(HNM) - Giữa lúc cả thế giới vượt lên giá lạnh để bước vào một kỳ nghỉ giáng sinh và năm mới 2011, Ấn Độ lại tất bật với sự kiện ngoại giao quan trọng. Chuyến công du hai ngày của Tổng thống Nga Dmitry Medvedev vừa khép lại hôm qua (22-12) - chuyến thăm cấp cao thứ ba liên tiếp tới Ấn Độ trong tháng 12 này ngay sau khi Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy kết thúc - cho thấy quốc gia Nam Á này đang là điểm đến trong cuộc đua giành ảnh hưởng trên bàn cờ chiến lược của các nền kinh tế lớn thế giới.
Nếu như lãnh thổ và biên giới vẫn được xem là trở ngại trong quan hệ láng giềng Trung-Ấn, hợp tác kinh tế, quân sự cũng như nhiều lĩnh vực khác giữa Mátxcơva và New Delhi thời gian qua lại phát triển khá tốt đẹp. Trong số một loạt dự án chung quy mô lớn mà hai nước đang triển khai hiện nay phải kể đến công trình xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân Kudankulam ở miền Nam Ấn Độ và dự án khai thác mỏ dầu khí Sakhalin 1 ở Nga. Trong bối cảnh đó, thỏa thuận quan trọng nhất mà Tổng thống D.Medvedev vừa gặt hái trong chuyến công du này là hợp đồng cung cấp cho Ấn Độ máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 Sukhoi T-50 PAK FA trị giá tới 30 tỷ USD, khi Ấn Độ dự kiến triển khai tới 300 chiếc cho không lực nước này.
Là đồng minh chiến lược của Ấn Độ trong thời kỳ chiến tranh lạnh, nhiều thập kỷ qua Nga vẫn là nhà cung cấp độc quyền cho thị trường quốc phòng Ấn Độ. Trong chuyến thăm Ấn Độ tháng 3-2010 của Thủ tướng Nga V.Putin, hai bên cũng đã ký các thỏa thuận trị giá hơn 10 tỷ USD. Trong đó đáng chú ý là hợp đồng chuyển giao tàu sân bay thứ hai cho Ấn Độ vào năm 2012 và 29 chiến đấu cơ MiG-29. Song, chủ trương đa dạng hóa các đối tác trong các lĩnh vực chiến lược của Ấn Độ đang là thách thức với Mátxcơva. Vì thế, chuyến công du của Tổng thống D.Medvedev không chỉ nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế-thương mại, mà còn mang sứ mệnh quan trọng hơn là vận động để đồng minh này tiếp tục tin tưởng vào các sản phẩm quốc phòng do Nga sản xuất cũng như các lò phản ứng hạt nhân khi những đối thủ phương Tây cũng đang ra sức chào mời.
Không phải ngẫu nhiên chỉ trong 6 tháng qua Ấn Độ trở thành điểm đến trong cuộc đua của các nhà lãnh đạo Anh, Mỹ, Pháp, Trung Quốc - những thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, với một loạt hợp đồng được ký kết trị giá tới 50 tỷ USD. Cùng với chuyến thăm Ấn Độ tháng 3 vừa qua của Thủ tướng V.Putin, chuyến thăm này của Tổng thống D.Medvedev cùng một đoàn hùng hậu các doanh nghiệp hàng đầu của Nga như MiG, Rosatom, RosoboronExport… một lần nữa cho thấy, quốc gia có số dân lớn thứ hai thế giới cũng là mối quan tâm chiến lược của Nga.
Khi nhiều nước cờ đều hướng đến Nam Á, hơn lúc nào hết Nga càng cần tận dụng cơ hội để tăng tốc quan hệ với Ấn Độ. Trong chuyến thăm này, Tổng thống Dmitry Medvedev đã tận dụng triệt để lợi thế của mối quan hệ Nga - Ấn để vừa tìm kiếm những hợp đồng kinh tế; đồng thời khẳng định vị thế của Nga tại Nam Á trong quan hệ lâu đời với Ấn Độ.
Cùng những hợp đồng kinh tế được ký kết, thắng lợi quan trọng hơn với New Delhi sau chuyến thăm của Tổng thống D.Medvedev là cái gật đầu của Nga khi ủng hộ Ấn Độ là ứng cử viên xứng đáng cho chiếc ghế Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an LHQ. Cùng với những lợi ích ràng buộc trong khuôn khổ Nhóm các nền kinh tế mới nổi BRIC (Brazil, Nga, Trung Quốc và Ấn Độ) cũng như các diễn đàn quốc tế khác, việc Nga-Ấn tìm được tiếng nói chung trong nhiều vấn đề qua chuyến thăm này còn góp phần khẳng định vị thế mới của Ấn Độ trên trường quốc tế.
Quan hệ đối tác chiến lược Nga-Ấn, như Thủ tướng Ấn Độ M.Singh từng tuyên bố vừa được tiếp thêm sức mạnh để phát triển lên một tầm cao mới. Với 30 thỏa thuận hợp tác trên một loạt lĩnh vực được ký kết, mục tiêu kim ngạch thương mại song phương Nga-Ấn sẽ tăng gấp đôi lên 20 tỷ USD vào năm 2015 của lãnh đạo hai bên sẽ là động lực giúp Nga thêm lợi thế trên bàn cờ chiến lược ở Nam Á.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.