(HNM) - Đội ngũ những trí thức trẻ, nhà nghiên cứu khoa học, nghiên cứu sinh… đang sinh sống, làm việc và học tập tại xứ Kim chi cũng có nhiều hoạt động thiết thực hướng về quê hương.
Nhằm huy động hơn nữa nguồn chất xám quý báu, mới đây Văn phòng Khoa học và Công nghệ (KH&CN) thuộc ĐSQ Việt Nam tại Hàn Quốc đã tổ chức buổi gặp mặt đầu tiên với đội ngũ trí thức trẻ này.
Các nhà khoa học trẻ Việt Nam tại Hàn Quốc trong cuộc gặp mặt đầu tiên. |
Cuộc gặp mặt có đại diện lãnh đạo ĐSQ Việt Nam tại Hàn Quốc, đại diện Hội Người Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc và gần hai mươi nhà khoa học trẻ là các nghiên cứu sinh tiến sĩ, sau tiến sĩ thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau như: năng lượng, công nghệ hóa học, sinh học, khoa học vật liệu, công nghệ nano, xây dựng… Những thảo luận sôi nổi về khả năng phát triển của những đề tài khoa học đang nghiên cứu trong tương lai cũng như thực tiễn ứng dụng tại Việt Nam đã thu hút sự quan tâm đặc biệt.
Anh Nguyễn Hữu Tuân, nghiên cứu sinh năm cuối Trường Đại học Ajou chia sẻ: "Hiện nhóm của tôi đang nghiên cứu và chế tạo về thiết bị phát sáng quang hóa sử dụng chấm lượng tử và các ôxít kim loại (QD-LEDs). Theo đó các màng mỏng của thiết bị cỡ vài chục nano mét sẽ được hình thành từ các dung dịch hữu cơ, vô cơ và chấm lượng tử thông qua phương pháp quang phủ. Phương pháp này rất dễ chế tạo và ứng dụng dựa trên các vật liệu giá rẻ và bền bỉ". Anh Tuân cho biết, nhóm nghiên cứu của anh đang triển khai mở rộng hợp tác với các trường, viện ở nhiều nơi trên thế giới. Tại buổi gặp này, anh Tuân bày tỏ mong muốn thông qua sự hỗ trợ và giúp đỡ của các cơ quan chức năng, anh cũng như các đồng nghiệp sẽ có nhiều cơ hội hợp tác nghiên cứu với các trường, viện tại Hàn Quốc cũng như ở Việt Nam. Sự hỗ trợ này là cần thiết để góp phần triển khai các mạng nghiên cứu mới phù hợp với sự phát triển lớn mạnh về KH&CN của thế giới hiện nay.
Với mong muốn được đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển KH&CN của Việt Nam, anh Đoàn Nam Thái, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ ngành quang học chính xác, xử lý hình ảnh và ứng dụng vào phẫu thuật động mạch trong y học tại Bệnh viện Severance - Trường Đại học Yonsei chia sẻ: "Tôi hy vọng Việt Nam dành nhiều kinh phí hơn cho các nghiên cứu sinh sau tiến sĩ đi nghiên cứu ở nước ngoài từ 1 đến 2 năm. Tôi cũng mong chúng ta sẽ có các quỹ nhằm khuyến khích các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài tham gia vào các dự án nghiên cứu khoa học của Chính phủ". Anh Thái cũng nhấn mạnh, các nghiên cứu sinh cần chủ động hơn nữa trong việc tiếp cận khoa học của nước bạn, mở rộng quan hệ với những nhà nghiên cứu nổi tiếng, các công ty làm về cùng chuyên ngành với mình. Điều quan trọng hơn là phải luôn chủ động áp dụng những kiến thức tích lũy được trong quá trình học tập, nghiên cứu ở nước ngoài để áp dụng vào thực tế tại Việt Nam.
Một số ý kiến khác phát biểu tại cuộc gặp cho rằng, cần thành lập Hội Các nhà khoa học Việt Nam tại Hàn Quốc; Hội Sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc đã thành lập một tiểu ban khoa học - đầu mối để các sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc gặp gỡ, chia sẻ, đưa ra những ý tưởng đóng góp cho sự phát triển KH&CN của Việt Nam. Đánh giá cao những đóng góp, ý tưởng của các trí thức trẻ, nhà khoa học trẻ Việt Nam tại Hàn Quốc đối với sự phát triển KH&CN của Việt Nam, Tham tán Công sứ ĐSQ Việt Nam tại Hàn Quốc Nguyễn Mạnh Đông bày tỏ hy vọng, thời gian tới, đây sẽ là đội ngũ những nhà khoa học trở về Việt Nam, có nhiều hoạt động thiết thực góp phần xây dựng và phát triển đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.