội hy sinh, chôn cất chỉ kịp vùi lấp sơ qua lớp đất đá. Quá đau thương, anh em đã dùng súng AK bắn chỉ thiên tiễn biệt thì lại bị pháo đối phương dập đến. Đến giờ ông vẫn không biết được đồng đội nằm nơi nào.
Trong buổi giao lưu, bà Hoàng Hạnh Nguyên, vợ của một cựu chiến binh từng tham gia chiến dịch biên giới chia sẻ, thời điểm đó, bà và mẹ chồng không một đêm nào ngủ yên giấc bởi luôn thấp thỏm, lo lắng, ngày ngày ngóng trông tin tức của người thân nơi chiến trường. Bà Nguyên nói trong nước mắt: "Tôi còn may mắn hơn hàng vạn người vợ, người mẹ khác đã không được đón chồng, con từ biên giới trở về. Các anh đã mãi nằm xuống cho đất nước được bình yên".
Ông Vũ Lương, nguyên là phóng viên Báo Nhân Dân, từng trực tiếp có mặt viết tin bài ở nhiều điểm nóng trên các mặt trận dọc tuyến biên giới trong những ngày tháng 2-1979 đã khái quát một số nét về nguyên nhân, diễn biến của cuộc chiến tranh biên giới. Theo đó, điều đọng lại là sự quả cảm, tinh thần đoàn kết của quân và dân trong những ngày tháng ác liệt đó.
Trong buổi giao lưu, ca sĩ Quang Ngọ, Nguyễn Thành Long, nhà thơ Vũ Thế Dũng, nhà báo Huy Thắng, đã thể hiện những ca khúc và đọc các bài thơ với đề tài người lính và chủ quyền biên giới. Đặc biệt là ca khúc "Nỗi nhớ biên cương", một sáng tác mới của nhà báo Huy Thắng đã được chọn làm bài hát truyền thống cho ngày gặp mặt cựu chiến binh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới những năm sau.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.